Nghề Nuôi Cá Lồng Biển Ở Trường Sa

Từ nhiều năm nay, tại đảo Ðá Tây thuộc quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) có thêm một nghề mới: Nghề nuôi cá lồng biển.
Ngoài nhiệm vụ chính là canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, các chiến sĩ ở đảo còn thuần hóa thành công một số giống cá nước lợ được mang ra từ đất liền để nuôi trong môi trường nước mặn theo công nghệ nuôi cá lồng biển của Na Uy.
Ðảo Ðá Tây nằm ở phía nam quần đảo Trường Sa, là một trong những hòn đảo đẹp, có vị trí quan trọng. Ðảo có dạng hình quả trám, nằm theo hướng đông bắc-tây nam, ở giữa là một cái hồ, có độ sâu không đều. Nghề nuôi cá lồng biển ở đảo Ðá Tây được triển khai thí điểm từ năm 2007.
Ðến năm 2008, mô hình này tiếp tục được mở rộng. Hải đoàn 129 trực thuộc Quân chủng Hải quân được giao nhiệm vụ thực hiện Dự án "Thí điểm nuôi trồng hải sản đảo Ðá Tây-Trường Sa". Từ khi triển khai dự án, đến nay, Hải đoàn 129 đã nuôi thành công một số loài cá như: Cá chim trắng, cá chẽm, cá hồng đen, cá mú.
Trung úy Nguyễn Văn Thường (quê Ninh Bình), dẫn chúng tôi ra thăm lồng cá và cho biết: Hằng ngày, ngoài nhiệm vụ chính làm công tác thông tin, bảo vệ chủ quyền, tôi còn kiêm nhiệm vụ nuôi cá lồng biển. Trước khi ra đảo, tôi có nhiều năm nuôi cá cho nên được đơn vị tín nhiệm, giao nhiệm vụ.
Ở đây có tám lồng cá, mỗi lồng thả bình quân từ 700 đến một nghìn con. So với các loài cá nuôi thí điểm, cá chim trắng, cá chẽm có ưu điểm dễ thuần hóa, chúng thường ăn cám và đạt năng suất cao. Trung bình mỗi năm đảo Ðá Tây đã nuôi được hai tấn cá chim trắng và hơn một tấn cá chẽm.
Cá chim trắng đến tuổi thu hoạch có trọng lượng hơn 3 kg/con, cá chẽm khoảng 2,5 kg. Bên cạnh mặt thuận lợi, nghề nuôi cá lồng biển ở đây cũng gặp một số khó khăn nhất định như: Ðiều kiện thời tiết, khu nuôi xa đất liền.
Tháng 11, 12 sóng to, gió lớn, biển động dữ dội cho nên việc đi lại ra lồng cá gặp nhiều khó khăn, trong khi đó theo quy định một ngày cá phải được ăn ít nhất một lần. Thực tế cho thấy, qua tám năm nuôi cá lồng biển, Hải đoàn đưa về đất liền tiêu thụ được hơn 23 tấn cá. Khi chúng tôi đến, phần lớn số cá nuôi đã được đưa về đất liền nên chỉ còn duy trì ba lồng.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chỉ huy trưởng đảo Ðá Tây Bùi Duy Việt cho biết: Qua thời gian thực hiện dự án, Hải đoàn đã xác định được giống nuôi, từng bước nắm bắt kỹ thuật, công nghệ nuôi các loài cá nói trên.
Bên cạnh đó, Hải đoàn còn quan tâm đến công tác huấn luyện, đào tạo lý thuyết và thực tế cho hơn 130 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia nuôi trồng hải sản tại quần đảo Trường Sa, mỗi lượt từ hai đến ba tháng. Nghề nuôi cá lồng biển bước đầu mở ra hướng phát triển kinh tế mới, tạo tiền đề cho việc thành lập làng chài tại đảo Ðá Tây.
Có thể bạn quan tâm

Trong những tháng đầu năm, do điều kiện thời tiết diễn biến không thuận lợi, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá cao, một số nơi bị ô nhiễm nguồn nước nên tình hình tôm nuôi của bà con trên địa bàn huyện Giá Rai gặp nhiều khó khăn. Qua kiểm tra thực tế của các ngành chức năng cho thấy, hiện có 86ha tôm nuôi theo mô hình kết hợp bắt đầu xuất hiện tôm nuôi chết rải rác ở một số nơi, chủ yếu tập trung ở thị trấn Giá Rai và xã Tân Thạnh.

Đơn Dương là huyện phía Nam của cao nguyên Lâm Viên, chỉ cách TP. Đà Lạt chừng 30km. Với những lợi thế về đất đai, khí hậu, huyện Đơn Dương hoàn toàn có thể tin tưởng về một vùng chuyên chăn nuôi bò sữa đầu tiên trên đất Tây Nguyên.

Công ty TNHH Sinh Thái Trung Việt (Gia Lai) vừa phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Ninh Hải tổ chức Hội thảo hướng dẫn ứng dụng chế phẩm “Vườn sinh thái Rainbow” trong sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân xã Xuân Hải.

Đây là lời cảnh báo của ông Trần Vũ Thanh - kỹ sư, cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần thuốc bảo vệ thực vật An Giang. Ông Thanh cho biết, theo dõi diễn biến sâu bệnh trên trà lúa vụ Đông - Xuân của nông dân huyện Ba Tri (Bến Tre), thấy mật độ bướm nở ngày càng nhiều, nở rộ, gói lứa sâu liên tục.

Anh Võ Văn Bé là một trong những hộ đầu tiên ở ấp Ninh Lợi (xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân) đưa giống chim bồ câu Pháp về nuôi. Hiện anh nuôi trên 120 cặp chim.