Nghề Mới Xuất Hiện Ở Nông Thôn Nuôi Vịt Trời Cho Thu Nhập Cao

Từ hơn 1 năm nay, ở xã Lộc Ninh (Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) xuất hiện một trang trại nuôi vịt trời với số lượng lớn. Trang trại này do ông Nguyễn Thanh Tuyến - 43 tuổi, ngụ ấp Lộc Tân làm chủ. Từ việc lên mạng tìm hiểu, học hỏi, ông Tuyến đã tìm ra một hướng đi mới là nuôi vịt trời, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm mới cho nông dân.
Vốn xuất thân từ một gia đình có truyền thống nuôi vịt, năm 2003, ông Tuyến từ xã Trí Bình (Châu Thành) đến ấp Lộc Tân, xã Lộc Ninh mở trang trại nuôi 5.000 con vịt ruộng và lấy tên là trang trại Đức Tiến. Sau đó, trang trại của ông Tuyến phát triển lên thành cơ sở ấp và bán vịt giống. Thế nhưng do giá cả vịt thất thường, lại hay bị dịch bệnh nên nghề nuôi vịt khó phát triển. Từ đó ông Tuyến liền nghĩ đến việc chuyển đổi mô hình chăn nuôi có hiệu quả hơn.
Ông Tuyến kể: “Lúc đó, tôi cũng lúng túng không biết sẽ nuôi con gì? Thế rồi một buổi chiều nọ, trong trang trại của tôi bỗng xuất hiện mấy con vịt trời. Thấy vậy, tôi liền nghĩ đến chuyện nuôi vịt trời đại trà”. Để có giống vịt trời, cuối năm 2013, ông Tuyến đã lên mạng tìm hiểu. Sau đó, ông bỏ công đi ra tận tỉnh Bắc Giang để mua con giống. Lứa đầu tiên, ông Tuyến đặt mua 1.500 con vịt trời giống với giá 300 ngàn đồng/con đem về nuôi thử nghiệm.
Sau 7 tháng chăm sóc, đàn vịt trời của ông Tuyến bắt đầu cho trứng. Ngay đợt ấp đầu tiên ông Tuyến có 100 con vịt trời con. Những lứa đẻ tiếp theo, số lượng vịt nở ngày càng nhiều hơn. Đến nay, đàn vịt trời của ông Tuyến đã tăng lên 6.000 con vịt đẻ với số lượng mỗi tháng khoảng 21.000 trứng.
Ông Tuyến cho biết: “Mặc dù là vịt trời, nhưng do đã thuần hoá nên chúng ít bay. Nếu có bay đi đâu thì chúng cũng quay về chỗ cũ chứ không đi luôn. Bên cạnh đó, vịt trời cũng dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc và ít bị dịch bệnh. Sau khi nuôi 3 tháng thì có thể bán vịt thịt”. Hiện tại, ông Tuyến bắt đầu bán vịt trời đại trà với giá 200 ngàn đồng/kg vịt thịt, 60 ngàn đồng/con vịt con.
Bình quân, mỗi con vịt thịt bán ra thì ông Tuyến thu lợi nhuận khoảng 100 ngàn đồng/con. Còn mỗi vịt giống con bán ra, ông cũng thu lợi khoảng 50 ngàn đồng/con. Do thịt vịt trời ngon, ít mỡ nên ngày càng có nhiều người ưa chuộng. Hiện tại, toàn bộ số lượng vịt thịt của trang trại ông Tuyến đều được các nhà hàng ở thành phố Hồ Chí Minh đặt hàng và bao tiêu sản phẩm. Riêng vịt con giống cũng đang được nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đến đặt hàng mua.
Ngoài ra, trang trại nuôi vịt Đức Tiến của ông Tuyến còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động nông thôn với mức lương khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Từ việc làm ăn hiệu quả, ông Tuyến thường xuyên làm từ thiện giúp đỡ cho những người nghèo và đóng góp, hỗ trợ cho xã Lộc Ninh trong nhiều hoạt động xã hội.
Qua trao đổi, ông Tuyến cho biết thêm: “Trong năm 2015 này, tôi sẽ tăng đàn vịt trời lên khoảng 45.000 con. Song song đó, tôi cũng sẽ đưa con vịt trời đạt tiêu chuẩn VietGAP để thịt vịt trời có thể vào bán tại các siêu thị nhằm phục vụ đại trà cho người dân”.
Có thể bạn quan tâm

Trạm Khuyến nông huyện Cao Lãnh, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Đồng Tháp vừa kết hợp với UBND xã Bình Hàng Trung tổ chức hội thảo mô hình canh tác mè trên nền đất lúa.

Vài năm trở lại đây, ở Tiền Giang, tình hình dịch bệnh trên tôm sú nuôi quảng canh cải tiến ngày càng diễn biến phức tạp, trong khi đó các biện pháp kiểm soát chất lượng môi trường nước, phòng ngừa dịch bệnh đối với mô hình này dường như không có hiệu quả. Vậy mà, hiện nay bà con nuôi tôm quảng canh cải tiến vẫn còn xem nhẹ vấn đề chất lượng con giống khi chỉ mua loại tôm sú giống được xem là dành riêng cho hình thức nuôi này với giá chỉ bằng 40% so với tôm giống thả nuôi thâm canh, bán thâm canh. Đây chính là mầm móng dễ xảy ra dịch, bệnh báo động.

Sau hơn 15 năm triển khai sản xuất, mô hình lúa lai F1 đang có dấu hiệu chững lại. Lãnh đạo nhiều huyện, xã, đặc biệt các chủ nhiệm HTX không còn mặn mà với mô hình một thời là vấn đề thời sự trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Vậy nguyên nhân vì sao?

Vụ 1 năm nay, toàn huyện Núi Thành thả nuôi tôm trên diện tích 600ha (bằng 60% kế hoạch). Mặc dù các hộ thả nuôi tôm đúng lịch thời vụ nhưng do nguồn nước, con giống chưa đảm bảo nên đã có 29ha bị dịch bệnh.

So với các tỉnh ĐBSCL, Bến Tre có tổng đàn heo trên 500 ngàn con, với phẩm cấp giống khá tốt. Tuy nhiên, đa số sản xuất dưới hình thức nông hộ, quy mô còn nhỏ lẻ và mức độ đầu tư về cơ sở vật chất chưa cao, chưa có qui hoạch khu chăn nuôi riêng. Vì vậy, việc bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh cho vật nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường và sức khỏe cộng đồng luôn là vấn đề bức thiết. Trong đó, giải pháp an toàn sinh học luôn được chú trọng.