Nghề Mới Xuất Hiện Ở Nông Thôn Nuôi Vịt Trời Cho Thu Nhập Cao

Từ hơn 1 năm nay, ở xã Lộc Ninh (Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) xuất hiện một trang trại nuôi vịt trời với số lượng lớn. Trang trại này do ông Nguyễn Thanh Tuyến - 43 tuổi, ngụ ấp Lộc Tân làm chủ. Từ việc lên mạng tìm hiểu, học hỏi, ông Tuyến đã tìm ra một hướng đi mới là nuôi vịt trời, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm mới cho nông dân.
Vốn xuất thân từ một gia đình có truyền thống nuôi vịt, năm 2003, ông Tuyến từ xã Trí Bình (Châu Thành) đến ấp Lộc Tân, xã Lộc Ninh mở trang trại nuôi 5.000 con vịt ruộng và lấy tên là trang trại Đức Tiến. Sau đó, trang trại của ông Tuyến phát triển lên thành cơ sở ấp và bán vịt giống. Thế nhưng do giá cả vịt thất thường, lại hay bị dịch bệnh nên nghề nuôi vịt khó phát triển. Từ đó ông Tuyến liền nghĩ đến việc chuyển đổi mô hình chăn nuôi có hiệu quả hơn.
Ông Tuyến kể: “Lúc đó, tôi cũng lúng túng không biết sẽ nuôi con gì? Thế rồi một buổi chiều nọ, trong trang trại của tôi bỗng xuất hiện mấy con vịt trời. Thấy vậy, tôi liền nghĩ đến chuyện nuôi vịt trời đại trà”. Để có giống vịt trời, cuối năm 2013, ông Tuyến đã lên mạng tìm hiểu. Sau đó, ông bỏ công đi ra tận tỉnh Bắc Giang để mua con giống. Lứa đầu tiên, ông Tuyến đặt mua 1.500 con vịt trời giống với giá 300 ngàn đồng/con đem về nuôi thử nghiệm.
Sau 7 tháng chăm sóc, đàn vịt trời của ông Tuyến bắt đầu cho trứng. Ngay đợt ấp đầu tiên ông Tuyến có 100 con vịt trời con. Những lứa đẻ tiếp theo, số lượng vịt nở ngày càng nhiều hơn. Đến nay, đàn vịt trời của ông Tuyến đã tăng lên 6.000 con vịt đẻ với số lượng mỗi tháng khoảng 21.000 trứng.
Ông Tuyến cho biết: “Mặc dù là vịt trời, nhưng do đã thuần hoá nên chúng ít bay. Nếu có bay đi đâu thì chúng cũng quay về chỗ cũ chứ không đi luôn. Bên cạnh đó, vịt trời cũng dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc và ít bị dịch bệnh. Sau khi nuôi 3 tháng thì có thể bán vịt thịt”. Hiện tại, ông Tuyến bắt đầu bán vịt trời đại trà với giá 200 ngàn đồng/kg vịt thịt, 60 ngàn đồng/con vịt con.
Bình quân, mỗi con vịt thịt bán ra thì ông Tuyến thu lợi nhuận khoảng 100 ngàn đồng/con. Còn mỗi vịt giống con bán ra, ông cũng thu lợi khoảng 50 ngàn đồng/con. Do thịt vịt trời ngon, ít mỡ nên ngày càng có nhiều người ưa chuộng. Hiện tại, toàn bộ số lượng vịt thịt của trang trại ông Tuyến đều được các nhà hàng ở thành phố Hồ Chí Minh đặt hàng và bao tiêu sản phẩm. Riêng vịt con giống cũng đang được nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đến đặt hàng mua.
Ngoài ra, trang trại nuôi vịt Đức Tiến của ông Tuyến còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động nông thôn với mức lương khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Từ việc làm ăn hiệu quả, ông Tuyến thường xuyên làm từ thiện giúp đỡ cho những người nghèo và đóng góp, hỗ trợ cho xã Lộc Ninh trong nhiều hoạt động xã hội.
Qua trao đổi, ông Tuyến cho biết thêm: “Trong năm 2015 này, tôi sẽ tăng đàn vịt trời lên khoảng 45.000 con. Song song đó, tôi cũng sẽ đưa con vịt trời đạt tiêu chuẩn VietGAP để thịt vịt trời có thể vào bán tại các siêu thị nhằm phục vụ đại trà cho người dân”.
Có thể bạn quan tâm

Đeo đuổi ý tưởng trồng lúa sạch nhiều năm nay, nhưng phải đến vụ đông xuân 2009 - 2010, ông Nguyễn Văn Phú (Mười Phú), ở ấp An Hòa, xã An Nhứt (Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) mới bán được những bao lúa sạch đầu tiên theo đúng giá trị của nó

Lãnh đạo tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt cho rằng, chính sách hỗ trợ cho ngư dân tham gia bảo hiểm bị thu hẹp, chi phí đi biển tăng là lý do khiến ngư dân không mặn mà với bảo hiểm

Trong bối cảnh rầy nâu gây hại trên diện rộng, nhưng năng suất lúa bình quân vẫn đạt 8,62 tấn/ha. Trừ chi phí, nông dân lãi từ 23 đến 24 triệu đồng mỗi ha

Điển hình như hộ ông Hồ Văn Lập (Ba Lập), ngụ tại ngọn (đầu nguồn) rạch Cầu Ván thuộc địa bàn ấp 4, xã Cẩm Sơn. Trong những năm qua, ông là người nhạy bén trong việc chuyển dịch sản xuất từ trồng lúa bấp bênh sang lập vườn trồng chuyên canh mít mang lại hiệu quả cao

Đạ Huoai, vùng chuyên canh cây ăn quả lớn nhất ở Lâm Đồng, đang tiếp tục bị thiệt hại nặng do nấm Phytophthora Palmivora gây ra trên diện rộng. Đáng chú ý, hiện tượng bệnh nấm gây hại tại hầu hết tám xã và hai thị trấn của huyện đã kéo dài hơn 10 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được