Nghề Mới Ở Tuyến Lộng

Nghề chụp mực và lưới vây tuyến lộng cho hiệu quả sản xuất cao trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ đầu vụ cá nam đến nay. Đây cũng là 2 kiểu đánh bắt chính được nhiều ngư dân đầu tư phương tiện, mở rộng ngư trường hoạt động trong thời gian qua.
Hiệu quả cao
Vừa trở về sau chuyến biển 2 ngày, ông Trần Công Mậu (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình), chủ tàu cá QNa 94141 có công suất 90CV khai thác ở tuyến lộng, nói: “Vui lắm chú ơi! Năm ni trúng lắm. Cứ tưởng du nhập nghề mới sản xuất không quen, vậy mà được mùa lại được giá.
Từ đầu năm đến nay gia đình tôi tích lũy thêm được kha khá vốn liếng cũng từ nghề lưới vây này”. Từ 30 năm nay, gia đình ông Mậu làm nghề trũ, hiệu quả không cao. Từ đầu vụ cá nam đến nay, ông Mậu chuyển đổi mô hình sản xuất. Vẫn dùng lưới trũ nhưng gia đình kết hợp thêm nghề mới là lưới vây tuyến lộng. Chuyến biển 2 ngày vừa rồi ông cùng 5 bạn biển khai thác được 500kg cá hố.
Với giá bán mỗi ký cá hố loại 1 được 130 nghìn đồng, tàu ông thu được 65 triệu đồng. trừ chi phí, gia đình ông thu nhập hơn 20 triệu đồng, mỗi “bạn” thu được gần 4 triệu đồng.
Từ đầu năm đến nay, ông Trần Công Hùng (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) cũng chủ động chuyển từ nghề câu mực sang chụp mực. “Hai nghề này khác xa một trời một vực.
Trong khi câu mực ở tận vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa thì chụp mực chỉ cách đất liền chừng 30 hải lý. Nghề chụp mực giảm chi phí sản xuất, lại giữ được sản phẩm tươi nên hiệu quả sản xuất tăng” - ông Hùng cho biết. Khai thác hải sản bằng nghề chụp mực ở vùng lộng, mỗi chuyến biển của ông Hùng chỉ cách nhau 5 - 7 ngày.
Nếu gặp luồng di chuyển của mực, chiếc tàu có công suất 280CV của ông và 6 thành viên có thể khai thác được khoảng 700 - 800kg mực, thu được khoảng 100 triệu đồng. “Nghề này chúng tôi học được từ các ngư dân của Quảng Bình. Kỹ thuật sản xuất không khó, cái khó chính là vốn đầu tư cho phương tiện. Với chiếc tàu chụp mực này, gia đình chúng tôi phải đầu tư, sắm sửa ngư lưới cụ hết 1,7 tỷ đồng” - ông Hùng nói.
Khuyến khích đầu tư
Thời gian qua, trong khi hiệu quả khai thác của các nghề hoạt động tuyến khơi đạt thấp thì việc linh hoạt kết hợp các nghề khai thác khác nhau hoặc chuyển đổi nghề phù hợp được nhiều ngư dân chú trọng. Ông Trần Công Minh - Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho rằng, khuyến khích sản xuất xa bờ là chủ trương đúng nhưng không loại trừ, hoặc hạn chế các nghề khai thác ở tuyến lộng.
Các nghề khai thác ở tuyến lộng như chụp mực hay kết hợp lưới trũ với lưới vây đang được ngư dân địa phương đầu tư, mở rộng sản xuất. Hiện trên địa bàn xã Bình Minh có khoảng 10 phương tiện tham gia sản xuất bằng các mô hình mới. Ông Minh cho biết, tuy mới bước đầu nhưng các nghề mới này hiệu quả hơn hẳn so với các nghề truyền thống.
Theo ông Nguyễn Văn Giỏi - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, tại tuyến lộng của vùng biển miền Trung nói chung, Quảng Nam nói riêng, trữ lượng hải sản có giá trị kinh tế cao rất dồi dào, ví như mực, cá cam, cá hố…, trong khi sản lượng khai thác hải sản hiện nay đang thấp.
Để nhân rộng các mô hình sản xuất vừa nêu, nhất là chụp mực, cần phải tổ chức lại việc điều tra, nghiên cứu nguồn lợi, sự phân bố của mực; tư vấn, hỗ trợ cho ngư dân khai thác; hoàn thiện quy trình khai thác mực. “Một trong những hạn chế lớn của nghề câu mực khơi là chưa có phương pháp bảo quản, sơ chế sau thu hoạch thích hợp, do đó mực thường có màu đen khi phơi khô, giá bán rất thấp. Bởi vậy, với các ưu thế hiện có, chụp mực là nghề được khuyến khích đầu tư vào thời điểm này” - ông Giỏi nói.
Có thể bạn quan tâm

Là người đầu tiên bén duyên với nghề nuôi gà Đông Tảo ở Ninh Bình, nhưng ông Phan Văn Miền (xã Yên Mạc, huyện Yên Mô) đã sở hữu nhiều gà “độc” quý hiếm. Đặc biệt, trong đó có con chân khủng, vẩy, ngón móng rồng được nhiều đại gia trả giá vài chục triệu đồng.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thuỷ văn Hà Tĩnh, những ngày tới, trên địa bàn chịu ảnh hưởng rãnh áp thấp bị nén bởi lưỡi áp cao lạnh lục địa và đới gió Đông trên cao có xu thế hoạt động mạnh lên, nên từ ngày 15-19/9, sẽ xuất hiện đợt mưa lớn diện rộng toàn tỉnh.

Quả to, mọng, cùi dày ráo nước, vị ngọt sắc, chín muộn, quả bảo quản được thời gian dài… đó là những ưu điểm của cây nhãn Tổ chín muộn Đại Thành 120 năm tuổi ở xã Đại Thành (Quốc Oai, Hà Nội). Vì thế nên mặc dù có giá từ 45.000 – 50.000 đồng/kg tại vườn, nhưng vẫn hút khách mua.

Do tình trạng thường xuyên bị mất trộm tiêu giống và tiêu thành phẩm, trong khi thuê nhân công canh giữ khá tốn kém, ông Tiên quyết định chia giống cây miễn phí cho mọi người trồng tiêu trong vùng.

“Phát triển lúa chất lượng gắn với chế biến theo chuỗi giá trị hàng hóa” là chủ đề của Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp được Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) phối hợp Sở NNPTNT Lào Cai tổ chức sáng 9.9.