Nghề Đặt Trúm Bắt Lươn Phát Triển Mạnh Ở Cà Mau

Toàn tỉnh Cà Mau hiện có trên 1.200 hộ dân phát triển nghề đặt trúm truyền thống. Đây là nghề ra đời và tồn tại hàng trăm năm nay.
Trúm là loại dụng cụ để bắt lươn - một loại thủy sản có giá trị kinh tế cao. Hiện nay ở thị trường Cà Mau, giá mỗi kg lươn lên tới 200.000 đồng.
Theo ông Dư Hoàng Lâm, người kế nghiệp nghề đặt trúm "cha truyền con nối ba đời" thuộc tập đoàn 19/5 ở huyện U Minh (Cà Mau) cho biết, rừng U Minh được biết với nhiều loài động thực vật phong phú và quý hiếm, trong đó có lươn đã trở thành thương hiệu và được công nhận là sản vật của vùng đất Mũi Cà Mau. Hiện nay, tập đoàn 19/5 có trên 200 hộ dân làm nghề đặt trúm bắt lươn.
Hàng năm, cứ vào tháng 7 tới tháng 10, nghề đặt trúm bắt lươn bắt đầu vào mùa khai thác. Đây chính là thời điểm lượng mưa kéo dài, các thảm thực vật trên lâm phần rừng tràm bắt đầu phát triển dày đặc, khi đó lươn theo những thảm thực vật này trú ẩn để bắt mồi.
Nắm bắt được tính quy luật của tự nhiên, người dân đã tìm ra nhiều phương pháp bắt lươn trong đó nghề đặt trúm được phổ biến nhất. Trước đây trúm được làm bằng tre là chủ yếu, nay nguyên liệu được chọn thay thế là ống nhựa; nhưng làm trúm bằng ống tre là tốt nhất.
Ống trúm rất dễ làm, chỉ cần chọn cây tre to cắt khúc dài khoảng 1,2m làm ống, sau đó đục lỗ cho ống thông hơi. Kế đến dùng chính thân tre vót mỏng bện thành hom để khi lươn vô mà không thể thoát ra được. Mồi đặt trúm cũng rất đơn giản, chỉ cần dùng cá sặc, cua đồng, nhái, các loại trùng, ốc. Mồi được nấu chín, cho thêm một ít dầu cá vào rồi gói lại cho vào ống trúm.
Theo kinh nghiệm, khi đặt trúm cần chọn những nơi có thảm thực vật dày đặc và có nhiều ủ rác, nơi không sâu và cũng không quá cạn, màu nước phải đỏ hoặc nước đục mới có lươn. Ống trúm phải nghiêng một góc khoảng 45 độ và dùng chính loài thực vật tại chỗ quấn chặt lại; đuôi trúm phải nổi lên mặt nước khoảng 5 - 7cm thì lươn mới không bị chết.
Ngoài ra hướng gió cũng quyết định đến năng suất, nếu chọn ngược chiều gió, lượng lươn bắt được sẽ không nhiều nên miệng trúm được dân trong nghề quay xuôi theo chiều gió, nhờ vậy mùi vị của mồi lươn lan tỏa nhanh và xa hơn giúp cho lươn tìm tới ống trúm được dễ dàng mà không mất phương hướng.
Hiện nay có tới 30 - 40% người dân sống trên lâm phần rừng tràm U Minh hạ làm nghề này. Mỗi đêm, người thợ đặt trúm chỉ cần 20 - 30 ống trúm là đã đạt thu nhập bình quân từ 200.000 - 300.000 và có thể nhiều hơn tùy theo năng suất và lượng trúm đặt.
Việc đặt lươn bằng phương pháp thủ công truyền thống vừa không xâm hại đến các loài khác, không ảnh hưởng đến tài nguyên rừng mà còn góp phần tạo việc làm lúc nhàn rỗi và tăng thu nhập cho người dân
Có thể bạn quan tâm

Thông tin này lan sang Cà Mau thế là ghe câu mực chuyển nghề. Ðáng nói là từ mức chào giá ban đầu ngất ngưởng gần 1 triệu đồng/kg, nay banh lông rớt xuống chỉ còn trên dưới 150.000 đồng/kg. Do chỉ duy nhất một đầu ra là thương lái Trung Quốc khiến giá cả con banh lông bấp bênh.

Không cần lặn lội đi xa mới mua được con giống vì ở trong tỉnh Quảng Ngãi đã có nơi cung ứng giống cá này. Thức ăn “xanh” cho cá chủ yếu là cỏ và lá mì có sẵn ở địa phương. Vật liệu làm lồng nuôi chỉ bằng tre… Nhiều hộ nuôi cá trắm cỏ đã tận dụng lợi thế, khai thác được con nước sông Trà Khúc chảy qua địa phương để phát triển kinh tế.

Loại cá sấu được các cơ sở ở Đồng Nai nuôi đều là cá sấu nước ngọt. Nguồn giống phần lớn được mua từ miền Tây, sau 1,5 - 2 năm nuôi cá sấu đạt 20 - 30 kg/con là xuất chuồng. Có những thời điểm như giữa năm 2014, giá cá sấu lên đến 280 ngàn đồng/kg, song hiện nay đã “hạ nhiệt” xuống còn 210 ngàn đồng/kg. Cá sấu chỉ cần trên 100 ngàn đồng/kg trở lên là đã rất hấp dẫn người nuôi.

Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, sau 8 tháng nuôi thử nghiệm 2 lồng cá hồng, chim trắng vây vàng, cá dìa bằng công nghệ Đan Mạch, tại hai xã Lộc Bình (Phú Lộc) và Hải Dương (Hương Trà), Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh đã tổng kết mô hình.

Trong đó, diện tích thả nuôi tôm sú công nghiệp chiếm khoảng 300 ha với 435 hộ nuôi, năng suất bình quân đạt từ 4 – 6 tấn/ha; diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên 1.600 ha với gần 2.800 hộ nuôi, năng suất bình quân đạt từ 6 – 7 tấn/ha, tập trung tại các xã: Tân Hải, Phú Tân, Phú Thuận, Nguyễn Việt Khái, Việt Thắng và thị trấn Cái Đôi Vàm.