Nghề Đánh Bắt Mực Không Giống Ai Của Anh Tự

Đối với bà con ngư dân, việc đánh bắt mực có nhiều cách như: câu mực, bóng mực, ốc mực… nhưng ở xã Nam Du, huyện đảo Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang) có một thanh niên hành nghề đánh mực không giống ai, không nơi nào có, lại thu nhập khá cao. Anh tên Nguyễn Văn Tự, 29 tuổi. Phương tiện hành nghề của anh chỉ là cái bè bằng mốp xốp 0,5 x 1,5 mét, 10 mét dây cước với 10 con tôm ni-lông, 2 cái dĩa bằng nhựa cỡ 2 tấc dùng làm…mái chèo và 1 cái kết nhựa nhỏ để chứa sản phẩm. Tất cả “gia tài” chưa tới 100.000 đồng nhưng hành nghề suốt cả năm ròng không cần thay mới!
Thời gian hành nghề của anh Tự khoảng 15 - 16 giờ đến tối. Ngồi trên bè, anh móc vào chân 2 - 3 sợi dây cước có con mồi là tôm ni-lông, hai tay dùng hai cái dĩa nhựa làm mái chèo khoác nước từ từ đi tới. Khi mực dính câu, “tín hiệu” báo vào bàn chân, anh kéo nhẹ lên và nhanh nhẹn “tóm cổ” con mực bỏ vào cái kết ngay sau lưng.
Chỉ có vậy thôi, anh rà tới rà lui chỉ cách bờ khoảng 50 – 70 mét và mỗi buổi tối thu hoạch không dưới 2 ký mực. Với thời giá 120.000 đồng/ký, mỗi ngày anh Tự có thu nhập 200.000 – 300.000 đồng. Còn những đêm trăng sáng, anh làm từ đầu hôm đến khi trăng lặn được khoảng 700.000 – 800.000 đồng. Nếu ngày nào dính cá bốp, cá bè khoảng 4 - 5 ký thì thu nhập lại khác, nhưng bình quân thu nhập mỗi ngày 200.000 đồng đều đặn, một khoản thu nhập khá lý tưởng đối với bà con ngư phủ hiện nay khi mà việc khai thác đánh bắt hải sản luôn bấp bênh.
Bà con ngư dân ở ấp An Phú cho biết: “Có người thấy thằng Tự làm ăn có lý bèn bắt chước làm theo nhưng thất bại, chỉ có mình nó làm có ăn bền thôi. Thấy nó ngồi vững vàng, thao tác nhanh nhẹn vậy chớ khó lắm, không phải ai cũng làm được. Chính tụi tui mà khi bước lên bè không khéo là bị lật xuống biển ngay. Vậy mà nó làm nhuần nhuyễn, thiệt là giỏi!”.
Việc làm nghề đánh bắt mực “không giống ai” lại có thu nhập cao của Tự đã làm anh nổi tiếng. Người ta còn mến Tự ở tính chịu khó làm ăn, không rượu chè, không hút thuốc, không tụ tập chơi bời. Mẹ đã mất khi Tự mới 10 tuổi.
Tất cả số tiền kiếm được mỗi ngày anh đều đưa cho cha để lo cho sinh hoạt hằng ngày và chữa trị căn bệnh tai biến của cha từ 4 - 5 năm nay. Suốt ngày anh Tự lủi thủi với công việc, bên gia đình. Siêng năng, hiền lành, chất phác, lại sở hữu cái nghề “dị” chẳng nơi nào có được làm cho mọi người càng yêu thương, quí mến anh hơn.
Có thể bạn quan tâm

Được coi là một loại cây dược liệu quý, cây trinh nữ hoàng cung đã được một số hộ dân ở xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn, Ninh Thuận) trồng theo hướng thâm canh, thu lá và hoa phơi khô để bán cho một số đầu mối thu mua, chế biến dược liệu. Nhưng từ khoảng một năm nay, do không tiêu thụ được nên người trồng điêu đứng.

Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 461ha mía, năng suất bình quân 100-115 tấn/ha, tập trung ở huyện Phụng Hiệp và TX.Ngã Bảy. Do giá đường trên thị trường đang ở mức thấp (12.000-12.100 đồng/kg) nên giá thu mua mía nguyên liệu đầu vụ không cao, nông dân có lợi nhuận ít nên không mấy phấn khởi.

Những ruộng mía, vườn chuối trăm triệu là nguồn thu nhập trông đợi cả năm trời bỗng chốc đổ rạp cùng với nỗi lo đè nặng lên vai người nông dân Gia Bình (Bắc Ninh) sau cơn bão số 3. Thiệt hại bão gây ra cho sản xuất nông nghiệp của địa phương này là không nhỏ và những biện pháp khắc phục, cứu vớt tài sản đang được chính quyền và người dân Gia Bình khẩn trương thực hiện.

Để phát triển kinh tế, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, mặt nước, nhân lực... góp phần tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, UBND huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương trên địa bàn tập trung mở rộng diện tích, đa dạng hình thức nuôi trồng thủy sản theo hướng phát triển bền vững.

Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa (Phú Yên) phối hợp với Trung tâm Giống & kỹ thuật thủy sản của tỉnh triển khai dự án KH-CN “Xây dựng mô hình nuôi cua đồng trong ruộng lúa” do KS Nguyễn Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện làm Chủ nhiệm.