Nghề biển ở thành phố Quảng Ngãi

Gắn bó với nghề
Kinh nghiệm của những người đi biển, đầu tháng âm lịch trời trong, không trăng là thời điểm thích hợp để nhổ neo ra khơi xa đánh bắt cá. Cả một vùng mặt nước bến cá Tịnh Kỳ dày đặc tàu chờ xếp đá lạnh, lương thực, thực phẩm chuẩn bị cho hải trình Hoàng Sa, Trường Sa đánh cá kéo dài cả tháng trời.
Nắng nóng rát bỏng mà không khí trên bến dưới thuyền vẫn hối hả, nhộn nhịp. “Nghề biển mà, dãi nắng dầm mưa riết nó quen rồi. Cứ nghĩ đến cá mắc lưới vùng vẫy là sướng vô cùng, nên vừa vào bờ vài ngày lại muốn ra khơi tiếp đây”-ngư dân Nguyễn Thanh Tú, thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ chia sẻ. Cả xã Tịnh Kỳ có 85% dân số sống bằng nghề biển, với hơn 500 tàu thuyền tham gia khai thác ở các vùng biển xa bờ.
Đã từ rất lâu ngư dân Tịnh Kỳ ra khơi theo từng tổ đội 2-3 chiếc tàu, cùng xuất bến một lúc, cùng đánh bắt trên biển ở một khoảng cách gần nhau để có thể hỗ trợ cho nhau khi khó khăn, hoạn nạn.
Bến cá Tịnh Kỳ sầm uất, tàu thuyền đông nghẹt không chỉ của ngư dân Tịnh Kỳ mà của cả các xã Nghĩa Phú, Nghĩa An. Những chiếc tàu cá ngàn mã lực từ khi cửa biển Nghĩa An bồi lấp gặp lúc nước ròng không về cảng cá Cổ Lũy, xã Nghĩa Phú được đã vào neo đậu tại đây để bán cá, nhập nhiên liệu, lương thực rồi tiếp tục ra khơi. Anh Lê Văn Thức, thôn Cổ Lũy Bắc hiện có 5 chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ công suất từ 300 – 1.000CV vừa cặp cảng, bảo: “Đi biển thú vị lắm, khi ngủ cũng mơ thấy cá.
Cứ làm được đồng nào lại đóng thêm tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ. Tôi luôn mơ ước sẽ có tiền đóng đôi ba chiếc tàu nữa”. Phiên biển đầu tiên, mỗi chiếc tàu trung bình mang về cho anh Thức khoảng 200 triệu đồng.
Hiện tại, tổng số tàu thuyền khai thác thủy sản, trong đó chủ yếu là tàu đánh bắt hải sản xa bờ của TP. Quảng Ngãi khoảng 2.200 tàu, công suất khoảng 450.000CV. Tổng số lao động phục vụ khai thác thủy sản gần 15.000 người, trong đó lao động trực tiếp khoảng 12.000 người. Điều này càng chứng tỏ nghề biển đang là thế mạnh của TP. Quảng Ngãi hôm nay. |
Ở xã Nghĩa Phú, hiện nay có rất nhiều gia đình đầu tư cả chục tỷ đồng đóng tàu cá. Nhiều ngư dân trẻ như Nguyễn Văn Duy, Lê Văn Hùng thôn Cổ Lũy Bắc mạnh dạn đóng tàu công suất lớn vươn khơi xa đánh bắt rất hiệu quả. Chuyến biển đầu năm, các anh thu về tiền tỷ. Nhất là, anh Hùng sau khi tích cóp sắm được tàu nhỏ, rồi tàu lớn, giờ thì tàu rất lớn. Ở tuổi 30 anh Hùng đã sở hữu khối tài sản từ nghề đánh bắt cá mà có lên đến vài chục tỷ đồng. Anh cũng vừa đầu tư xây ngôi nhà to nhất nhì xã Nghĩa Phú.
Đóng tàu công suất lớn vươn khơi
Anh Phạm Thanh Quang ở thôn Tân Hội, xã Nghĩa An là ngư dân lâu năm, nay quyết định đầu tư gần 5 tỷ đồng đóng đôi tàu công suất lớn, thiết bị hiện đại để đánh bắt cá trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Anh Quang bảo: “Làm nghề biển ai chẳng khát khao có tàu to để đi khơi xa đánh bắt. Tôi ước ao từng ngày và sau hơn 20 năm bám biển nay tôi mới thực hiện được khát khao ấy. Đời ngư dân quăng quật với sóng gió như tôi đã có nhiều người may mắn đóng tàu lớn từ mấy năm trước rồi. Giờ tới lượt tôi, chỉ khoảng một tháng nữa thôi, tôi lái tàu to cưỡi sóng ra biển lớn rồi!”.
Tại HTX đóng sửa tàu thuyền Cổ Lũy hiện có gần 20 chiếc tàu cá đóng mới. Từng đôi tàu có cùng kích thước nằm cạnh nhau đang trong tiến độ hoàn thành. “Nhiều ngư dân tích cóp, vay mượn thêm tiền để đóng cả đôi tàu lớn. Mô hình “đôi tàu” này đang phát triển mạnh ở Nghĩa Phú và Nghĩa An đấy”-anh Nguyễn Văn Đức, thợ đóng tàu tại HTX Cổ Lũy nói.
Ông Phạm Tấn Hoàng-Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Năm 2014, cơ cấu ngành thủy sản chiếm tỷ trọng khá cao so với các ngành kinh tế khác và trở thành thế mạnh trong cơ cấu nông nghiệp của thành phố. Năm 2015, thành phố sẽ tiếp tục kêu gọi ngư dân đầu tư đóng tàu lớn, vươn khơi xa, vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc”.
Có thể bạn quan tâm

Để có điều kiện tốt hơn cho con cái ăn học, ông Lý Nhịt Sau đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu nhằm nâng cao năng suất cây trồng. Năm 2007, ông Sau trồng xen tiêu vào vườn cà phê. Cách làm này giúp ông tăng thu nhập trên cùng một diện tích mà không phải phá bỏ vườn cà phê.

Do chi phí vật tư và tiền thuê nhân công tăng cao nên sau khi trừ chi phí sản xuất, nông dân lời từ 1,5 - 2 triệu đồng/công. Nhiều thương lái cho biết, với nguồn cung ít như hiện nay, chuyện khan hiếm khóm thương phẩm sẽ còn kéo dài đến tháng 12, vì vậy khả năng giá khóm sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Anh Võ Văn Thắng, ở thôn Tân Hóa Nam, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định là một trong những người đi tiên phong trồng xoài cát tại Cát Hanh. Hiện trang trại trồng xoài cát của anh rộng hơn 2 ha, sản xuất theo phương pháp VietGAP, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Thế mạnh của Sóc Trăng là bưởi da xanh, bưởi năm roi, nhãn và chuối. Tuy là thế mạnh với gần 28.000 ha nhưng đầu ra luôn bấp bênh, diện tích canh tác không ổn định. Vườn cây ăn trái được phát triển mạnh ở vùng ven Sông Hậu, những năm gần đây, cây có múi phát triển mạnh ở một số địa bàn thuần ngọt như Mỹ Tú, Châu Thành.

Nhãn Ido với ưu điểm năng suất cao gần gấp đôi nhãn tiêu da bò, trái nhãn Ido hạt nhỏ cơm dày, vị ngọt dịu, vỏ trái mỏng nên giá bán cao khoảng 25.000 - 26.000đ/kg. Nhãn da bò tuy tăng thêm 1.000 - 2.000đ/kg nhưng vẫn ở mức thấp 8.000 - 9.000đ/kg. Với giá này một công nhãn Ido có thể cho thu nhập từ 20 - 40 triệu đồng/công. Đặc biệt nhãn Ido không bị hoặc ít nhiễm bệnh chổi rồng nên nhà vườn đang mở rộng diện tích trồng loại cây này.