Ngày Đầu Thu Mua Lúa, Gạo Tạm Trữ - Giá Lúa Nhích Dần Lên

Ngày 20-2, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chính thức triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa). Người dân ĐBSCL hy vọng đây là giải pháp khắc phục tình trạng lúa hàng hóa ùn ứ trong dân, giá lúa sụt giảm khi vào vụ thu hoạch đông ken.
Theo ghi nhận của phóng viên, dọc đường nối Cần Thơ - Vị Thanh (Hậu Giang) đến chiều ngày 20-2, thương lái hoạt động khá nhộn nhịp. Nhiều thương lái đưa ghe theo các tuyến kênh cặp chân ruộng mua lúa tươi của nông dân với giá 4.200 đồng - 4.300 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 100 đồng/kg.
Trong khi đó, tại huyện Long Hồ (Vĩnh Long) giá lúa tươi IR 50404 tại ruộng được các thương lái mua với giá 4.600 đồng/kg (tăng từ 200 - 300 đồng/kg so với trước). Điều này đáng mừng nhưng chưa biết những ngày tới diễn tiến sẽ ra sao khi nông dân thu hoạch rộ.
Trong khi đó, áp lực tiêu thụ lúa hàng hóa tại Đồng Tháp cao nhất. Đồng Tháp đã thu hoạch gần 140.000 ha/208.260 ha; năng suất bình quân 6,83 tấn/ha. “Việc triển khai mua gạo nông dân rất mừng, giá lúa vọt lên từ 150 - 200 đồng/kg. Hiện giá lúa tươi IR 50404 bán tại ruộng 4.300 - 4.400 đồng/kg, lúa khô có giá 5.100 - 5.200 đồng/kg; lúa dài chất lượng cao có giá 4.600 - 4.900 đồng/kg (lúa tươi), lúa khô có giá 5.400 - 5.600 đồng/kg”, ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết.
Tại Hậu Giang, do nông dân đồng loạt thu hoạch lúa, cùng lúc có nhu cầu bán, trong khi lượng thương lái mua lúa hạn chế, nên nhiều người đã thu hoạch chưa bán được. “Nhà đã thu hoạch hơn 10 tấn lúa gần 1 tuần qua nhưng đến nay không thấy bóng dáng thương lái nào hết”, một nông dân ở vùng sâu hẻo lánh xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp cho biết.
“Khoảng 150 thương lái đã ký kết hợp đồng và ra quân mua lúa trong ngày hôm nay. Công ty đang mua gạo lức IR 50404 với giá từ 6.600 đồng - 6.700 đồng/kg, gạo dài cao hơn từ 100 - 200 đồng/kg, nếu quy ra giá lúa khoảng 5.100 đồng - 5.200 đồng/kg”, một doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo ở Cần Thơ cho biết. Đây cũng là tình hình chung của các doanh nghiệp trực thuộc VFA. Như vậy giá thực tế ở một số nơi, thương lái mua lúa hiện nay dưới mức giá 5.000 đồng/kg.
“Cần cơ chế giám sát, kiểm tra các doanh nghiệp trực thuộc VFA được giao chỉ tiêu mua tạm trữ lúa, gạo có mua với mức giá đảm bảo lợi nhuận tối thiểu 30% cho nông dân hay không” - một lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đề xuất.
Có thể bạn quan tâm

Tận dụng lợi thế diện tích mặt bằng rộng, không khí thoáng mát và trong lành của địa phương, những năm gần đây, gia đình anh Cù Văn Hải ở xóm Chi 8, thôn Tân Yên, xã Hồng Thái Đông (Đông Triều - Quảng Ninh) đã chuyển đổi sang nuôi gà theo quy trình công nghệ tiên tiến và đã từng bước mang lại hiệu quả.

Từ kinh phí của Sở NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông-lâm-ngư Thừa Thiên Huế triển khai mô hình nuôi gà Ai Cập chuyên trứng sử dụng đệm lót sinh học với tổng số gà giống là 400 con. Tham gia mô hình trình diễn, người chăn nuôi được hỗ trợ 100% con giống, 30% vật tư thiết yếu và chế phẩm sinh học BalasaN01. Đồng thời, được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, làm đệm lót sinh thái, quy trình nuôi gà Ai Cập.

Mô hình trồng bắp non kết hợp với chăn nuôi bò vỗ béo là mô hình hiệu quả, giúp nhiều nông dân ổn định thu nhập. Tuy nhiên, nếu mô hình được thực hiện một cách toàn diện hơn và sản phẩm bắp non, bò thịt được liên kết bao tiêu thì đây sẽ là một mô hình phát triển kinh tế ổn định và hiệu quả.

Mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học được triển khai từ tháng 9 đến tháng 12-2014 tại xã Lực Hành (Yên Sơn - Tuyên Quang). Các hộ tham gia mô hình phải đảm bảo các tiêu chí như diện tích chuồng nuôi trên 20 m2, có lao động để chăm sóc nuôi dưỡng đàn lợn, có vốn đối ứng khi tham gia mô hình, có kinh nghiệm trong chăn nuôi…

Tại Việt Nam, hiện nay chưa có khung pháp lý và không đủ năng lực quản lý đối với lĩnh vực rất mới này. Do vậy, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng tạm thời chưa triển khai việc thực hiện phối hợp với Tập đoàn KBL Hoa Kỳ thực hiện dự án nuôi tằm BĐG đến khi chúng ta có khung pháp lý cho lĩnh vực này.