Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ngành Tôm Và Những Bất Ổn

Ngành Tôm Và Những Bất Ổn
Ngày đăng: 06/08/2014

Đến nay, tình hình nuôi tôm đã không ảm đạm như những năm trước, mọi kết quả đều khả quan, đa phần người nuôi có lãi. Tuy nhiên, nội tại ngành tôm vẫn còn nhiều bất ổn.

Thiếu giống chất lượng

Sau thành công lớn từ những tháng cuối năm, đặc biệt là với TTCT, năm nay, nhu cầu tôm giống tăng lên đột biến. Tuy nhiên, số lượng lại không đi với chất lượng.

Khi vẫn còn tình trạngmột số cơ sở ương dưỡng mua giống từ những đơn vị có uy tín trộn lẫn giống không có nguồn gốc tung ra thị trường với nhãn hiệu ”tôm giống chất lượng”, gây thiệt hại không nhỏ cho nhiều hộ nuôi, đồng thời, làm rối loạn thị trường, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh.

Cùng đó, nhiều cơ sở sản xuất chưa thực hiện đầy đủ quy trình sản xuất giống sạch bệnh. Công tác kiểm dịch còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ; việc công bố chất lượng con giống cũng như khai báo kiểm dịch trước khi xuất bán chưa được các cơ sở sản xuất, đại lý thực hiện nghiêm túc. Ngoài ra, người nuôi vẫn còn tâm lý ham rẻ, chủ quan, không mấy người mang tôm giống đi kiểm dịch trước khi thả nuôi.

Do vậy mới có hiện tượng, nhiều cơ sở sản xuất tôm giống sạch bệnh nhưng khó phát triển vì đầu ra không ổn định. Còn nhiều người nuôi dù sẵn sàng chọn mua tôm giống đảm bảo chất lượng với giá cao nhưng không biết tìm đâu. Bởi hai đối tượng này lại ít có cơ hội gặp nhau, và người nuôi cũng rất hoang mang trong việc xác định đâu là tôm giống sạch.

Giá cả bấp bênh

Những tháng cuối năm 2013 và thời gian đầu 2014, giá tôm tăng cao khiến người nuôi lãi lớn. Tại nhiều địa phương trong cả nước, diện tích nuôi tôm được mở rộng liên tục nhất là tôm thẻ chân trắng.

Tuy nhiên, khi tôm bước vào thời kỳ thu hoạch thì giá bắt đầu giảm mạnh. Có thời điểm, giá thương lái thu mua chỉ bằng hơn một nửa so với cao điểm năm ngoái. Đặc biệt tại Cà Mau, thời điểm đầu tháng 4, giá tôm thẻ chân trắng các loại giảm trung bình 40 - 50 nghìn đồng/kg so với những tháng đầu năm.

Theo lý giải của Sở NN&PTNT tỉnh này, tình trạng giảm giá bắt nguồn từ thông tin Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ra quyết định sơ bộ về mức thuế chống bán phá giá đối với tôm nước ấm đông lạnh Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ ngày 25/3. Hơn nữa, đấy không phải thời điểm vàng tiêu thụ của các thị trường lớn nên nhu cầu nhập khẩu chỉ ở mức trung bình.

Mặt khác, tâm lý sợ giá tôm tiếp tục giảm của người nuôi dẫn đến việc thu hoạch ồ ạt làm sản lượng tăng lên đột biến, vượt công suất chế biến của các nhà máy và nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp. Trong khi đó, các nước sản xuất tôm lớn trên thế giới cũng dần hồi phục, nên áp lực về tôm nguyên liệu không còn căng thẳng, dẫn đến giá giảm chung.

Đây là cách giải thích của các nhà quản lý và doanh nghiệp, rất hợp lý nhưng có vẻ chưa mấy hợp tình.

Dịch bệnh vẫn tăng

Theo Cục Thú y, tính đến hết tháng 5, dịch bệnh trên tôm nuôi đã gây hại trên địa bàn 232 xã, phường, thị trấn của 60 huyện, thị, thành phố thuộc 19 tỉnh, thành. Tổng diện tích thiệt hại khoảng 14.000 ha, trong đó do dịch bệnh gây hại 10.000 ha, còn lại là do tác nhân môi trường.

Đến nay, đã xác định diện tích bị nhiễm bệnh đốm trắng khoảng 5.000 ha, bệnh hoại tử gan tụy cấp 1.700 ha và một số bệnh khác. Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là hiện vẫn còn 6 tỉnh có dịch bệnh bùng phát trên tôm nuôi, nhưng lại chưa xác định được tác nhân gây bệnh. Đây là mối nguy lớn của ngành tôm Việt Nam.

Dịch bệnh được cảnh báo nhiều, đã có dự phòng từ trước, tuy nhiên, không ít người nuôi tôm vẫn điêu đứng vì tôm chết dẫn đến trắng tay, nợ nần. Năm trước, nhà quản lý cho rằng “do người nuôi tôm” bởi nóng vội thả nuôi nên không đảm bảo các khâu kỹ thuật.

Tuy nhiên, sang năm nay, khi các khâu kỹ thuật được đảm bảo thì lại xuất hiện yếu tố môi trường và con giống chưa đảm bảo chất lượng. Điều này thì nằm ngoài tầm kiểm soát của người nông dân, và lý do này thì cũng chẳng biết quy trách nhiệm vào đâu.

Thị trường chưa hết khó

Năm 2013, khi ngành tôm thế giới vẫn chìm trong dịch EMS thì tôm Việt Nam có bước phục hồi đáng kể, tận dụng được lợi thế để mở rộng thị phần, lập kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu. Đến năm nay, qua hơn nửa năm, mặt hàng tôm vẫn đóng vai trò chủ đạo trong xuất khẩu thủy sản cả nước. Hầu hết các thị trường trọng điểm đều tăng như Mỹ, EU, Trung Quốc...

Tuy nhiên, sản phẩm tôm của Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi “ách” kiểm soát dư lượng kháng sinh của các thị trường nhập khẩu. Theo số liệu của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, 5 tháng đầu năm 2014, 11 lô tôm của Việt Nam bị 2 thị trường lớn là EU và Nhật Bản trả về, với cùng một nội dung là dư lượng Oxytetracycline (OTC) vượt quá giới hạn cho phép. Thậm chí, các thị trường này đã cảnh báo sẽ đưa vào diện kiểm tra nghiêm ngặt nếu Việt Nam không khắc phục.

Theo nhiều chuyên gia, việc dư lượng kháng sinh trong tôm xuất khẩu Việt Nam từ lâu đã được cảnh báo, nhưng người nuôi vẫn lạm dụng. Và hậu quả là hầu hết người nuôi tự đặt mình ở vị trí “chiếu dưới” so với doanh nghiệp trong thương vụ giá cả.

Nhưng cũng khó để quy trách nhiệm hết cho người nuôi. Bởi hiện nay nuôi tôm rất khó, chưa kể chi phí đầu vào tăng cao, trong khi chất lượng con giống và vật tư đều bị bỏ ngỏ, tiếp cận vốn vay ngân hàng không đơn giản, nên để cứu đầm tôm, người nuôi tôm vẫn phải “bấu víu” vào kháng sinh và hóa chất.


Có thể bạn quan tâm

Trồng Dưa Hấu Vụ Hè Thu Đạt Lợi Nhuận Cao Ổ Đồng Tháp Trồng Dưa Hấu Vụ Hè Thu Đạt Lợi Nhuận Cao Ổ Đồng Tháp

Nông dân các xã Phú Cường, Phú Thọ và Phú Thành B (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) đang bước vào thu hoạch dưa hấu vụ hè thu năm 2012. Với giá bán từ 3.600 - 5.000 đồng/kg, năng suất đạt bình quân 3 tấn/ha, người dân trồng dưa có lợi nhuận từ 30 - 50 triệu đồng/ha.

29/05/2012
Tiền Giang Hỗ Trợ 600.000 Cây Khóm Giống Chất Lượng Cao Cho Nông Dân Nghèo Tiền Giang Hỗ Trợ 600.000 Cây Khóm Giống Chất Lượng Cao Cho Nông Dân Nghèo

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Tiền Giang vừa phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước triển khai dự án hỗ trợ khóm giống chất lượng cao cho hộ nghèo thay thế cho giống khóm cũ đã bị thoái hóa, năng suất thấp. Kinh phí 600 triệu đồng do dự án QSAEP Tiền Giang tài trợ.

29/05/2012
Lưu Ý Luân Canh Tôm Càng Xanh – Lúa Lưu Ý Luân Canh Tôm Càng Xanh – Lúa

Mô hình lúa - tôm càng xanh phát triển mang tính bền vững cho ra những sản phẩm sạch. Trong quá trình chăm sóc và quản lý, bà con nuôi tôm cần lưu ý một số vấn đề

21/10/2011
Hữu Lũng (Lạng Sơn): Mùa Vải “Đắng” Hữu Lũng (Lạng Sơn): Mùa Vải “Đắng”

Mọi năm, cứ đến mùa vải, cả huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) tấp nập khách thập phương và thương lái đến mua vải. Nhưng năm nay, thị trường quả vải trầm hẳn, nguyên nhân là do mất mùa. Nỗi buồn của người trồng vải ở Hữu Lũng bị nhân đôi bởi không những mất mùa, mà giá vải bán lại thấp. Vải ở Hữu Lũng năm nay chẳng ngọt mà cứ “đắng” dần.

19/06/2012
Xuất Khẩu Sang Châu Âu Gặp Khó Xuất Khẩu Sang Châu Âu Gặp Khó

Cuộc khủng hoảng nợ công ở nhiều quốc gia châu Âu khiến cho ngân hàng ở nhiều nước hạn chế các khoản vay và điều kiện cho vay, nhà nhập khẩu buộc phải cắt giảm đơn hàng, thậm chí đàm phán hạ giá gây ra rất nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam

02/08/2011