Ngành Tôm Gặp Khó Vì Thiếu Vốn

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Vũ Văn Tám cho biết, nuôi tôm hiện đang mang lại lợi nhuận cao nhất cho toàn ngành thủy sản. Tuy nhiên, người nuôi tôm đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn sản xuất.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm của Tổng Cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT diễn ra sáng 26-6 tại Hà Nội, thứ trưởng Vũ Văn Tám cho hay sáu tháng đầu năm, ngành thủy sản trải qua giai đoạn khó khăn nhất từ trước tới nay.
Thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam ngoài việc bị ảnh hưởng bởi giảm sút chung về tiêu dùng trên thế giới (nhất là thị trường EU và Hoa Kỳ) còn bị ảnh hưởng từ vụ kiện của Hoa Kỳ chống trợ cấp tôm và tăng thuế suất đánh vào mặt hàng cá tra, cá ba sa phi lê đông lạnh.
Một số thị trường khác tăng cường kiểm soát dư lượng của các hóa chất, kháng sinh cấm trong sản phẩm thủy sản…Tuy nhiên, tôm nước lợ vẫn nổi lên như một điểm sáng trong ngành thủy sản khi giá trị xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất (37%) trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tăng khoảng 4% so với năm ngoái.
Ông Bùi Đức Quý, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản, Bộ NN-PTNT, cho biết từ đầu năm đến nay, ngành tôm Việt Nam có nhiều điểm thuận lợi như diện tích nuôi tôm tăng so với cùng kỳ năm ngoái, Nhật Bản - thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 2 của Việt Nam, đã dỡ bỏ việc kiểm tra 100% chất Trifluralin đối với với con tôm Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tôm nước ta thâm nhập vào thị trường này.
Tuy nhiên, cũng theo ông Quý, tình trạng dịch bệnh từ năm 2012 kéo sang năm 2013 khiến lĩnh vực nuôi trồng thủy sản gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, tại nhiều địa phương, nhiệt độ tăng cao, thời tiết khí hậu biến đổi thất thường đã dẫn đến tình trạng tôm chết, nghêu chết hàng loạt. Sau khi tìm ra nguyên nhân gây tôm chết, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân cách phòng trị bệnh. Đến nay, tình trạng tôm chết do đốm trắng, hoại tử gan tụy đã được hạn chế nhiều. Diện tích nuôi tôm đã tăng trở lại.
Song, theo thứ trưởng Vũ Văn Tám, người nuôi tôm vẫn khó khăn nhất là tiếp cận vốn vay. Hiện việc thế chấp từ ao đầm đã được người nuôi sử dụng nhưng việc định giá đất đã được quy định từ nhiều năm nay nên khung giá đất rất thấp, người dân vay được rất ít.
Ông Quý, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản cho hay, vụ đang đề nghị với Bộ Tài Nguyên và Môi trường nâng khung giá đất nuôi trồng thủy sản lên để người nuôi tôm có thể thế vay được với số vốn cao hơn. Bên cạnh đó, bộ cũng cần có những kiến nghị với Chính phủ nghiên cứu những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành nuôi trồng thủy sản.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho hay năm nay là năm khó khăn nhất từ trước tới nay đối với không chỉ riêng ngành thủy sản mà còn đối với ngành nông nghiệp. Người nuôi tôm hiện đang gặp phải rất nhiều khó khăn nên cần phải có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng tốc phát triển triển tôm nước lợ để tranh thủ thời cơ khi các nước trong khu vực còn đang gặp khó khăn về dịch bệnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, giá trị sản xuất thủy sản ước đạt trên 83.000 tỉ đồng, tăng 2,53% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị nuôi trồng thủy sản ước đạt trên 45.000 tỉ đồng, khai thác đạt trên 38.000 tỉ đồng.
Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tháng 6 ước đạt 578 triệu đô la Mỹ, nâng tổng giá trị xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 2,88 tỷ đô la Mỹ, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể bạn quan tâm

Về thôn Suối Giếng (xã Công Hải, Thuận Bắc, Ninh Thuận), nói đến trang trại gà của anh Vũ Yên Sơn, ai cũng tấm tắc khen ngợi về quy mô, sự đầu tư cũng như cách nuôi gà của chủ gia trại này. Nhờ áp dụng công nghệ mới trong chăn nuôi mà trang trại của anh luôn hạn chế thấp nhất những rủi ro về dịch bệnh.

Bình quân mỗi lứa nuôi (100 con/3,5 tháng), hộ chăn nuôi thu lãi từ 13 – 14 triệu đồng. Thực hiện dự án “Hỗ trợ chăn nuôi gà Đông Tảo giai đoạn 2015 – 2016”, huyện Bảo Yên (Lào Cai) triển khai xây dựng 30 mô hình nuôi gà Đông Tảo (50 con/mô hình) với 30 hộ của xã Cam Cọn tham gia. Đây là những hộ có kiến thức, kinh nghiệm và đủ điều kiện đầu tư chăn nuôi.

Những ngày này về vùng cao Đông Tiến (Hàm Thuận Bắc) sẽ thấy màu xanh của những rẫy bắp, đậu các loại và những ruộng lúa đang thời kỳ phát triển. Gia đình bà K’ Thị Thơm – thôn 1 đã xuống giống được 3 ha bắp lai cho biết: “Năm nay gia đình được đăng ký đầu tư ứng trước từ Trung tâm dịch vụ miền núi tỉnh cung ứng giống bắp lai (CP888, DK 6919), phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để sản xuất. Hiện diện tích bắp của gia đình đã xuống giống hơn 20 ngày, đang tập trung chăm sóc bón phân giai đoạn đầu. Mấy ngày qua thời tiết thuận lợi nên bắp phát triển tốt”.

Ngày 28-7, Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng đùi gà đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ

Quỹ hỗ trợ liên kết sản xuất và xuất khẩu điều nhằm mục đích giúp ổn định sản xuất điều, đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ của doanh nghiệp trồng điều, hạn chế một số rủi ro trong mua bán, xuất khẩu điều.