Ngành Tôm Gặp Khó Vì Thiếu Vốn

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Vũ Văn Tám cho biết, nuôi tôm hiện đang mang lại lợi nhuận cao nhất cho toàn ngành thủy sản. Tuy nhiên, người nuôi tôm đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn sản xuất.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm của Tổng Cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT diễn ra sáng 26-6 tại Hà Nội, thứ trưởng Vũ Văn Tám cho hay sáu tháng đầu năm, ngành thủy sản trải qua giai đoạn khó khăn nhất từ trước tới nay.
Thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam ngoài việc bị ảnh hưởng bởi giảm sút chung về tiêu dùng trên thế giới (nhất là thị trường EU và Hoa Kỳ) còn bị ảnh hưởng từ vụ kiện của Hoa Kỳ chống trợ cấp tôm và tăng thuế suất đánh vào mặt hàng cá tra, cá ba sa phi lê đông lạnh.
Một số thị trường khác tăng cường kiểm soát dư lượng của các hóa chất, kháng sinh cấm trong sản phẩm thủy sản…Tuy nhiên, tôm nước lợ vẫn nổi lên như một điểm sáng trong ngành thủy sản khi giá trị xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất (37%) trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tăng khoảng 4% so với năm ngoái.
Ông Bùi Đức Quý, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản, Bộ NN-PTNT, cho biết từ đầu năm đến nay, ngành tôm Việt Nam có nhiều điểm thuận lợi như diện tích nuôi tôm tăng so với cùng kỳ năm ngoái, Nhật Bản - thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 2 của Việt Nam, đã dỡ bỏ việc kiểm tra 100% chất Trifluralin đối với với con tôm Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tôm nước ta thâm nhập vào thị trường này.
Tuy nhiên, cũng theo ông Quý, tình trạng dịch bệnh từ năm 2012 kéo sang năm 2013 khiến lĩnh vực nuôi trồng thủy sản gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, tại nhiều địa phương, nhiệt độ tăng cao, thời tiết khí hậu biến đổi thất thường đã dẫn đến tình trạng tôm chết, nghêu chết hàng loạt. Sau khi tìm ra nguyên nhân gây tôm chết, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân cách phòng trị bệnh. Đến nay, tình trạng tôm chết do đốm trắng, hoại tử gan tụy đã được hạn chế nhiều. Diện tích nuôi tôm đã tăng trở lại.
Song, theo thứ trưởng Vũ Văn Tám, người nuôi tôm vẫn khó khăn nhất là tiếp cận vốn vay. Hiện việc thế chấp từ ao đầm đã được người nuôi sử dụng nhưng việc định giá đất đã được quy định từ nhiều năm nay nên khung giá đất rất thấp, người dân vay được rất ít.
Ông Quý, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản cho hay, vụ đang đề nghị với Bộ Tài Nguyên và Môi trường nâng khung giá đất nuôi trồng thủy sản lên để người nuôi tôm có thể thế vay được với số vốn cao hơn. Bên cạnh đó, bộ cũng cần có những kiến nghị với Chính phủ nghiên cứu những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành nuôi trồng thủy sản.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho hay năm nay là năm khó khăn nhất từ trước tới nay đối với không chỉ riêng ngành thủy sản mà còn đối với ngành nông nghiệp. Người nuôi tôm hiện đang gặp phải rất nhiều khó khăn nên cần phải có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng tốc phát triển triển tôm nước lợ để tranh thủ thời cơ khi các nước trong khu vực còn đang gặp khó khăn về dịch bệnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, giá trị sản xuất thủy sản ước đạt trên 83.000 tỉ đồng, tăng 2,53% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị nuôi trồng thủy sản ước đạt trên 45.000 tỉ đồng, khai thác đạt trên 38.000 tỉ đồng.
Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tháng 6 ước đạt 578 triệu đô la Mỹ, nâng tổng giá trị xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 2,88 tỷ đô la Mỹ, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể bạn quan tâm

Những lồng bè nuôi cá mú san sát trước đây ở bãi biển Lạch Dù, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), nay đang thưa thớt dần, bởi hầu hết người nuôi thua lỗ nặng do giá cá rớt dần từ trước tết đến nay. Bây giờ dưới màu nước trong xanh tận đáy ven bờ, bà con ngư dân nuôi tạm một vài loài hải sản khác, chờ giá cá mú hồi sinh trở lại…

Trước đây, phần lớn nghề nuôi thủy sản ở huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) phát triển theo hình thức nuôi tự phát. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng của Đảng và Nhà nước phong trào nuôi tôm công nghiệp (NTCN) trên địa bàn huyện phát triển khá mạnh.

Ông Phan Văn Bé (Ba Bé, 66 tuổi, ngụ ấp Lộc Hưng, xã Hòa Phú- Long Hồ- Vĩnh Long) kể, trưa 22/4, con ông phát hiện một con cá lạ nổi đầu ngớp nước ở dưới con rạch Mười Trầu trước nhà nên đã vào nhà báo cho gia đình biết.

Với trên 80% dân số sống bằng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp nên những năm qua, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã tích cực triển khai và thực hiện hiệu quả nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp có tính bền vững, điển hình là mô hình nuôi bò thịt.

Dù mới chỉ có vài chục hộ ở TP Bảo Lộc và huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) bắt đầu sử dụng né gỗ để nuôi tằm và máy để gỡ kén tằm, thế nhưng, hiệu quả của việc nuôi tằm theo công nghệ mới này đã giúp người nông dân giảm được nhiều công lao động và tăng cao thu nhập.