Ngành mía đường trước áp lực thua trên sân nhà

* Nông dân “quay lưng” với cây mía
Nhiều nông dân ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hâu Giang - một trong những vùng trồng mía lớn nhất ĐBSCL, không còn mặn mà với loại cây trồng chủ lực này. Nông dân Võ Ngọc Dữ, 55 tuổi, ấp Phương An, xã Phương Bình) than vãn: “3 năm liên tiếp giá mía bèo lắm, làm không có lời, nhiều người bỏ mía trồng cây khác hoặc ban liếp ra trồng lúa. 3 năm nay, giá mía dao động 600.000 - 700.000 đồng/tấn, nông dân làm cực khổ nhưng không có lời. Không hiểu sao giá đường trong nước vẫn cao nhưng nhà máy mua mía của nông dân với giá quá thấp”.
Bà Trần Thị Tuyết, 67 tuổi, xã Phương Bình, chua chát nói: “Giá mía càng ngày càng càng thấp, vừa rồi tôi cho thuê 2,5ha đất trồng mía nhưng chẳng ai ngó ngàng. Thấy nhiều người ở đây bỏ mía, tôi suy nghĩ tính trồng cây khác. Cuối cùng, tôi làm liều trồng tiếp 1 vụ mía nữa nhưng phập phồng lo sợ… Mía vụ rồi, tôi bán được 700.000 đồng/tấn. Sau khi trừ chi phí, tính ra, mỗi công đất (1.000m2/công) chỉ còn lời 500.000 đồng sau gần 1 năm chăm sóc. Giá mía phải ít nhất từ 900.000 đồng/tấn trở lên thì nông dân mới sống và gắn bó lâu dài”.
Ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cho biết: Vụ mía 2014 - 2015, các địa phương trong huyện xuống giống 8.345 ha (giảm 1.200 ha so với niên vụ trước). Nguyên nhân là liên tiếp mấy năm qua, người trồng mía thua lỗ, nhiều hộ chuyển sang cây trồng cây ăn trái, lúa… theo đề án chuyển đổi của ngành nông nghiệp”. Trong khi đó, tại huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, thống kê sơ bộ cho thấy có khoảng 40% số hộ nông dân trồng mía bị lỗ, 15 - 20% huề vốn và phần còn lại có lãi nhưng cũng chỉ khoảng 10 - 15 triệu đồng/ha…
Theo thống kê của huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, tính đến cuối năm 2014, diện tích mía của địa phương này chỉ còn gần 7.400ha, giảm trên 810ha so với cùng kỳ năm trước; trong đó có 347ha nông dân chuyển sang nuôi tôm. Trong khi đó, ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, diện tích mía hiện chỉ còn khoảng 500ha, giảm khoảng 50% so với năm 2012… Tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau chỉ còn khoảng 1.500ha mía nguyên liệu, giảm gần 200ha so với vụ mùa trước. Người dân chuyển đổi sang luân canh tôm lúa, tập trung nhiều ở xã Biển Bạch Đông, Trí Lực, Tân Bằng và xã Trí Phải...
* Áp lực lớn
Tính toán của các chuyên gia cho thấy, nguyên liệu trong giá thành đường tại Việt Nam vào khoảng 12.000 đồng/kg (giá bán sỉ cho đại lý 14.500 - 15.000 đồng/kg, bán lẻ tại các chợ, siêu thị 16.900 - 20.500 đồng/kg) đứng ở hàng cao nhất thế giới. Trong khi Thái Lan là 8.000 đồng/kg, mức trung bình của thế giới khoảng 10.000 đồng/kg. Giá bán lẻ trên thị trường còn cao hơn, người tiêu dùng trong nước luôn phải mua đường với giá đắt hơn từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Với mức tiêu thụ năm 2014 khoảng 1,3 triệu tấn đường, người tiêu dùng nội địa phải trả thêm cho khoản chênh lệch giá này lên tới hơn 5.000 tỉ đồng…
Lãnh đạo một doanh nghiệp mía đường lớn tại ĐBSCL nhìn nhận: Giá thành đường có kết cấu chi phí nguyên liệu chiếm từ 75 - 80%, trong khi nguyên liệu mía Việt Nam có chất lượng xấu so với thế giới: chữ đường (CCS) chỉ đạt bình quân 10, trong khi thế giới CCS đạt từ 13 đến 16. Năng suất mía tại Việt Nam khoảng 62 tấn/ha, trong khi bình quân thế giới là 120 tấn/ha. Mía của các nước có giá từ 24 - 30 USD/tấn, giá mía Việt Nam khoảng 50 USD/tấn. Nguyên liệu mía kém chất lượng do đất đai manh mún, tỷ lệ cơ giới hóa thấp… đẩy giá thành sản xuất tăng cao.
Các chuyên gia cho rằng, phải cơ cấu lại ngành mía đường, bản thân từng doanh nghiệp cũng phải tái cơ cấu, đưa công nghệ mới vào, tích vốn, nguyên liệu tạo ra sản phẩm tốt, chất lượng đường tốt và giá thành rẻ, gia tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng sắp diễn ra. Đồng tình với các chuyên gia, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi đang tập trung giải quyết vấn đề này, tìm ra giải pháp tốt nhất để ngành mía đường Việt Nam trụ vững và phát triển trong thời buổi hội nhập”.
Ông Nguyễn Thái Hoà, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường tỉnh Trà Vinh, nhận định: “Lượng đường thế giới và trong nước dư thừa, cộng thêm việc đường nhập lậu tràn lan đã đẩy ngành đường nội địa gặp nhiều khó khăn nên không thể mua mía giá cao cho nông dân”.
Có thể bạn quan tâm

Không chỉ hỗ trợ nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương, Công ty Kato Hitoshi General (Nhật Bản) còn cam kết giúp ngư dân Bình Định xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Mỹ.

Năm nay, sản lượng vải thiều Lục Ngạn tuy tăng gần gấp đôi so với năm ngoái nhưng vải không bị bán đổ, bán tháo do ngoài thị trường Trung Quốc chỉ còn chiếm tỷ lệ khoảng 1/2 lượng xuất khẩu thì vải Lục Ngạn đã tìm được một số thị trường mới như Úc, Nhật, Hàn Quốc.

Những năm gần đây, cùng với việc ứng dụng các tiến bộ KHKT để nâng cao năng suất cây trồng thì ngành Nông nghiệp huyện Quang Bình đang hướng tới một nền sản xuất hàng hóa, gắn với nhu cầu thị trường tiêu thụ; trên cơ sở những điều kiện tự nhiên của địa phương, đồng thời đẩy mạnh việc đưa các loại giống cây trồng cho năng suất cao vào sản xuất.

Những ao tôm thẻ chân trắng mới thả nuôi hơn một tháng ở 3 xã bãi ngang là Kim Trung, Kim Đông, Kim Hải, thuộc huyện Kim Sơn (Ninh Bình) bỗng chết hàng loạt không rõ nguyên nhân.

Từng chiếc quẩy tấu nhuộm vàng những bắp ngô chắc hạt được người dân thôn Nà Sát, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) nối bước nhau theo đường mòn, gùi về sân phơi... Bên bãi ngô ven bờ sông Lô, nhiều cặp vợ chồng sôi nổi luận bàn về mùa ngô năng suất mà chưa bao giờ họ có được.