Ngành Chăn Nuôi Ở Tư Nghĩa Hướng Đến Mục Tiêu Hiện Đại, Chất Lượng

Những năm gần đây ngành chăn nuôi ở huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) phát triển mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Ông Trần Thiên Thanh - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa cho biết: Việc cải tạo, nâng cao chất lượng đàn vật nuôi có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi, làm tăng giá trị sản xuất, tạo thế mạnh trên thị trường. Đặc biệt, trong xu thế cạnh tranh ngày càng gay gắt thì mọi thứ đều dựa trên tiêu chí chất lượng. Vì vậy trong thời gian tới, huyện sẽ không đặt nặng vấn đề số lượng đàn mà tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Trong đó chú trọng vào các giống vật nuôi chất lượng, có thế mạnh của địa phương như trâu, bò, heo, gà, vịt. Đặc biệt là bò.
Theo ông Thanh, hiện nay bò là loài vật dễ nuôi, ít dịch bệnh, giá cả tương đối ổn định nên ít gây tổn thất về kinh tế cho người chăn nuôi. Các giống bò được nuôi phổ biến ở Tư Nghĩa trong những năm qua chủ yếu là bò vàng địa phương, bò lai sind và bò lai Zêbu. Trong đó, giống bò lai sind đã được người dân lựa chọn nuôi ngày một nhiều với quy mô hộ gia đình, trang trại, chăn nuôi tập trung theo kiểu bán công nghiệp.
Việc đầu tư làm chuồng trại, chăm sóc bò đúng kỹ thuật cũng được thực hiện ngày càng cao. Do đó, chất lượng và số lượng đàn bò trên địa bàn huyện tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2003 số lượng đàn bò nuôi là 22.500 con, đến năm 2013 tăng lên 26.150 con, tỷ lệ bò lai chiếm 80% tổng đàn.
Ông Trần Thiên Thanh cho biết thêm: “Một tín hiệu vui đối với ngành chăn nuôi huyện Tư Nghĩa chính là tỷ trọng chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp đã tăng từ 30% năm 2003 lên 50% năm 2013. Tư Nghĩa phấn đấu đến năm 2020 sẽ tăng lên 55%. Đồng thời huyện sẽ tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại. Bên cạnh việc cải tạo đàn bò, đàn trâu thì đàn heo cũng sẽ được chuyển dần theo phương thức công nghiệp”.
Trước tình trạng giá cả bấp bênh, rủi ro vì dịch bệnh, người chăn nuôi ở Tư Nghĩa đã lựa chọn các mô hình chăn nuôi heo theo hướng bền vững, an toàn sinh học, VietGap gắn với bảo vệ môi trường.
Anh Trần Thanh Diệp, thôn Phú Thuận Tây, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) đã đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để đầu tư nuôi 1.000 con heo theo hướng VietGap. Theo anh Diệp, mặc dù chăn nuôi theo hướng này cần nguồn vốn lớn, nhưng bù lại chất lượng được nâng cao, rủi ro thấp, hiệu quả kinh tế cao. Các giống heo được nuôi phổ biến hiện nay là những loại có tỷ lệ nạc cao như Yorshire, Đu rốc, Landrace…
Để nhiều người chăn nuôi chú trọng nâng cao chất lượng, Tư Nghĩa cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của công tác cải tạo đàn; có cơ chế phối hợp trong tăng cường kiểm soát con giống, thức ăn chăn nuôi, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; đồng thời đẩy mạnh xây dựng chuỗi sản xuất từ khâu giống, chăn nuôi, giết mổ, đến tiêu thụ nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, huyện cần chú trọng duy trì quy mô, hình thức sản xuất nông hộ theo phương thức công nghệ hướng nạc đa dạng, có khả năng cạnh tranh như sản phẩm lợn, gia cầm để người nông dân có điều kiện tham gia tăng trưởng nông nghiệp, phát triển kinh tế. Đây cũng là nội dung quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi hiện nay ở tỉnh ta.
Có thể bạn quan tâm

Xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) là vùng đất trắng, bạc màu nên sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Để vươn lên thoát nghèo, nhiều nông dân đã mạnh dạn mở trang trại chăn nuôi, điển hình là ông Nguyễn Kính đã xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong thời gian gần đây, nhiều hộ dân nuôi nhím trên địa bàn xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) đang phải chịu cảnh “khủng hoảng thừa” vì không thể bán được nhím.

Bắt đầu từ nay, một số vườn ca cao trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cho thu hoạch vụ chính thức đầu tiên. Hiện cả tỉnh Lâm Đồng đã trồng được 1.573 ha ca cao, tập trung ở ba huyện phía nam là Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên; khoảng một nửa diện tích này bắt đầu cho trái bói (diện tích kinh doanh chính thức còn tương đối ít).

Bằng nguồn vốn của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, vụ Hè Thu năm 2012, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Điện Biên đã triển khai dự án 'Lâm nông kết hợp trên đất dốc', qui mô 45 ha tại 4 bản của xã Si Pa Phìn gồm Tân Hưng, Tân Lập, Nậm Chim, Pú đao, với 50 hộ tham gia.

Tại thời điểm này, giá mủ cao su chỉ bằng mức 1/2 năm 2011. Trong khi đó, hiện lượng mủ tồn đọng ở các công ty cao su rất lớn.