Ngành Chăn Nuôi Ở Tư Nghĩa Hướng Đến Mục Tiêu Hiện Đại, Chất Lượng

Những năm gần đây ngành chăn nuôi ở huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) phát triển mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Ông Trần Thiên Thanh - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa cho biết: Việc cải tạo, nâng cao chất lượng đàn vật nuôi có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi, làm tăng giá trị sản xuất, tạo thế mạnh trên thị trường. Đặc biệt, trong xu thế cạnh tranh ngày càng gay gắt thì mọi thứ đều dựa trên tiêu chí chất lượng. Vì vậy trong thời gian tới, huyện sẽ không đặt nặng vấn đề số lượng đàn mà tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Trong đó chú trọng vào các giống vật nuôi chất lượng, có thế mạnh của địa phương như trâu, bò, heo, gà, vịt. Đặc biệt là bò.
Theo ông Thanh, hiện nay bò là loài vật dễ nuôi, ít dịch bệnh, giá cả tương đối ổn định nên ít gây tổn thất về kinh tế cho người chăn nuôi. Các giống bò được nuôi phổ biến ở Tư Nghĩa trong những năm qua chủ yếu là bò vàng địa phương, bò lai sind và bò lai Zêbu. Trong đó, giống bò lai sind đã được người dân lựa chọn nuôi ngày một nhiều với quy mô hộ gia đình, trang trại, chăn nuôi tập trung theo kiểu bán công nghiệp.
Việc đầu tư làm chuồng trại, chăm sóc bò đúng kỹ thuật cũng được thực hiện ngày càng cao. Do đó, chất lượng và số lượng đàn bò trên địa bàn huyện tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2003 số lượng đàn bò nuôi là 22.500 con, đến năm 2013 tăng lên 26.150 con, tỷ lệ bò lai chiếm 80% tổng đàn.
Ông Trần Thiên Thanh cho biết thêm: “Một tín hiệu vui đối với ngành chăn nuôi huyện Tư Nghĩa chính là tỷ trọng chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp đã tăng từ 30% năm 2003 lên 50% năm 2013. Tư Nghĩa phấn đấu đến năm 2020 sẽ tăng lên 55%. Đồng thời huyện sẽ tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại. Bên cạnh việc cải tạo đàn bò, đàn trâu thì đàn heo cũng sẽ được chuyển dần theo phương thức công nghiệp”.
Trước tình trạng giá cả bấp bênh, rủi ro vì dịch bệnh, người chăn nuôi ở Tư Nghĩa đã lựa chọn các mô hình chăn nuôi heo theo hướng bền vững, an toàn sinh học, VietGap gắn với bảo vệ môi trường.
Anh Trần Thanh Diệp, thôn Phú Thuận Tây, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) đã đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để đầu tư nuôi 1.000 con heo theo hướng VietGap. Theo anh Diệp, mặc dù chăn nuôi theo hướng này cần nguồn vốn lớn, nhưng bù lại chất lượng được nâng cao, rủi ro thấp, hiệu quả kinh tế cao. Các giống heo được nuôi phổ biến hiện nay là những loại có tỷ lệ nạc cao như Yorshire, Đu rốc, Landrace…
Để nhiều người chăn nuôi chú trọng nâng cao chất lượng, Tư Nghĩa cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của công tác cải tạo đàn; có cơ chế phối hợp trong tăng cường kiểm soát con giống, thức ăn chăn nuôi, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; đồng thời đẩy mạnh xây dựng chuỗi sản xuất từ khâu giống, chăn nuôi, giết mổ, đến tiêu thụ nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, huyện cần chú trọng duy trì quy mô, hình thức sản xuất nông hộ theo phương thức công nghệ hướng nạc đa dạng, có khả năng cạnh tranh như sản phẩm lợn, gia cầm để người nông dân có điều kiện tham gia tăng trưởng nông nghiệp, phát triển kinh tế. Đây cũng là nội dung quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi hiện nay ở tỉnh ta.
Có thể bạn quan tâm

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng hướng dẫn cách nuôi nghêu đối với bà con ở khu vực phía Nam. Theo chuyên gia, nuôi nghêu giỏi có thể giúp nông dân thu bạc tỷ.

Sử dụng quỹ đất công, giao cho các tổ chức đoàn thể tăng gia sản xuất để gây quỹ rồi cho chính các hội viên của mình vay để xóa đói giảm nghèo - một cách làm hay của xã Kon Thụp (huyện Mang Yang, Gia Lai).

Xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) có hơn 280 hộ dân là làm nghề nuôi trồng thủy sản. Qua giới thiệu của bác Lựu, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp tôi được biết đến cơ sở ương nuôi cá chim giống qua đông đạt hiệu quả cao của ông Chinh – xóm Nội.

Sau một thời gian rớt giá, trong tuần qua, giá tôm biển các loại đã nhích lên từ 5.000-7.000 đồng/kg. Hiện tôm thẻ chân trắng (chiếm trên 90% diện tích thả nuôi) loại 100 con/kg có giá từ 85.000-90.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với giá cả như hiện nay, nếu trúng vụ, người nuôi chỉ hòa vốn hoặc có lãi chút ít...

Thời gian gần đây, mỗi ngày có tới 8-15 tấn banh lông được mua tại cảng An Thới, huyện đảo Phú Quốc để vận chuyển đi các nơi nhưng chủ yếu là xuất sang Trung Quốc. Loại hải sản thuộc dòng họ hải sâm này, ngay cả nhiều ngư dân đánh bắt cũng chưa một lần ăn thử. Nhưng giờ thì người người, nhà nhà đang kéo nhau đi cào banh lông, khiến ngư trường biển Tây thêm một phen dậy sóng...