Ngành Chăn Nuôi Gia Cầm Điêu Đứng Vì Dịch

Do lo sợ dịch cúm gia cầm A/H5N1, người tiêu dùng ngại mua gà, vịt, trứng… khiến sức mua và giá của các sản phẩm này giảm mạnh. Theo Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), tình hình này nếu không được giải quyết sớm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cân đối cung cầu và khiến ngành này điêu đứng.
Chợ ế ẩm
Mặc dù dịch cúm gia cầm đã dừng lại ở 22 địa phương trên cả nước, không có Hà Nội, song tại hầu hết các chợ nội và ngoại thành của thủ đô các gian hàng thịt gia cầm khá vắng vẻ và hầu như không có người qua lại.
Chị Nguyễn Thị Hoa, một tiểu thương buôn gà tại chợ Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, ngoại thành Hà Nội cho hay giá các loại gia cầm giảm liên tục từ Tết tới nay và hiện chỉ còn 75.000-80.000 đồng/kg gà ta, trong khi vào thời điểm trước Tết, giá gà này ít nhất cũng 120.000 đồng/kg. Tương tự, giá ngan (vịt xiêm) cũng giảm không kém, chỉ 70.000 đồng/kg hồi trước tết nay chỉ còn 50.000 đồng/kg.
Tại một chợ ở Dương Nội có khoảng 10 gian hàng bán gia cầm nhưng hiện chỉ có khoảng 2-3 gian bày bán. Anh Trần Văn Chiến, tiểu thương, cho hay, dù có nhiều gian hàng đóng cửa nhưng số lượng gà, vịt mà anh bán ra cũng không tăng lên, chỉ khoảng 15-20kg/ngày thay cho mức 60-70kg/ngày hồi trước Tết.
“Đã vậy, nhiều chị em đi chợ còn không dám ra ngó ngàng dãy hàng gia cầm vì sợ dịch bệnh”, anh Chiến buồn bã nói.
Theo ghi nhận của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, tại nhiều chợ nội thành Hà Nội như chợ Thanh Xuân, Trần Phú, Hà Đông… tình hình kinh doanh cũng khá trầm lắng. Các sạp bán thịt, trứng gia cầm vắng vẻ mặc dù giá bán đã giảm và tiểu thương tích cực chào mời. Hơn nữa, sức tiêu thụ càng chậm hơn khi các mối đặt hàng lớn như quán ăn, nhà hàng…giảm lượng mua.
Lo mất cân đối cung cầu
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài gòn Online, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) cho hay, dịch cúm gia cầm buộc nhiều gia đình phải ngừng sử dụng các sản phẩm từ gia cầm cộng với tư thương ép giá khiến giá các sản phẩm này càng giảm mạnh.
Số liệu thống kê của Cục chăn nuôi cho thấy, hiện giá các sản phẩm gia cầm đã giảm khoảng 20% so với thời điểm đầu năm. Tại Hà Nội, giá gà lông màu chỉ còn 35.000-39.000 đồng/kg, gà công nghiệp 25.000-29.000 đồng/kg. Đặc biệt, trứng gà công nghiệp cũng giảm mạnh, chỉ còn 1.200-1.500 đồng/quả; con giống gia cầm giảm tới 70%, dao động từ 2.000-5.000 đồng/con.
Ông Trọng cho hay, hiện đang xảy ra tình trạng cung vượt cầu do người dân ít tiêu thụ thịt gia cầm khiến người chăn nuôi không dám tái đàn. “Như vậy, trong 2-3 tháng nữa nguồn cung thực phẩm giảm mạnh và rồi có thể giá sẽ tăng lên. Lúc đó có thể sẽ xảy ra tình trạng nhập lậu các sản phẩm gia cầm vì giá trong nước và nước ngoài chênh lệch”, ông Trọng nói.
Để giúp người chăn nuôi tự chủ về con giống và nhanh chóng tái đàn, Bộ NNPTNT đang xây dựng mô hình sản xuất giống tại chỗ cho 7 tỉnh biên giới phía Bắc và dự kiến sẽ được triển khai trong tháng 3. Đồng thời, bộ cũng đang khuyến khích người chăn nuôi hình thành mô hình chăn nuôi an toàn sinh học để giảm rủi ro về dịch bệnh.
Trong tuần từ ngày 25-2 đến ngày 3-3 đã có thêm tỉnh Bình Dương công bố dịch bệnh, nâng tổng số tỉnh đã công bố dịch bệnh từ đầu năm tới nay lên con số 22 tỉnh và 63 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên cả nước.
Có thể bạn quan tâm

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa kịp thời vụ, những năm gần đây nhiều địa phương ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã thực hiện việc gặt lúa đêm. Vào chính vụ, khắp cánh đồng về đêm bao la của huyện vùng trũng này lấp lóa ánh đèn của máy gặt đập liên hợp cùng tiếng í ới gọi nhau của những người nông dân. Không khí hối hả trên đồng ruộng về đêm tạo nên một cảm giác khác lạ, rộn rả và vui tươi…

Bộ Thương Mại Mỹ đã công bố bằng lời nói về mức thuế suất sơ bộ đối với thuế đối kháng cho các bên.Thái Lan chỉ vượt qua mức thuế suất tối thiểu 2%. Điều này có thể sẽ được xem xét kỹ trong quyết định cuối cùng, có nghĩa là nếu việc điều chỉnh giảm xuống thành công, Thái Lan sẽ không phải đóng thuế. Việt Nam vẫn theo đúng với dự kiến thuế suất toàn quốc là 6%

Tuy không phải là mặt hàng chủ đạo, thế nhưng liên tục mấy năm gần đây, con ruốc bất ngờ mang lại cho ngư dân một khoản thu nhập đáng kể. Thời gian này, nhiều ngư dân dọc theo bờ biển Cà Mau đang tất bật chuẩn bị cho một mùa ruốc mới.

Theo quy hoạch, giai đoạn năm 2009-2015 diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh Đồng Tháp là 2.550ha thuộc 11/12 huyện, thị, thành phố với sản lượng đạt 383.000 tấn và năm 2020, diện tích nuôi là 2.700ha với sản lượng 400.000 tấn.

Ấp Phú Long Phụng B - xã Phú Khánh (Thạnh Phú - Bến Tre) là một trong những địa phương còn nhiều hộ nghèo, do thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, chưa có nghề nghiệp ổn định.