Ngành chăn nuôi gặp khó do giá TĂCN cao

Tại Diễn đàn chính sách nông nghiệp “Tăng cường tính cạnh tranh trong thị trường lúa gạo và chăn nuôi Việt Nam” do Trung tâm Chính sách và Chiến lược nông nghiệp, nông thôn miền Nam tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 8-9, ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, cho biết, ngành chăn nuôi đang tồn tại 4 nút thắt cần tháo gỡ.
Đó là năng suất chất lượng giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi (TĂCN), hệ thống tổ chức sản xuất và công tác quản lý.
Giá TĂCN cao dẫn đến ngành chăn nuôi trong nước có sức cạnh tranh chưa cao.
Hiệp hội TĂCN Việt Nam cũng cho rằng, nếu nhà nước áp dụng giảm thuế cho tất cả các loại nguyên liệu bổ sung dùng để chế biến TĂCN, giá sản phẩm đầu ra có thể giảm được từ 7 - 8%. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong ngành, việc giảm giá thời gian gần đây chủ yếu do giá nguyên liệu nhập khẩu đầu vào giảm, doanh nghiệp nhân cơ hội này giảm giá theo.
Vì thế, cần thiết có những công cụ kiểm soát chặt chẽ hơn về giá thành sản xuất TĂCN để đảm bảo lợi ích được phân phối cho đúng đối tượng mà chính sách hướng đến.
Theo TS. Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Chiến lược nông nghiệp, nông thôn miền Nam, hiện nay, các doanh nghiệp TĂCN trong nước công bố tỷ lệ lợi nhuận trên giá thành sản xuất 1 kg TĂCN vào khoảng 1 - 3%. Nhưng nhận định của một số chuyên gia thì tỷ lệ này phải lên đến 10 – 15%. Tuy nhiên, thông tin này hiện chưa được bất kỳ một cơ quan quản lý, viện nghiên cứu nào kiểm chứng, do khó có thể tiếp cận thông tin chi phí giá thành của doanh nghiệp.
TS Giáp cho biết, theo ý kiến một số doanh nghiệp TĂCN, khi bỏ thuế VAT, các doanh nghiệp chỉ có thể giảm giá TĂCN từ 2,5 – 3,5% do một số nguyên liệu như bột cá, vitamin các loại… không được miễn giảm VAT. Đồng thời, doanh nghiệp vẫn phải chịu các khoản VAT từ chi phí vận chuyển tăng, giá điện, giá nước, chi phí máy móc thiết bị… nên giá TĂCN không thể giảm đến mức 5% được.
Thực tế việc giảm thuế VAT mang lại lợi ích nhiều hơn cho các doanh nghiệp kinh doanh, nhất là doanh nghiệp nước ngoài khi lợi nhuận không ảnh hưởng mà thậm chí tăng lên, trong khi nguồn thu của ngân sách nhà nước lại giảm. Do đó, việc quy định lợi nhuận cho các mặt hàng này nên được quy định.
Như Thái Lan quy định lợi nhuận đối với mặt hàng này chỉ khoảng 5%, không được cao hơn. Theo đó, ông đề xuất giải pháp thực hiện yêu cầu kê khai giá bán và giới hạn mức lợi nhuận, giám sát ảnh hưởng của việc miễn VAT đến giá thành.
Ông Đoàn Xuân Trúc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập, ngành chăn nuôi phải đổi mới toàn diện, trong đó có TĂCN (chiếm đến 60-70% giá thành sản phẩm chăn nuôi). Nếu không hạ thấp giá thành thì ngành chăn nuôi khó cạnh tranh.
Ông Trúc cho rằng, bên cạnh tăng cường kiểm soát chất lượng TĂCN vẫn phải quản lý giá. Ở nước ta do thời gian khấu hao thiết bị ngắn (5 năm), chi phí cho khuyến mãi, chiết khấu… nên giá sản phẩm khi đến tay người chăn nuôi đã “đội” lên cao. Theo ông, các doanh nghiệp, trang trại lớn nên tự sản xuất TĂCN để giảm giá thành. Đồng thời cần có cơ chế tín dụng phù hợp với ngành chăn nuôi.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TĂCN cũng kiến nghị một số giải pháp để tăng tính cạnh tranh cho ngành chăn nuôi. Như cần tạo mô hình sản xuất chăn nuôi theo chuỗi sản phẩm, khép kín. Tìm ra cơ chế hợp tác sản xuất, phân chia lợi nhuận giữa các khâu trong sản xuất hợp lý. Đối với khu chăn nuôi tập trung, nhà nước hỗ trợ đường điện, nước cấp, nước thoát đến tận chân công trình
Đối với khu xây dựng chuồng trại chăn nuôi được cấp ngay sổ đỏ; cho tư nhân vay vốn dài hạn, trung hạn để xây dựng chuồng trại, mua con giống, chăn nuôi với lãi suất nhẹ và cho ân hạn 3-4 năm. Đồng thời, nâng cao hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản xuất trong nước. Tất cả tiêu chuẩn kỹ thuật này công khai, có sự tham gia xây dựng và kiểm soát của các hội, hiệp hội chuyên ngành.
Được biết, hiện nay giá TĂCN của Việt Nam vẫn cao hơn Thái Lan. Do Thái Lan có vùng sản xuất nguyên liệu TĂCN nội địa lớn, nguyên liệu sản xuất TĂCN được nhập khẩu trực tiếp trừ Ấn Độ nên tiết kiệm được chi phí vận chuyển.
So với các nước xuất khẩu nguyên liệu TĂCN như Mỹ, Argentina…, giá thành TĂCN của Việt Nam cao hơn do chi phí vận chuyển cao; thêm vào đó, một số chi phí vô hình khác như khấu hao thiết bị, khuyến mãi, chiết khấu… (chiếm 6-10% giá thành). Vì thế, giá sản phẩm đến người chăn nuôi đội lên dẫn đến các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam khó cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục hội nhập sâu vào nền kinh tế cộng đồng ASEAN.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi đang được coi là ngành kinh tế bị tổn thương nhiều nhất khi nước ta tham gia một loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương, nhất là khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời và TPP phủ sóng trên toàn Việt Nam. Điều này đem đến nhiều cơ hội những cũng không ít khó khăn, thách thức cho ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng.
Có thể bạn quan tâm

Ấp Phú Đông Thượng, xã Bình Khánh Đông (Mỏ Cày Nam, Bến Tre) nằm cặp theo sông Vàm Cái Quao và sông Hàm Luông. Toàn ấp có khoảng 110ha đất tự nhiên, trong đó có 96ha đất sản xuất nông nghiệp. Ấp có 332 hộ, với 1.156 nhân khẩu, đa số sống bằng nghề nông, chủ yếu trồng cây dừa kết hợp chăn nuôi. Toàn ấp hiện có 25% hộ khá giàu, 60% hộ trung bình và hộ nghèo chiếm 12%. Đặc biệt, ấp có Tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ tôm càng xanh trên diện tích 196ha mặt nước rất hiệu quả.

Ông Lê Văn Hoàng, ở ấp Phú Long A - xã Phú Khánh (Thạnh Phú - Bến Tre), có kinh nghiệm nuôi gà ta thả vườn gần 4 năm nay. Trước đây, với ý định nuôi gà ta nhỏ lẻ để bán cho bà con trong xóm nên ông chỉ nuôi trên 30 con. Thấy có hiệu quả kinh tế, ông bắt đầu tăng số gà nuôi.

Bằng nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp của tỉnh, huyện, vụ hè thu và vụ thu đông, Trạm Khuyến nông huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã cung ứng 4.800 kg giống lúa chất lượng cao gồm: OM 4900, OM 10041, OM 6976 và OM 8017 cho các xã Phong Mỹ, Ba Sao, Tân Nghĩa, Mỹ Thọ, Phương Trà và Gáo Giồng để nhân giống trên diện tích 40 ha.

116 hộ dân tham gia mô hình nuôi bò vàng thuần chủng do Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Than Uyên (Lai Châu) đã triển khai đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đổi thay nếp nghĩ, cách làm của người chăn nuôi.

Nhiều nông dân thu hoạch lúa hè thu trễ ở miền Tây Nam Bộ thu lợi nhuận khá lớn. Ông Trần Thanh Mẫn trồng 5 ha lúa ở thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng - cho biết: “Mới tuần trước tôi thu hoạch lúa hè thu bán ngay tại ruộng 5.000 đồng/kg, nay lúa đã tăng lên 5.100 đồng/kg đã làm mất một số tiền không nhỏ”. Dù bán lúa sớm mất tiền nhưng ông Mẫn vẫn thu được 15 triệu đồng/ha, cao hơn rất nhiều so với những nông dân đã thu hoạch hơn 1 tháng trước đây.