Ngành Cà Phê Bàn Giải Pháp Nâng Cao Chuỗi Giá Trị Sản Phẩm

Tại Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2013-2014 và phương hướng nhiệm vụ niên vụ 2014-2015 diễn ra ngày 5/12, ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam, cho biết, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán kéo dài, dự kiến niên vụ 2014-2015, sản lượng cà phê cả nước sẽ giảm khoảng 20% so với niên vụ trước.
Theo đó, mục tiêu xuất khẩu cà phê trong niên vụ mới là 1,4 triệu tấn, với kim ngạch trên 3 tỷ USD, giảm 200.000 tấn so với niên vụ 2013-2014.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng lượng xuất khẩu cà phê toàn vụ 2013-2014 đạt 1,66 triệu tấn, đạt kim ngạch 3,4 tỷ USD. So với niên vụ trước, lượng xuất khẩu đã tăng 17,2%, nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 12,5%. Việt Nam vẫn là quốc gia đứng thứ 2 trên thế giới về sản lượng xuất khẩu cà phê, chỉ sau Brazil.
Theo Hiệp hội cà phê - cacao Việt Nam, thị phần xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong niên vụ 2013-2014, từ 19% (niên vụ 2012-2013) lên 21,3%. Tuy giá cà phê có nhiều biến động, nhưng thu nhập của người trồng cà phê vẫn được đảm bảo. Việc miễn thuế VAT cho các doanh nghiệp xuất khẩu cũng là một trong những động thái tích cực góp phần giảm bớt khó khăn và tạo đà tăng trưởng cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cà phê Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu thô với hơn 90% tổng giá trị xuất khẩu. Trong niên vụ này, Đức và Hoa Kỳ vẫn là 2 thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam. Trong danh sách 30 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam có kim ngạch lớn nhất, có 16 doanh nghiệp Việt Nam, còn lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong niên vụ mới này, ông Lương Văn Tự cho rằng, cà phê Việt Nam sẽ chịu nhiều sức ép và thách thức do sự cạnh tranh gay gắt về thị trường từ các hiệp định thương mại tự do như Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015 có hiệu lực; các hiệp định với Liên minh châu Âu, Nga… đang đi vào giai đoạn kết thúc.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của biến đối khí hậu đang diễn biến phức tạp sẽ tạo ra sự biến động của thị trường cà phê thế giới. Do đó, giá cà phê trong nước có xu hướng lên xuống không theo quy luật nên người trồng cà phê và các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất trong ngành hàng này cần hạn chế xuất khẩu với số lượng lớn và không nên bán trừ lùi và giao xa.
Hiệp hội cũng sẽ có báo cáo gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch mua tạm trữ cà phê khi giá xuống dưới giá thành, gây bất lợi cho người trồng và kinh doanh. Trong khi Quỹ phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam chưa được thành lập, Hiệp hội tiếp tục hỗ trợ giống miễn phí cho các hộ thực hiện tái canh cà phê.
Đồng thời, phối hợp với Cục An toàn thực phẩm xây dựng Quy chuẩn Việt Nam đối với sản phẩm cà phê rang xay và hòa tan trong năm 2015 và có bộ hướng dẫn uống cà phê an toàn.
Trong niên vụ 2014-2015, Hiệp hội cũng sẽ tập trung hỗ trợ nông dân trong vấn đề tái canh cà phê và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào lĩnh vực chế biến.
Nguồn bài viết: http://www.baodaknong.org.vn/kinh-te/nganh-ca-phe-ban-giai-phap-nang-cao-chuoi-gia-tri-san-pham-36294.html
Có thể bạn quan tâm

Có mặt trên cánh đồng thôn Phú Mỹ (xã Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh) những ngày cuối tháng 5, các đại biểu và bà con nông dân tham gia hội thảo đánh giá chất lượng TBR 225 đều vui mừng vì đã tìm ra được giống lúa có chất lượng gạo ngon và năng suất rất cao.

Việt Nam đang tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Hội nhập vừa mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đưa đến không ít thách thức đối với nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Để tận dụng tối đa cơ hội, vượt qua thách thức, ngành nông nghiệp đang ra sức tái cơ cấu nhằm nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp cận đô thị, huyện Cẩm Khê đã đưa mô hình nuôi lươn không bùn vào nuôi ở 2 xã Sai Nga và Đồng Cam mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là mô hình của ông Nguyễn Quốc Khải ở khu Đồng Kệ xã Đồng Cam và chị Nguyễn Thị Thủy ở khu 5 xã Sai Nga, nuôi lươn trên bể xi măng lót bạt không bùn để cung ứng cho thị trường sản phẩm lươn sạch.

J02 là giống lúa thuần có nguồn gốc từ Nhật Bản do Viện Di truyền nông nghiệp nhập nội và tuyển chọn, đã được đưa vào trồng thử nghiệm trên địa bàn tỉnh khoảng 5- 6 năm nay.

Người dân ở miền núi được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24.9.2010 của Chính phủ đã bảo vệ hiệu quả diện tích rừng được giao. Sở NN&PTNT đã xây dựng phương án nâng mức chi trả DVMTR cho những khu vực có mức giá thấp.