Ngăn chặn việc dùng chất cấm trong chăn nuôi

Thực hư lẫn lộn
Cuối tháng 7 vừa qua, trước thông tin một số trang trại nuôi heo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo khiến nhiều bà nội trợ băn khoăn khi ra chợ. Chị Nguyễn Thị Phương (ở phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) cho hay: “Thật khó phân biệt thịt heo nào có sử dụng chất cấm vì miếng thịt nào trông cũng ngon và giống hệt nhau. Để bảo vệ sức khỏe gia đình, tôi phải thường xuyên mua cá, tôm, thịt bò và thịt gà thay thế món thịt heo quen thuộc”.
Người tiêu dùng như vậy, còn chị em bán buôn ở các chợ cũng rất “mù mờ” trước tình trạng heo nuôi được “bơm” các chất tạo nạc. Bà Trần Thị Hoa, người bán thịt heo ở chợ Búng, thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương), khẳng định bản thân bà cũng không thể nhìn ra miếng thịt nào có chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Theo bà Hoa, tâm lý người đi chợ thường chọn miếng thịt nhiều nạc, ít mỡ, nay nghe thông tin trên nên mua cũng dè chừng hơn.
Cùng tâm trạng với người đi chợ, các chủ trang trại chăn nuôi ở vùng Đông Nam bộ cũng đang “nhấp nhỏm” khi sản phẩm heo thịt có nguy cơ bị thị trường tẩy chay. Ông Nguyễn Quốc Thái, chủ trang trại chăn nuôi gia súc tại xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai), lo âu: “Đàn heo 300 con của tôi sắp đến ngày xuất chuồng, trong lúc lại có thông tin cơ quan chức năng của tỉnh vừa phát hiện, xử phạt một số trang trại sử dụng chất cấm trong nuôi heo. Kinh nghiệm cho thấy, mỗi khi có thông tin này là y rằng giá heo hơi sẽ giảm mạnh. Các cơ quan chức năng phải xử lý thật nặng những trường hợp vi phạm thì mới đủ sức răn đe và để người chăn nuôi chân chính được tồn tại”.
Theo ông Trần Phú Cường, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương, chất cấm trong thức ăn chăn nuôi gồm Salbutamol, Ractopamine và Clenbutrerol… có khả năng gây ảnh hưởng đến tim mạch của người tiêu dùng khi sử dụng trong thời gian dài (chất Salbutamol được sử dụng phổ biến nhất). Các chất này có tác dụng điều trị bệnh khi vật nuôi bị ho, hen suyễn và còn giúp làm tan mỡ vật nuôi, gây chứng nghiện ngủ, ăn nhiều, tăng trọng nhanh nên có người sử dụng nhằm giảm chi phí.
Vừa qua, Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương kiểm tra đột xuất 35 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phát hiện 2 trường hợp sử dụng chất Salbutamol tại phường Thái Hòa (thị xã Tân Uyên) và phường Tân An (TP Thủ Dầu Một). Cả 2 trường hợp này đã được cơ quan chức năng lập biên bản cấm xuất bán để kiểm tra nước tiểu của heo đến khi không còn phản ứng dương tính mới được đưa đi tiêu thụ.
Trong khi đó, tỉnh Đồng Nai - “thủ phủ” của ngành chăn nuôi cả nước, có hơn 2.100 trang trại nuôi heo, với khoảng 1,5 triệu con. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trong 7 tháng đầu năm 2015, Chi cục Thú y tỉnh đã kiểm tra 98 trang trại, phát hiện 17 trường hợp vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Chi cục đã xử phạt mỗi trường hợp vi phạm 15 triệu đồng và giữ heo từ 3 đến 10 ngày để lấy mẫu xét nghiệm lần 2.
Kiến nghị xử lý hình sự
Vào năm 2012, khi báo chí phản ánh người chăn nuôi sử dụng chất cấm (thuộc nhóm beta-agonist, hiện Bộ NN-PTNT cấm nhập, còn Bộ Y tế cho nhập để sản xuất dược phẩm), sự việc này đã gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cũng như cả nước khoảng 2.000 tỷ đồng. Do vậy, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo ngành thú y mỗi năm phải thường xuyên tổ chức kiểm tra. Chỉ tính riêng năm 2015, đợt 1 phát hiện 3/40 mẫu dương tính với chất cấm; đợt 2 phát hiện đến 14/44 mẫu dương tính với chất cấm.
Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, theo quy định hiện hành, những trường hợp vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính tối đa 15 triệu đồng/trường hợp nên không đủ sức răn đe. Vì thế, sắp tới sẽ kiến nghị chuyển sang xử lý hình sự; đồng thời rút giấy phép đối với trang trại lớn hoặc đình chỉ hoạt động đối với hộ gia đình nếu phát hiện vi phạm. Còn ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, đề xuất: “Các cơ quan chức năng phải gắt gao hơn để triệt tiêu hành vi này. Đối với thương lái, khi phát hiện vận chuyển heo có sử dụng chất cấm thì tiêu hủy luôn cả xe heo, còn với trang trại chăn nuôi phải rút giấy phép vĩnh viễn”.
Vì sức khỏe của người tiêu dùng và bảo vệ các hộ chăn nuôi chân chính, các cơ quan chức năng cần xử lý thật nghiêm với các vi phạm; truy tố các trường hợp cố tình vi phạm để giáo dục, răn đe.
UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản chi đạo Chi cục Thú y Đồng Nai tăng cường lấy mẫu kiểm tra, giám sát chất cấm tại các trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ… Sở NN-PTNT xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện “Tháng cao điểm kiểm tra, kiểm soát tình hình sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi”. Chi cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra lấy mẫu các sản phẩm nghi ngờ là chất cấm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Đồng thời tăng cường kiểm soát hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên thị trường. Công an tỉnh phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra; điều tra, truy xuất nguồn gốc các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Những trường hợp vi phạm sẽ được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. UBND tỉnh cũng đề nghị các cơ quan báo, đài tuyên truyền rộng rãi về tác hại của chất cấm để nâng cao nhận thức của người dân.
Có thể bạn quan tâm

Năm nay, con tôm thẻ chân trắng được mùa là do nhiều yếu tố, trong đó, nổi bật lên hai điểm. Thứ nhất là do năm nay hầu hết giống tôm thẻ đều là giống tốt, tôm bố mẹ sạch bệnh, khi tôm giống tốt sẽ quyết định thắng lợi đến trên 50%

Công dụng của ớt không chỉ làm gia vị cho ngon miệng. Theo một bài báo được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu ung thư, ớt có chứa một thành phần đó là chất capsaicin, có thể chống ung thư tiền liệt tuyến.
-6353519.jpg)
Mặc dù, khoai lang đang lâm vào cảnh “dội chợ” nhưng trong tuần qua nông dân ở Vĩnh Long (chủ yếu ở huyện Bình Tân) vẫn tiếp tục xuống giống thêm 33 ha vụ khoai mới, hy vọng vụ tới sẽ được mùa, được giá!

Về các vùng triều trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vào thời điểm này, không khí lao động tấp nập đang tràn ngập trên những khu ao, đầm nuôi tôm; sự háo hức, hiện rõ trên khuôn mặt của các chủ đầm đang chuẩn bị bước vào vụ nuôi mới.

Có thể nói thức ăn thủy sản Việt Nam đang nằm trong sự “thống trị” của các doanh nghiệp nước ngoài, khi nắm giữ tới 80% thị phần. Thức ăn cho tôm là sự “độc bá” gần như 100% của Uni-President, Grobest (Đài Loan), CP (Thái Lan), Tomboy (Pháp)…