Nếp Bè Chợ Gạo Mất Dần Thương Hiệu

Theo thời gian, thương hiệu "Nếp bè Chợ Gạo" đang dần mai một, có nguy cơ đánh mất thương hiệu sau bao công sức gây dựng.
Đây là một đặc sản của tỉnh Tiền Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH- CN) trao thương hiệu vào năm 2007.
SUY GIẢM DIỆN TÍCH
Nói đến những loại nếp ngon, rất nhiều người sẽ nghĩ ngày đến nếp bè của huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, bởi từ lâu nơi đây đã hình thành vùng chuyên canh trồng lúa nếp rộng lớn và mang một thương hiệu rất riêng, như là thứ đặc sản quý của địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích nếp bè trên địa bàn huyện Chợ Gạo không ngừng suy giảm.
Ông Trần Văn Hòa, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Gạo cho biết, nếp bè là một đặc sản được nhiều nông dân sản xuất đã vài chục năm nay. Tại thời điểm năm 2010, khi cả huyện có 10.000 ha lúa, thì đã có 3.800 ha nếp bè, tạo nên một vùng chuyên canh lúa nếp khá nhộn nhịp, đời sống nông dân nhờ đó khấm khá lên hẳn.
Thế nhưng, vài năm trở lại đây, giá nếp bè liên tục giảm mạnh từ 8.500 – 9.000 đ/kg năm 2010 xuống còn 4.200 – 4.500 đ/kg, chỉ ngang với lúa tẻ, khiến bà con trồng nếp điêu đứng. Sản xuất nếp bè không có lãi nên nhiều nông dân phải chuyển đổi diện tích canh tác nếp qua trồng các loại cây khác.
Hơn nữa, phong trào trồng thanh long trong tỉnh rất phát triển, lợi nhuận cây thanh long mang lại cao gấp nhiều lần so với làm lúa. Do đó để phát triển kinh tế gia đình, nhiều hộ nông dân đã quay lưng với nếp bè để theo đuổi cây thanh long.
Đề án chuyển đổi, phát triển 5.000 ha cây thanh long trên những diện tích lúa kém hiệu quả mà UBND huyện thông qua cũng làm cho diện tích chuyên canh nếp bè bị thu hẹp lại: Từ 3.800 ha năm 2010 xuống chỉ còn 1.800 ha năm 2014. “Cứ đà giá nếp giảm như hiện nay thì e rằng diện tích nếp bè trong huyện sẽ còn giảm mạnh nữa”, ông Hòa khẳng định.
TỪ HÒA TỚI LỖ
Vùng chuyên canh nếp bè của huyện Chợ Gạo tập trung ở các xã thuộc hệ thống sông Bảo Định. Trong những ngày này, trên nhiều cánh đồng nông dân đang tiến hành làm đất để tiến hành gieo cấy vụ thu đông 2014. Thế nhưng thay cho những nét mặt hồ hởi cho mùa vụ mới, chúng tôi lại thấy không khí trầm lắng, cùng với đó là tâm trạng không vui hiện lên trên khuôn mặt những nông dân đang gắn bó với cây trồng này.
Theo tìm hiểu của PV, quan điểm của UBND huyện Chợ Gạo là kiên quyết giữ lại diện tích nếp bè hiện có, dự kiến 1.500 – 1.800 ha. Cùng với đó, huyện sẽ tiến hành tổ chức lại các tổ hợp tác, HTX để sản xuất nếp có hiệu quả hơn.
Anh Nguyễn Văn Vinh, một nông dân sản xuất nếp bè ở xã Thanh Bình, Chợ Gạo cho biết, vụ thu đông này anh xuống giống gần 3.000 m2 nếp, tuy nhiên với giá chưa được 5.000 đ/kg như hiện nay thì chỉ hòa vốn, chả trông mong lời lãi.
Bởi theo anh Vinh thì với năng suất vụ thu đông chỉ rơi vào khoảng 6 -7 tấn nếp/ha thì với 3.000 m2 nếp hiện tại anh chỉ thu về chừng hơn 2 tấn, bán ra chỉ tầm 10 triệu đồng.
Trao đổi với PV, ông Lê Anh Thủy - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình cho biết, một năm người nông dân làm 3 vụ lúa nếp thì may ra có lãi ở vụ đông xuân, bởi dù giá nếp có xuống thấp nhưng bù lại năng suất lại cao, từ 8 - 9 tấn/ha.
Theo ông Thủy hoạch toán, với một ha lúa nếp hiện nay, người dân phải chi phí rất nhiều khâu như làm đất, bơm nước, giống, thuốc trừ sâu, phân bón, công chăm sóc, thu hoạch…, tính sơ sơ đã không dưới 17 triệu đồng/ha. Với vụ hè thu vừa qua, năng suất trung bình một ha nếp chỉ từ 4- 4,5 tấn, với giá bán 4.200 – 4.500 đ/kg thì người nông dân chắc chắn thua lỗ.
Thấy việc sản xuất lúa nếp gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế gia đình, UBND xã cùng khuyến nông đã nhiều lần họp dân, tham mưu cho bà con chuyển đổi sang trồng giống lúa thơm, với năng suất cao hơn nhưng đa số bà con nông dân không tán thành.
Theo bà con thì họ đã có thói quen canh tác nếp bè vài chục năm nay, đó là cây trồng truyền thống cũng như thương hiệu được khẳng định từ lâu, nên đa phần bà con thiết tha giữ lại đặc sản quê hương. Tuy nhiên, bài toán giá cả, lỗ lãi với nếp bè Chợ Gạo đang thực sự là vấn đề nan giải với chính quyền và người dân nơi đây.
Có thể bạn quan tâm

Như một cơ duyên, vùng đất Dốc Đá Trắng, thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) có địa chất, khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp với cây tỏi sẻ Lý Sơn nổi tiếng của Quảng Ngãi. Vài năm nay, những hộ dân mạnh dạn đầu tư trồng tỏi sẻ đã có những vụ mùa bội thu.

Chị Nguyễn Thị Mậu, xã viên HTX Tiền Lệ cho biết, từ Mùng 5 Tết, người dân bắt đầu thu hoạch rau đem bán nhưng phải từ Mùng 10 trở đi, lượng hàng bán ra mới nhiều. Hiện tại, mỗi ngày, gia đình chị Mậu thu hoạch được khoảng gần 100kg rau các loại. "Giá các loại rau ăn lá trung bình khoảng 10.000 - 13.000 đồng/kg, tương đương thời điểm áp Tết chứ không tăng đột biến" - chị Mậu cho biết.

Thấy dừa xiêm đỏ cho hiệu quả kinh tế cao, anh tiếp tục cải tạo, lên liếp số đất còn lại và trồng hết dừa xiêm đỏ. Tính đến nay, gần 1ha đất lúa của gia đình anh, được thay thế bằng vườn dừa xiêm đỏ. Cứ đến đợt thu hoạch là thương lái tìm đến tận nhà thu mua với giá luôn cao hơn so với những loại dừa khác.

Không nắm bắt nhu cầu thật sự, nên phần lớn nông dân trồng dưa hấu Tết hàng năm đều chủ yếu dựa theo sự phán đoán thị trường. Và mỗi Tết lại phập phồng lo sợ: dưa hấu thừa hàng dội chợ, giá cả rẻ bèo. Để rồi tết năm nay, không ít nông dân lẫn thương lái mất Tết vì thua lỗ nặng.

Những ngày giáp Tết Ất Mùi vừa qua, nhiều chủ ruộng dưa ở thị trấn Võ Xu (Đức Linh - Bình Thuận) ngậm ngùi bỏ lại ruộng dưa không thèm thu hoạch! Ngoài đồng dưa bỏ lăn lóc, bên vệ đường những điểm thu mua dưa chất đống như núi với giá 1.200 đồng/ký, chỉ bằng 1/10 của mùa dưa năm ngoái...