Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nếp Bè Chợ Gạo Mất Dần Thương Hiệu

Nếp Bè Chợ Gạo Mất Dần Thương Hiệu
Ngày đăng: 11/09/2014

Theo thời gian, thương hiệu "Nếp bè Chợ Gạo" đang dần mai một, có nguy cơ đánh mất thương hiệu sau bao công sức gây dựng.

Đây là một đặc sản của tỉnh Tiền Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH- CN) trao thương hiệu vào năm 2007.

SUY GIẢM DIỆN TÍCH

Nói đến những loại nếp ngon, rất nhiều người sẽ nghĩ ngày đến nếp bè của huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, bởi từ lâu nơi đây đã hình thành vùng chuyên canh trồng lúa nếp rộng lớn và mang một thương hiệu rất riêng, như là thứ đặc sản quý của địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích nếp bè trên địa bàn huyện Chợ Gạo không ngừng suy giảm.

Ông Trần Văn Hòa, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Gạo cho biết, nếp bè là một đặc sản được nhiều nông dân sản xuất đã vài chục năm nay. Tại thời điểm năm 2010, khi cả huyện có 10.000 ha lúa, thì đã có 3.800 ha nếp bè, tạo nên một vùng chuyên canh lúa nếp khá nhộn nhịp, đời sống nông dân nhờ đó khấm khá lên hẳn.

Thế nhưng, vài năm trở lại đây, giá nếp bè liên tục giảm mạnh từ 8.500 – 9.000 đ/kg năm 2010 xuống còn 4.200 – 4.500 đ/kg, chỉ ngang với lúa tẻ, khiến bà con trồng nếp điêu đứng. Sản xuất nếp bè không có lãi nên nhiều nông dân phải chuyển đổi diện tích canh tác nếp qua trồng các loại cây khác.

Hơn nữa, phong trào trồng thanh long trong tỉnh rất phát triển, lợi nhuận cây thanh long mang lại cao gấp nhiều lần so với làm lúa. Do đó để phát triển kinh tế gia đình, nhiều hộ nông dân đã quay lưng với nếp bè để theo đuổi cây thanh long.

Đề án chuyển đổi, phát triển 5.000 ha cây thanh long trên những diện tích lúa kém hiệu quả mà UBND huyện thông qua cũng làm cho diện tích chuyên canh nếp bè bị thu hẹp lại: Từ 3.800 ha năm 2010 xuống chỉ còn 1.800 ha năm 2014. “Cứ đà giá nếp giảm như hiện nay thì e rằng diện tích nếp bè trong huyện sẽ còn giảm mạnh nữa”, ông Hòa khẳng định.

TỪ HÒA TỚI LỖ

Vùng chuyên canh nếp bè của huyện Chợ Gạo tập trung ở các xã thuộc hệ thống sông Bảo Định. Trong những ngày này, trên nhiều cánh đồng nông dân đang tiến hành làm đất để tiến hành gieo cấy vụ thu đông 2014. Thế nhưng thay cho những nét mặt hồ hởi cho mùa vụ mới, chúng tôi lại thấy không khí trầm lắng, cùng với đó là tâm trạng không vui hiện lên trên khuôn mặt những nông dân đang gắn bó với cây trồng này.

Theo tìm hiểu của PV, quan điểm của UBND huyện Chợ Gạo là kiên quyết giữ lại diện tích nếp bè hiện có, dự kiến 1.500 – 1.800 ha. Cùng với đó, huyện sẽ tiến hành tổ chức lại các tổ hợp tác, HTX để sản xuất nếp có hiệu quả hơn.

Anh Nguyễn Văn Vinh, một nông dân sản xuất nếp bè ở xã Thanh Bình, Chợ Gạo cho biết, vụ thu đông này anh xuống giống gần 3.000 m2 nếp, tuy nhiên với giá chưa được 5.000 đ/kg như hiện nay thì chỉ hòa vốn, chả trông mong lời lãi.

Bởi theo anh Vinh thì với năng suất vụ thu đông chỉ rơi vào khoảng 6 -7 tấn nếp/ha thì với 3.000 m2 nếp hiện tại anh chỉ thu về chừng hơn 2 tấn, bán ra chỉ tầm 10 triệu đồng.

Trao đổi với PV, ông Lê Anh Thủy - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình cho biết, một năm người nông dân làm 3 vụ lúa nếp thì may ra có lãi ở vụ đông xuân, bởi dù giá nếp có xuống thấp nhưng bù lại năng suất lại cao, từ 8 - 9 tấn/ha.

Theo ông Thủy hoạch toán, với một ha lúa nếp hiện nay, người dân phải chi phí rất nhiều khâu như làm đất, bơm nước, giống, thuốc trừ sâu, phân bón, công chăm sóc, thu hoạch…, tính sơ sơ đã không dưới 17 triệu đồng/ha. Với vụ hè thu vừa qua, năng suất trung bình một ha nếp chỉ từ 4- 4,5 tấn, với giá bán 4.200 – 4.500 đ/kg thì người nông dân chắc chắn thua lỗ.

Thấy việc sản xuất lúa nếp gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế gia đình, UBND xã cùng khuyến nông đã nhiều lần họp dân, tham mưu cho bà con chuyển đổi sang trồng giống lúa thơm, với năng suất cao hơn nhưng đa số bà con nông dân không tán thành.

Theo bà con thì họ đã có thói quen canh tác nếp bè vài chục năm nay, đó là cây trồng truyền thống cũng như thương hiệu được khẳng định từ lâu, nên đa phần bà con thiết tha giữ lại đặc sản quê hương. Tuy nhiên, bài toán giá cả, lỗ lãi với nếp bè Chợ Gạo đang thực sự là vấn đề nan giải với chính quyền và người dân nơi đây.


Có thể bạn quan tâm

Đặc sản ở Viễn Sơn (Yên Bái) Đặc sản ở Viễn Sơn (Yên Bái)

Xã Viễn Sơn (Yên Bái) có diện tích trồng quế lớn nhất, nhì huyện Văn Yên. Cây quế góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp người dân vươn lên làm giàu. đồng bào Dao nơi đây coi cây quế như một sản vật truyền thống.

18/08/2015
Được giá, được mùa bí xanh trái vụ Được giá, được mùa bí xanh trái vụ

Bà con nông dân xã Bảo Hiệu (Yên Thuỷ - Hòa Bình) đang thu hoạch bí xanh – một trong những cây họ bầu bí giảm nghèo chủ lực trên vùng đất còn nhiều khó khăn này. Thông thường mọi năm, các hộ chỉ trồng bí vụ đông xuân. Tuy nhiên, gần đây, cây bí xanh được bà con trồng tăng vụ ở vụ hè thu. Đáng mừng là nỗ lực chuyển đổi của bà con đã được bù đắp xứng đáng nhờ bí xanh trái vụ được giá, được mùa. Mới có ít ngày thu hoạch thời điểm trung tuần tháng 8 đã mang về hàng chục triệu đồng cho các hộ, cá biệt có hộ thu trên, dưới 100 triệu đồng.

18/08/2015
Trồng cây địa liền ở thôn Nam Hả Trong (Ba Chẽ - Quảng Ninh) Trồng cây địa liền ở thôn Nam Hả Trong (Ba Chẽ - Quảng Ninh)

Nam Hả Trong là thôn có nhiều hộ trồng địa liền của xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh). Kinh tế chủ lực của thôn là phát triển lâm nghiệp, nhưng luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu đất rừng, đã buộc xã Nam Sơn phải có phương án làm sao trên cùng một diện tích đất có thể thu được nhiều nguồn lợi. Một trong những nguồn lợi ấy là trồng cây địa liền xen kẽ trên các diện tích trồng keo.

18/08/2015
Hàng ngàn ha mì bị thiệt hại Hàng ngàn ha mì bị thiệt hại

Trên địa bàn huyện chỉ mới xuất hiện những cơn mưa dông đầu mùa, đất chưa đủ độ ẩm nhưng nhiều người dân huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã ồ ạt xuống giống một số cây trồng vụ mùa; trong đó chủ yếu là cây mì, sau đó gặp nắng nóng kéo dài đã làm cho hàng ngàn ha mì chết và chậm phát triển vì thiếu nước. Những ngày qua, trên địa bàn huyện bắt đầu có mưa, phần nào giải cơn khát cho cây trồng thì cũng là điều kiện cho các dịch bệnh gây hại cây trồng xuất hiện.

18/08/2015
Diện tích mía nguyên liệu giảm trên 600 ha Diện tích mía nguyên liệu giảm trên 600 ha

Ông Hồ Thành Phi, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cho biết: Do hiệu quả kinh tế cây mía thấp, Công ty cổ phần đường Bình Định (BISUCO) thiếu quyết tâm đầu tư nên nông dân trong vùng nguyên liệu mía của huyện đã phá bỏ mía chuyển sang trồng các loại cây trồng khác, khiến cho diện tích mía nguyên liệu bị giảm mạnh.

18/08/2015