Năng Suất Lạc Đông Giảm

Những ruộng lạc đã đến kỳ thu hoạch ở xã Diễn Thịnh - vùng trồng lạc tập trung của huyện Diễn Châu (Nghệ An) phủ một màu đen héo úa. Vào vụ thu hoạch, nhưng nông dân không phấn khởi vì lạc bị giảm năng suất so với mọi năm...
Chị Hoàng Thị Hoa (xóm 3, Diễn Thịnh) chán nản: “Mọi năm, trên cánh đồng màu này chúng tôi chủ yếu trồng rau. Năm nay, thấy bà con trong xã trồng lạc đông nên gia đình gieo trỉa 10 thước lạc sen để làm giống cho vụ xuân. Lạc vừa trỉa xuống được một thời gian thì gặp mưa, đến thời kỳ lạc ra hoa, đâm tia, làm củ lại phải hứng chịu mưa lớn kéo dài.
Cây lạc héo rũ, lá xạm đen. Hơn 10 thước lạc nhưng chỉ thu về được 4 bì lạc tươi, lạc lại không chắc đẹp như bình thường. Dự định trồng chừng này lạc đông để khỏi mua giống cho vụ xuân nhưng tình hình này thì gia đình phải mua thêm...”.
Năm nay, toàn xã Diễn Thịnh gieo trỉa 51,7 ha lạc đông, tăng 20ha so với năm ngoái. Ông Cao Hiếu, Chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh cho biết: “Toàn bộ diện tích cây vụ đông đều gặp khó khăn do mưa nhiều. Hệ thống tiêu thoát vùng màu ở Diễn Thịnh cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhưng khi nước triều cường lên, lượng mưa dồn dập không tiêu thoát kịp, nhiều diện tích lạc đông đã bị ngập 2- 3 ngày khiến rễ bị úng, ảnh hưởng đến sự phát triển của củ.
Theo thống kê của xã, qua các đợt mưa, Diễn Thịnh đã có 6,2ha lạc đông ở những diện tích trũng bị mất trắng, 45ha mất khoảng 50%. Do đó, nếu bình thường năng suất lạc đông ở Diễn Thịnh đạt 120kg/sào thì vụ đông năm nay, ước chỉ đạt trên 70 kg/sào”.
Tại Diễn Hoàng, một địa phương có diện tích lạc đông lớn của huyện Diễn Châu với trên 100 ha, vụ đông năm nay tình hình cũng không khá hơn. Ông Hồ Kim Cúc - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Được gieo trỉa từ cuối tháng 8, đầu tháng 9, lạc vừa gieo xong chưa kịp lên đã gặp mưa, mầm bị thối không khắc phục được, toàn xã thiệt hại trên 30ha, do đó diện tích lạc đông của Diễn Hoàng chỉ còn 70ha.
Không chỉ sụt giảm về diện tích, do mưa quá nhiều trong suốt thời điểm sinh trưởng và phát triển nên năng suất lạc đông năm nay của xã chỉ đạt khoảng 75 - 80 kg/sào, trong khi mọi năm năng suất bình quân luôn đạt từ 120- 130 kg/sào. Do đó, nếu bình thường Diễn Hoàng là điểm cung ứng giống lạc vụ xuân cho rất nhiều địa phương trong tỉnh thì năm nay, khả năng chúng tôi sẽ phải mua thêm lạc giống.
Là địa phương trọng điểm của tỉnh về trồng lạc, nên từ nhiều năm nay, đây là một trong những loại cây trồng chính trong vụ đông ở Diễn Châu, vừa để làm giống cho vụ xuân, vừa cung ứng cho các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Ông Lê Xuân Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Vụ đông năm nay, huyện Diễn Châu gieo trỉa được trên 400 ha lạc/kế hoạch của huyện là 600 ha. Diện tích lạc tập trung ở các xã Diễn Hoàng, Diễn Hùng, Diễn Kỷ, Diễn Thịnh… Giống lạc chủ yếu là L14, L20, sen lai, LX6… Xác định vụ đông là vụ sản xuất luôn phải đối mặt với rủi ro về thời tiết nên ngay từ đầu vụ, huyện đã tập trung chỉ đạo các địa phương nghiêm chỉnh chấp hành đúng lịch thời vụ, đồng thời phủ nilon gần như toàn bộ 100% diện tích.
Tuy nhiên, vụ đông năm nay, lượng mưa quá nhiều, vừa dồn dập vừa kéo dài trong nhiều đợt nên ảnh hưởng đến năng suất. Dự kiến trong vòng một tuần nữa Diễn Châu sẽ thu hoạch xong lạc đông để chuẩn bị làm đất sản xuất vụ xuân. Tùy thuộc vào từng chân đất, năng suất lạc có thể dao động khác nhau, ở những vùng có chân đất cao hơn như Diễn Hùng, năng suất lạc đông có thể đạt trên 1 tạ/sào, nhưng ở những chân đất thấp, bà con chỉ thu về khoảng 40- 50 kg/sào, thậm chí nhiều vùng thấp trũng ở Diễn Tân, Diễn Thịnh… bị mất trắng. Theo dự ước, lạc đông toàn huyện Diễn Châu năm nay sẽ giảm khoảng 30% năng suất so với mọi năm, bình quân đạt khoảng 70- 80kg/sào, nghĩa là 14- 16 tạ/ha.
Theo khẳng định của bà Hoàng Thị Hương (Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu), thì dù năng suất bị giảm so với mọi năm, nhưng lạc đông vẫn là loại cây trồng hiệu quả và an toàn đối với điều kiện thời tiết bất lợi của vụ đông. Vụ đông năm nay, lạc chỉ bị giảm năng suất trong khi rất nhiều diện tích ngô, rau màu mất trắng. Giá bán lạc giống vụ đông cũng cao, thường dao động ở mức 35- 40 nghìn đồng/kg, gần gấp đôi so với lạc thường.
Có thể bạn quan tâm

Những ngày qua, giá cá tra ở Đồng Tháp nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng mạnh. Song, thay vì phấn khởi, vui mừng, nông dân lại thấy lo bởi nhiều khả năng đây chỉ là cơn “sốt giá ảo”.

Những năm gần đây, phong trào nuôi cá nước ngọt nhằm tăng thu nhập đã được nông dân Bến Tre ứng dụng rộng rãi. Tùy theo điều kiện đất đai, môi trường nước và nguồn vốn, nông dân đã chọn nuôi những đối tượng khác nhau, trong đó, con cá sặc rằn được nuôi phổ biến ở vùng Lạc địa, thuộc xã Phú Lễ, huyện Ba Tri.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tây Ninh cho biết, đã xác định được nguyên nhân làm hàng ngàn con cá nuôi bè bị các vết lở loét.

Ông Nguyễn Văn Hơn cư ngụ ở ấp Đồng Lớn 2, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu thực hiện mô hình trồng bông súng kết hợp nuôi cá trên diện tích 14 công tầm cấy (1,82 ha) đã 3 năm nay, cho hiệu quả rất cao.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, do giá các sản phẩm chăn nuôi thường xuyên bán dưới giá thành nên trong vòng hai năm qua người chăn nuôi đã lỗ 27.000 tỷ đồng.