Năng Suất Cây Trồng Vụ Mùa Đạt Cao

Vụ mùa 2014, toàn tỉnh đã gieo trồng được 196.219 ha cây trồng các loại, đạt 99% kế hoạch và vượt 2% so với cùng kỳ năm trước. Các loại cây trồng chủ lực như lúa nước, đậu các loại, mì trồng mới đều đạt và vượt kế hoạch.
Hiện nay, nông dân các địa phương đang khẩn trương thu hoạch các loại cây trồng và chuẩn bị các điều kiện để sản xuất vụ Đông Xuân 2014-2015. Qua thu hoạch, năng suất cây trồng vụ mùa đều tăng so với năm ngoái. Cụ thể, năng suất lúa nước bình quân ước đạt 47,1 tạ/ha, lúa rẫy 14,3 tạ/ha, bắp đạt 41,4 tạ/ha…
Sản lượng ước đạt 195.400 tấn. Tổng sản lượng lương thực trong vụ sản xuất ước đạt 397.933 tấn. Cùng với đó, năng suất cà phê dự kiến đạt 25,4 tạ/ha, hồ tiêu ước đạt 41,9 tạ/ha… Đây được xem là một trong những vụ mùa thành công khi cây trồng không bị thiệt hại nhiều do thiên tai gây ra.
Để có được những kết quả trên, ngành Nông nghiệp và PTNT phối hợp với chính quyền các địa phương xây dựng lịch thời vụ sản xuất sát với thực tế của từng khu vực.
Công tác dự báo thời tiết về tình hình sâu bệnh gây hại được triển khai khá chặt chẽ. Điều đáng mừng là trên địa bàn không xuất hiện sâu bệnh gây hại lớn làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Trên địa bàn tỉnh không xảy ra mưa bão gây ngập úng làm giảm năng suất cây trồng.
Thay vào đó là những cơn mưa muộn nhưng rải đều đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loại cây trồng sinh trưởng phát triển tốt. Ông Phạm Văn Tân (thôn Tân Điệp 1, xã Ia Ke, huyện Phú Thiện) cho biết: Vụ mùa năm nay năng suất cao hơn so với những năm trước. Kết quả này là nhờ cây lúa không bị ngập úng. Bên cạnh đó, gia đình đã mạnh dạn đầu tư, sử dụng giống lúa năng suất cao góp phần mang lại hiệu quả kinh tế.
Ông Lê Tấn Hùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa cho hay: “Nhờ thời tiết thuận lợi nên cây trồng sinh trưởng phát triển tốt. Bên cạnh đó, nông dân sử dụng các giống lúa nước như TH85; KD18, DV108, HT1… vốn tìm được chỗ đứng từ nhiều năm qua.
Đặc biệt, người dân chủ động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất các loại cây trồng đều tăng. Ước tính, năng suất lúa nước đạt 43,5 tạ/ha, tăng 3,5 tạ/ha so với vụ mùa 2013; cà phê ước đạt 27,5 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha…”.
Đánh giá kết quả đạt được trong vụ mùa năm nay, ông Lê Văn Lịnh-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định: “Ngoài yếu tố thời tiết thuận lợi, ngành Nông nghiệp và PTNT đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp với tình hình sản xuất vụ mùa.
Ngay từ đầu vụ, Sở đã chủ động xây dựng lịch thời vụ gieo trồng sát với điều kiện thực tế của từng vùng, địa phương. Các địa phương vận động nông dân chủ động xuống giống sớm hơn mọi năm nhằm tránh bị ngập úng do mưa lũ gây ra vào cuối vụ thu hoạch.
Bên cạnh đó là khuyến cáo người dân sử dụng những giống lúa, bắp, mì… thuần chủng đã qua nhiều năm sử dụng phù hợp với từng chân đất. Những vùng thường xuyên thiếu nước tưới, nông dân đã mạnh dạn chuyển sang trồng các loại cây phù hợp. Đặc biệt, giá cả vật tư đầu vào và một số mặt hàng nông sản ổn định giúp nông dân đầu tư sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Nguồn bài viết: http://baogialai.com.vn/channel/722/201411/nang-suat-cay-trong-vu-mua-dat-cao-2353855/
Có thể bạn quan tâm

Sáng 1-11, Hiệp hội Cà-phê - Ca-cao Việt Nam (Vicofa) cho biết: Chín tháng đầu năm 2013, cả nước xuất khẩu được khoảng 1.003.526 tấn cà-phê với kim ngạch đạt hơn 2,211 tỷ USD, giảm 23,1% về khối lượng và 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012.

Cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, khuyến nông phải có mặt tại từng địa bàn phối hợp kiểm tra công tác chuẩn bị giống, các giải pháp kỹ thuật sản xuất trước thời điểm gieo sạ, kiên quyết chỉ đạo đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống và mật độ gieo sạ theo quy định…

Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp– PTNT, Vũng Liêm (Vĩnh Long) là huyện đứng đầu về cơ giới hóa trong nông nghiệp. Hiện toàn huyện có 304 máy gặt đập liên hợp, 66 máy gặt xếp dãy, 770 máy cày- xới, trên 5.700 máy bơm nước, máy sạ hàng,… đảm bảo cơ giới hóa trong sản xuất lúa đạt 100% khâu làm đất, 95% khâu thu hoạch.

Trong vài năm trở lại đây, trước thực trạng nhiều diện tích cà phê già cỗi, đạt năng suất thấp do sử dụng các loại giống kém chất lượng, xã Tân Thành (Krông Nô - Đắk Nông) đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện tái canh, “trẻ hóa” vườn cà phê bằng phương pháp ghép chồi.

Quê ở Bến Tre - vùng đất có nhiều loại trái cây nổi tiếng, đến vùng đất mới xã Thuận Phú (Đồng Phú - Bình Phước) lập nghiệp, bốn anh em nhà ông Võ Xuân Sơn đem theo hành trang quý giá là 2 cây bưởi da xanh. Để rồi hôm nay, anh em ông Sơn trở thành triệu phú từ 2 cây bưởi da xanh ấy.