Năng Suất Cao, Thu Nhập Thấp

Năng suất nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam nói chung, Quảng Ngãi nói riêng cao nhất nhì thế giới nhưng thu nhập của nông dân lại xếp ở hàng áp út. Nghịch lý này đã tồn tại từ lâu nhưng đến giờ, lời giải vẫn còn bỏ ngỏ…
Việt Nam có 7 sản phẩm nông sản (tiêu, cà phê, điều, gạo, cao su, thủy sản, trà) và 12 loại cây, con có năng suất cao đứng vào top đầu của thế giới. Với những kết quả ấy, lẽ ra nông dân Việt Nam phải giàu, thế nhưng, họ lại là những người có mức thu nhập thấp, cuộc sống bấp bênh...
“Nuôi” trung gian
“Muốn bán bắp, lúa hay heo, bò, gà, vịt…là tôi kêu bạn hàng, thương lái. Họ mua giá nào, tôi bán giá ấy. Nhiều khi xem ti vi, đọc báo thấy giá heo hơi 47.000-48.000 đồng/kg nhưng thương lái vẫn trả 42.000-44.000 đồng/kg thôi. Hỏi thì họ bảo: “Báo, đài khác, mua bán khác”.
Ấm ức lắm nhưng tôi cũng đành chịu. Bởi, không bán cho họ, cũng chẳng biết bán cho ai”, bà Trần Thị Hái, ngụ thôn Xuân Đình, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) cho hay. Hẳn thế mà dù xuất một, hay đàn heo thịt cả chục con, bà Hái cũng chỉ biết trông cậy vào các thương lái trong xã. Giả như gọi “mối” khác thì hoặc không bán được, hoặc bán với giá thấp...
Cùng cảnh ngộ trên, những người trồng nấm cũng đau đầu với chuyện bán sản phẩm. Lý do, nấm là mặt hàng tươi nên hái đâu bán đó. “Hôm nào nhiều, cân sỉ cho bạn hàng giá 65.000 - 70.000 đồng/kg, còn chịu khó mang ra chợ bán thì được 75.000 - 80.000 đồng/kg.
Giá cao hơn nhưng lỡ chợ ế, càng khổ”, ông Hồ Cường, thôn Phước Toàn, xã Đức Hòa (Mộ Đức) chia sẻ. Ấy nên dù “mát tay” trồng nấm với năng suất rất cao, nhưng lợi nhuận thực tế của những nông dân như ông Cường thường thấp. Lý do, họ phải mất một khoản không nhỏ để “nuôi” thương lái.
Chính vì vậy, mà dù có hơn 4,8 triệu con gia súc gia cầm, hơn 467 nghìn tấn lương thực/năm, rồi hơn 140,8 nghìn tấn thủy sản/năm (năm 2013)… nhưng thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân Quảng Ngãi vẫn ở mức trung bình và thấp.
Nghịch lý này là do nông dân bị động, chậm hoặc không nắm bắt thông tin giá cả thị trường nông sản. Nhưng cốt lõi là thiếu những đơn vị chính quy đứng ra thu mua sản phẩm.
Vì thiếu nên nông dân phải tự tìm thương lái, đầu nậu và xem họ như là những cái phao cứu sinh cho sản phẩm nông sản của mình. Điều này càng giúp thương lái ép giá, đầu nậu làm eo và khuynh đảo thị trường nông sản như lâu nay.
Đột phá với “5 đầu vào, 6 đầu ra”
Ngoài ra, nguyên nhân khiến nông dân trong tỉnh lao đao là do quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm. Có điều vì sao cái sự manh mún, nhỏ lẻ ấy vẫn cứ tồn tại, trong khi Nhà nước không thiếu chính sách hỗ trợ người dân mở rộng quy mô sản xuất. Phải chăng vì chính sách có, nhưng việc tiếp cận quá khó khăn đã khiến bà con nản. Đơn cử như việc phát triển sản xuất theo hướng trang trại.
Để được thụ hưởng vốn vay ưu đãi (theo Nghị định 41), mô hình sản xuất phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn để được công nhận trang trại. Từ diện tích, quy mô đến con số lợi nhuận, khiến nông dân ngán ngẩm. Bởi, “vốn ban đầu ít thì lấy gì để tăng đàn, đạt lợi nhuận vài trăm đến cả tỷ đồng?”.
Chủ trại gà 2.000 con Vũ Hoàng Linh, ngụ thôn Dương Quang, xã Đức Thắng (Mộ Đức) đặt câu hỏi. Thế nên, theo anh Linh, muốn nông dân mạnh dạn “làm ăn lớn”, ngành chức năng cần linh động trong việc thực thi chính sách hỗ trợ; đặc biệt là lúc họ bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh.
Chia sẻ với nông dân tại diễn đàn kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII vừa qua, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân đề xuất 2 giải pháp quy hoạch, 6 giải pháp đầu ra và 5 giải pháp đầu vào nhằm tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Trong đó, chú trọng quy hoạch cây con mà Việt Nam có lợi thế so sánh kép, nội địa hóa đầu vào các sản phẩm cung cấp cho nông nghiệp, hỗ trợ phát triển hệ thống kho lưu trữ ở các vùng, kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm nông nghiệp; đồng thời phải có đơn vị chuyên tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh việc bảo vệ và nhân giống cây trồng chất lượng cao.
Liên quan đến vấn đề này, trong cuộc họp thông qua Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh vào giữa tháng 5 vừa qua, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Thích cũng yêu cầu các ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp.
Trong đó chú trọng việc dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cây - con theo hướng tập trung, phù hợp yêu cầu thị trường; đồng thời xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp...
Hy vọng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp bộ ngành từ Trung ương đến địa phương, nông dân Việt Nam nói chung, Quảng Ngãi nói riêng sẽ có nguồn thu nhập tương xứng với năng suất và sản phẩm nông sản do họ đổ công sức làm ra.
Có thể bạn quan tâm

Làm thế nào để người dân nâng cao hiệu quả và năng suất, thúc đẩy phát triển ngành nuôi trồng thủy sản (ntts) tỉnh - đó là trăn trở của các cán bộ chuyên trách địa phương và của các chuyên gia lâu năm trong ngành ntts.

Vốn đầu tư thấp, tôm nuôi ít phát sinh dịch bệnh, phá thế độc canh cây lúa, tăng thu nhập trên cùng một diện tích canh tác… là những lợi ích mang lại từ mô hình lúa - tôm kết hợp. Việc nhân rộng mô hình này đã giúp nông dân trong vùng chuyển đổi ổn định cuộc sống.
Trận mưa lụt lịch sử diễn ra trong nhiều ngày qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng tới ngành nuôi trồng thuỷ sản của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh). Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện, đến thời điểm này, huyện Vân Đồn bị thiệt hại 871 lồng bè nuôi hầu, 384 ô lồng cá, 110 hộ nuôi ốc, hơn 60ha nuôi cá nước ngọt... tổng diện tích khoảng 300ha, chiếm 30% diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn huyện.

Việc thịt gà nhập ngoại tràn ngập thị trường đã gióng lên hồi chuông báo động với ngành chăn nuôi Việt Nam. Nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời, chăn nuôi gia cầm trong nước sẽ không có “cửa” phát triển.

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận vừa phê duyệt quy hoạch đồng cỏ và vùng chăn nuôi gia súc có sừng đến năm 2020.