Nâng Cao Nhận Thức Cho Nông Dân Về Sử Dụng Phân Bón

Gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn ở thôn 3, xã Tâm Thắng (Chư Jút) nhờ nhiệt tình tham gia các lớp tập huấn của ngành nông nghiệp tổ chức mà đã nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, đem lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng một đơn vị diện tích.
Theo đó, với 1 sào đất trồng các loại rau màu, trước đây, ông thường phải mất đến vài chục triệu đồng để mua các loại phân bón mỗi năm thì nay chi phí đã giảm đi gần một nửa. Nhưng ngược lại, lợi nhuận lại tăng lên, sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Theo ông Tuấn thì mấu chốt của vấn đề là gia đình đã biết sử dụng hợp lý các loại phân bón cho hoa màu, rau xanh. Đó là những loại phân bón có đặc điểm mau tan, cây dễ hấp thụ. Bên cạnh đó, ông chú trọng dùng các loại phân hữu cơ được ủ hoai mục từ các phụ phẩm nông nghiệp như vỏ cà phê, thân cây ngô, rơm rạ, phân bò…
Ông Tuấn cho biết thêm: “Nhờ sử dụng cân đối các loại phân bón mà những năm gần đây, đất đai ngày càng tơi xốp, mùn nhiều nên khi trồng rau thì rất dễ phát triển, ít sâu bệnh. Hàng năm, tôi cũng có thu nhập trên dưới 100 triệu đồng”.
Tương tự, gia đình anh Võ Văn Nhu ở thôn Thuận Nam, xã Thuận An (Đắk Mil) hiện có hơn 2 ha cà phê kinh doanh với sản lượng đạt được từ 6-7 tấn. Anh Nhu cho biết, việc sử dụng phân bón đúng cách có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng đến tăng hay giảm năng suất của các loại cây công nghiệp, nhất là đối với cà phê.
Theo đó, tùy vào tình hình phát triển, sinh trưởng của cây mà anh có sự lựa chọn loại phân, liều lượng và thời điểm bón. Trong mùa mưa, anh luôn chú trọng đến việc đảm bảo tỷ lệ các loại phân cân đối.
Theo ông Nguyễn Bá Quý, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Đắk Mil nhấn mạnh: “Ngành nông nghiệp, các đoàn thể, hội đang đẩy mạnh hướng dẫn bà con tuân thủ tốt những nguyên tắc 5 đúng, 1 cân đối gồm: đúng loại phân, đúng lúc, đúng đối tượng, đúng thời tiết và mùa vụ, đúng cách, bón cân đối. Chính vì thế, năng suất cà phê trung bình luôn đạt ở mức 3- 3,5 tấn/ ha cũng như góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường”.
Theo Sở Nông nghiệp - PTNT thì Đắk Nông có diện tích canh tác cây công nghiệp lớn nên hàng năm có hàng trăm ngàn tấn phân bón các loại được sử dụng. Nếu không được bón đúng cách thì không những gây hại cho cây trồng mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường.
Cùng với nâng cao hiểu biết cho nông dân thông qua các buổi tập huấn, hội thảo thì ngành nông nghiệp cũng đang tăng cường việc thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh, sản xuất phân bón, tiến hành xử phạt hành chính những đơn vị để xảy ra vi phạm, đảm bảo cung ứng cho nông dân những sản phẩm có chất lượng.
Công tác nâng cao năng lực cho đội ngũ khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông cơ sở cũng đang được ngành chức năng chú trọng nhằm đưa ra những khuyến cáo, hướng dẫn cụ thể việc sử dụng các loại phân bón cho cây trồng theo từng mùa, từng vùng khác nhau đối với nhà nông.
Để mua được đúng chủng loại và chất lượng các loại phân, nông dân nên chọn mua sản phẩm của các công ty lớn, có uy tín trên thị trường, mua tại các đại lý bán hàng chính thức của các công ty đó. Khi mua bà con nên lấy hóa đơn hoặc giấy biên nhận để có bằng chứng về sau này. Trường hợp phát hiện ra phân bón giả, báo ngay với chính quyền, cơ quan chuyên môn để kịp thời giải quyết.
Có thể bạn quan tâm

Với vai trò là đơn vị chuyển giao, tư vấn khoa học - kỹ thuật đến với bà con nông dân, vào ngày 19/6, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Cà Mau phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau tổ chức thực hiện cuộc toạ đàm trực tiếp trên sóng phát thanh - truyền hình “Bàn chuyện nhà nông” với chủ đề “Thâm canh lúa hè thu” nhằm giúp nông dân giao lưu, trao đổi ý kiến nắm bắt các tiến bộ kỹ thuật, giải quyết những vấn đề khó khăn phát sinh trong quá trình sản xuất và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Sau nhiều vụ nuôi tôm sú thất bại, Võ Văn Sóng ngụ ở ấp Cồn Cù, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đã quyết định đưa con sò huyết vào nuôi ngay trên diện tích ao nuôi tôm sú và đã thu được kết quả cao. Anh là người đầu tiên ở địa phương nuôi thử nghiệm thành công mô hình này.

Từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng trái cây chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long được mùa, được giá, nhiều nông hộ đạt thu nhập cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa năng suất cao.

Hiện hàng chục hộ nông dân ở xã Đông đang khóc dở, mếu dở khi đã trồng giống bắp NK67, là sản phẩm mới của Công ty Syngenta, do Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang phân phối. Tưởng chừng như được vụ mùa thắng lợi nhờ thời tiết thuận lợi, nhưng chưa kịp vui mừng thì hàng chục ha bắp khi đến giai đoạn trổ cờ có dấu hiệu bị hư hỏng và đến nay coi như là mất trắng

Nhiều năm nay, nền kinh tế nước ta đã nhận được nhiều lời khen. Nào là có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực; xuất khẩu liên tục tăng trưởng; đầu tư nước ngoài đạt những con số kỷ lục...