Nâng Cao Nhận Thức Cho Nông Dân Về Sử Dụng Phân Bón

Gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn ở thôn 3, xã Tâm Thắng (Chư Jút) nhờ nhiệt tình tham gia các lớp tập huấn của ngành nông nghiệp tổ chức mà đã nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, đem lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng một đơn vị diện tích.
Theo đó, với 1 sào đất trồng các loại rau màu, trước đây, ông thường phải mất đến vài chục triệu đồng để mua các loại phân bón mỗi năm thì nay chi phí đã giảm đi gần một nửa. Nhưng ngược lại, lợi nhuận lại tăng lên, sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Theo ông Tuấn thì mấu chốt của vấn đề là gia đình đã biết sử dụng hợp lý các loại phân bón cho hoa màu, rau xanh. Đó là những loại phân bón có đặc điểm mau tan, cây dễ hấp thụ. Bên cạnh đó, ông chú trọng dùng các loại phân hữu cơ được ủ hoai mục từ các phụ phẩm nông nghiệp như vỏ cà phê, thân cây ngô, rơm rạ, phân bò…
Ông Tuấn cho biết thêm: “Nhờ sử dụng cân đối các loại phân bón mà những năm gần đây, đất đai ngày càng tơi xốp, mùn nhiều nên khi trồng rau thì rất dễ phát triển, ít sâu bệnh. Hàng năm, tôi cũng có thu nhập trên dưới 100 triệu đồng”.
Tương tự, gia đình anh Võ Văn Nhu ở thôn Thuận Nam, xã Thuận An (Đắk Mil) hiện có hơn 2 ha cà phê kinh doanh với sản lượng đạt được từ 6-7 tấn. Anh Nhu cho biết, việc sử dụng phân bón đúng cách có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng đến tăng hay giảm năng suất của các loại cây công nghiệp, nhất là đối với cà phê.
Theo đó, tùy vào tình hình phát triển, sinh trưởng của cây mà anh có sự lựa chọn loại phân, liều lượng và thời điểm bón. Trong mùa mưa, anh luôn chú trọng đến việc đảm bảo tỷ lệ các loại phân cân đối.
Theo ông Nguyễn Bá Quý, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Đắk Mil nhấn mạnh: “Ngành nông nghiệp, các đoàn thể, hội đang đẩy mạnh hướng dẫn bà con tuân thủ tốt những nguyên tắc 5 đúng, 1 cân đối gồm: đúng loại phân, đúng lúc, đúng đối tượng, đúng thời tiết và mùa vụ, đúng cách, bón cân đối. Chính vì thế, năng suất cà phê trung bình luôn đạt ở mức 3- 3,5 tấn/ ha cũng như góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường”.
Theo Sở Nông nghiệp - PTNT thì Đắk Nông có diện tích canh tác cây công nghiệp lớn nên hàng năm có hàng trăm ngàn tấn phân bón các loại được sử dụng. Nếu không được bón đúng cách thì không những gây hại cho cây trồng mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường.
Cùng với nâng cao hiểu biết cho nông dân thông qua các buổi tập huấn, hội thảo thì ngành nông nghiệp cũng đang tăng cường việc thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh, sản xuất phân bón, tiến hành xử phạt hành chính những đơn vị để xảy ra vi phạm, đảm bảo cung ứng cho nông dân những sản phẩm có chất lượng.
Công tác nâng cao năng lực cho đội ngũ khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông cơ sở cũng đang được ngành chức năng chú trọng nhằm đưa ra những khuyến cáo, hướng dẫn cụ thể việc sử dụng các loại phân bón cho cây trồng theo từng mùa, từng vùng khác nhau đối với nhà nông.
Để mua được đúng chủng loại và chất lượng các loại phân, nông dân nên chọn mua sản phẩm của các công ty lớn, có uy tín trên thị trường, mua tại các đại lý bán hàng chính thức của các công ty đó. Khi mua bà con nên lấy hóa đơn hoặc giấy biên nhận để có bằng chứng về sau này. Trường hợp phát hiện ra phân bón giả, báo ngay với chính quyền, cơ quan chuyên môn để kịp thời giải quyết.
Có thể bạn quan tâm

Có những làng chài các thế hệ nối tiếp nhau đi biển, gắn chặt cuộc đời mình với những dập dềnh của sóng, mặn mòi của biển và cả những cơ cực, hiểm nguy khi vươn khơi giữa đại dương mênh mông.

Do phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, tiết giảm chi phí sản xuất, hiệu quả kinh tế cao nên những năm gần đây, mô hình kết hợp tôm - lúa phát triển khá mạnh tại các tỉnh, thành ven biển vùng ĐBSCL.

Cả gan đi đầu và làm lớn, nhưng ông Bùi Ngọc Liêm lại chưa từng nếm mùi thất bại trong sản xuất- kinh doanh. Ngạc nhiên với điều này nên mặc dù trời rét đậm, mưa phùn dày hạt, chúng tôi vẫn nằng nặc bảo ông Liêm đưa ra ao tôm để mục sở thị điều ông nói: “Làm giàu không khó!”.

Bây giờ, về làng biển Hải Ninh (huyện Quảng Ninh - Quảng Bình) cứ nghe xôn xao chuyện nuôi tôm trên cát. Ba năm trở lại đây, ai mất mùa cứ mất mùa, riêng người dân biển Hải Ninh nuôi tôm cứ thu nhập tiền tỷ đều.

Ông Hòe đã trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online xung quanh vấn đề này trước thềm năm 2014. Ngoài cơ hội, ông cũng lưu ý về những nguy cơ mà các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt khi xuất khẩu sản phẩm của họ theo đường tiều ngạch.