Nâng cao năng suất cây lúa nhờ mô hình cánh đồng mẫu lớn

Những hộ nông dân huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai đã tìm ra hướng giải quyết bằng cách canh tác trên cánh đồng mẫu lớn tại huyện, tăng năng suất cây lúa từ 15% - 20%, để từ đó nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Mang lại năng suất cao
Nông dân thu hoạch lúa từ mô hình cánh đồng mẫu lớn cho năng suất cao.
Trong vụ Đông Xuân 2014 - 2015, huyện Chư Pưh đã triển khai thực hiện việc sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn ở thị trấn Nhơn Hòa, với tổng diện tích 50 ha do 73 hộ dân của thôn Djrêk và Ky Phun trồng.
Mô hình này tập hợp những nông hộ sản xuất lúa riêng lẻ thành một cánh đồng lớn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa hoạt động sản xuất lúa, từng bước tiến đến hình thành ngành sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, đạt chứng nhận VietGAP.
Từ đó, hiệu quả sản xuất lúa được cải thiện, tăng thu nhập cho nông dân, giá trị hạt gạo được nâng cao.
Khi tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ giống lúa OM4900 trên từng cánh đồng, áp dụng đồng loạt các biện pháp khoa học kỹ thuật, thay đổi cơ cấu giống lúa kém hiệu quả mà lâu nay nông dân vẫn sử dụng như tập quán canh tác sạ dày, tự để giống lại cho vụ sau để đưa giống lúa có năng suất và chất lượng cao, gieo sạ đồng loạt, cùng một giống, cùng cánh đồng.
Đồng thời, chuyển giao chương trình quản lý dinh dưỡng ICM trên cây lúa nước giúp cho nông dân biết đầu tư một cách hợp lý.
Hiệu quả rõ nhất là trong vụ lúa Đông Xuân nông dân thu hoạch với năng suất trung bình 6,5 tấn/ha, tăng 15% so với giống lúa cũ. Được biết, khi chăm sóc, người nông dân chỉ cần phun thuốc bảo vệ thực vật một lần, giảm 3 đến 4 lần so với mùa trước. Ông Nay Hiếu-thôn Djrêk, thị trấn Nhơn Hòa cho biết: “Làm mô hình này chúng tôi biết áp dụng đúng theo quy trình sản xuất đã được hướng dẫn, nên chi phí đầu tư như lượng giống gieo sạ, phân bón, thuốc hóa học… đã giảm khá nhiều.
Năng suất lại đạt cao, thu hoạch 6,5 tấn/ha, nên lợi nhuận nhiều hơn các năm trước. Bà con ai cũng phấn khởi. Vụ mùa này, tuy không được hỗ trợ nữa nhưng bà con vẫn chủ động sử dụng giống lúa mới và những kiến thức đã học vào sản xuất”.
Nhân rộng hiệu quả của mô hình
Ngoài thị trấn Nhơn Hòa, trong vụ mùa này, mô hình cánh đồng mẫu lớn mới hỗ trợ giống lúa ML48 và OM 4900 được triển khai tại 3 điểm là cánh đồng Ia Dreng-xã Ia Dreng, cánh đồng Ia Blang-xã Ia Ròng và cánh đồng Plei Thơ Ga-xã Chư Don với diện tích 150 ha (trong đó Nhà nước hỗ trợ 70% và dân đóng góp 30%).
289 hộ nông dân đã được cấp 22.500kg lúa giống tham gia mô hình.
Hiện tại cây lúa đang sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh. Hiện nay đã có 350 ha của nông dân toàn huyện tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Ông Siu Thin-thôn Thơ Ga, xã Chư Don chia sẻ
: “Năm nay mình và bà con được hỗ trợ cây giống và tập huấn các biện pháp khoa học kỹ thuật và trồng trọt cho năng suất cao, bán được giá. Mô hình này vừa giúp giảm chi phí, cho năng suất cao và tăng lợi nhuận. Hầu hết nông dân ở xã mình đều áp dụng mô hình này”.
Sau 3 năm triển khai, huyện Chư Pưh đã xây dựng và nhân rộng mô hình thâm canh lúa áp dụng đồng loạt các biện pháp khoa học kỹ thuật, thay đổi cơ cấu giống lúa kém hiệu quả, giúp bà con nông dân đưa giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, đưa năng suất lúa từ 4 - 4,5 tấn/ha lên 6 - 6,5 tấn/ha.
Đồng thời, thay đổi tập quán gieo sạ của bà con từ 200 đến 220 kg/ha xuống 150 kg/ha, giảm chi phí đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Theo ông Nguyễn Văn Khanh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh, mô hình cánh đồng mẫu lớn đã tạo điều kiện thuận lợi để đưa cơ giới vào sản xuất, thực hiện được đồng bộ các quy trình sản xuất tiên tiến trên một vùng sản xuất.
Tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và nông dân, từ đó tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, giá trị hạt gạo, nâng cao đời sống của nông dân trồng lúa, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nông dân trên toàn huyện.
Theo thống kê của UBND huyện Chư Pưh, trong 3 năm (từ năm 2013 đến 2015) UBND huyện đã xuất ngân sách huyện 675 triệu đồng để hỗ trợ nông dân thực hiện 350 ha cánh đồng mẫu lớn tại các xã: Ia Phang, Ia Rong, Ia Hrú, Chư Don và thị trấn Nhơn Hòa.
Kết quả thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn năng suất lúa tăng hơn so với diện tích nông dân sản xuất theo cách truyền thống là 30% (tương đương 1,3 tấn lúa/ha), nông dân lợi nhuận tăng thêm 8 triệu đồng/ha.
Có thể bạn quan tâm

Ngay từ đầu năm 2014, các ngành của huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đã chỉ đạo các xã, doanh nghiệp và ngư dân ở các địa phương ven biển chủ động khắc phục khó khăn, tập trung chuyển đổi cơ cấu nghề, áp dụng các công nghệ mới vào khai thác thủy sản, góp phần nâng cao đời sống của bà con ngư dân.

Năm 2014, tỉ lệ thiệt hại trên tôm nuôi của tỉnh Sóc Trăng khá cao (trên 41%), tuy nhiên sản lượng vẫn đạt trên 80.000 tấn theo kế hoạch đề ra. Kết quả ấy là do người nuôi tôm đã chuyển đổi cơ cấu giống từ nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng một cách hợp lý.

Ngày đầu tuần tháng 1, sau chuyến đi biển cuối năm gặp trục trặc về máy móc, tàu câu mực lớn nhất Đà Nẵng ĐNa 90567 được ngư dân Trần Văn Mười cho lên đà bảo dưỡng. Phút rảnh rỗi, Trần Văn Mười tâm sự: “Tuy năm nay mất mùa mực, song giá mực cao hơn năm ngoái khoảng 25.000 đồng/kg, nên thu nhập cũng khá cao so với các nghề khác.

Sò huyết được nuôi xen canh với tôm, cua tại các vuông nuôi thủy sản vùng nước mặn của Cà Mau, tập trung nhiều ở huyện Cái Nước. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước thống kê cả huyện có trên 6.600ha sò huyết, tập trung nhiều ở xã Đông Thới và Trần Thới.

Trước nhu cầu sử dụng các tuyến ống để phục vụ thoát nước thải và cấp nước mặn trong nuôi tôm chân trắng ở các xã ven biển huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), UBND tỉnh đã hỗ trợ trang cấp hơn 40 ngàn ống PVC các loại, 195 ống buy bê tông các loại và nhiều phụ kiện vật tư khác.