Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nâng cao năng suất cây lúa nhờ mô hình cánh đồng mẫu lớn

Nâng cao năng suất cây lúa nhờ mô hình cánh đồng mẫu lớn
Ngày đăng: 01/10/2015

Những hộ nông dân huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai đã tìm ra hướng giải quyết bằng cách canh tác trên cánh đồng mẫu lớn tại huyện, tăng năng suất cây lúa từ 15% - 20%, để từ đó nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Mang lại năng suất cao

 

Nông dân thu hoạch lúa từ mô hình cánh đồng mẫu lớn cho năng suất cao.

Trong vụ Đông Xuân 2014 - 2015, huyện Chư Pưh đã triển khai thực hiện việc sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn ở thị trấn Nhơn Hòa, với tổng diện tích 50 ha do 73 hộ dân của thôn Djrêk và Ky Phun trồng.

Mô hình này tập hợp những nông hộ sản xuất lúa riêng lẻ thành một cánh đồng lớn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa hoạt động sản xuất lúa, từng bước tiến đến hình thành ngành sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, đạt chứng nhận VietGAP.

Từ đó, hiệu quả sản xuất lúa được cải thiện, tăng thu nhập cho nông dân, giá trị hạt gạo được nâng cao.

Khi tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ giống lúa OM4900 trên từng cánh đồng, áp dụng đồng loạt các biện pháp khoa học kỹ thuật, thay đổi cơ cấu giống lúa kém hiệu quả mà lâu nay nông dân vẫn sử dụng như tập quán canh tác sạ dày, tự để giống lại cho vụ sau để đưa giống lúa có năng suất và chất lượng cao, gieo sạ đồng loạt, cùng một giống, cùng cánh đồng.

Đồng thời, chuyển giao chương trình quản lý dinh dưỡng ICM trên cây lúa nước giúp cho nông dân biết đầu tư một cách hợp lý.

Hiệu quả rõ nhất là trong vụ lúa Đông Xuân nông dân thu hoạch với năng suất trung bình 6,5 tấn/ha, tăng 15% so với giống lúa cũ. Được biết, khi chăm sóc, người nông dân chỉ cần phun thuốc bảo vệ thực vật một lần, giảm 3 đến 4 lần so với mùa trước. Ông Nay Hiếu-thôn Djrêk, thị trấn Nhơn Hòa cho biết: “Làm mô hình này chúng tôi biết áp dụng đúng theo quy trình sản xuất đã được hướng dẫn, nên chi phí đầu tư như lượng giống gieo sạ, phân bón, thuốc hóa học… đã giảm khá nhiều.

Năng suất lại đạt cao, thu hoạch 6,5 tấn/ha, nên lợi nhuận nhiều hơn các năm trước. Bà con ai cũng phấn khởi. Vụ mùa này, tuy không được hỗ trợ nữa nhưng bà con vẫn chủ động sử dụng giống lúa mới và những kiến thức đã học vào sản xuất”.

Nhân rộng hiệu quả của mô hình

Ngoài thị trấn Nhơn Hòa, trong vụ mùa này, mô hình cánh đồng mẫu lớn mới hỗ trợ giống lúa ML48 và OM 4900 được triển khai tại 3 điểm là cánh đồng Ia Dreng-xã Ia Dreng, cánh đồng Ia Blang-xã Ia Ròng và cánh đồng Plei Thơ Ga-xã Chư Don với diện tích 150 ha (trong đó Nhà nước hỗ trợ 70% và dân đóng góp 30%).

289 hộ nông dân đã được cấp 22.500kg lúa giống tham gia mô hình.

Hiện tại cây lúa đang sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh. Hiện nay đã có 350 ha của nông dân toàn huyện tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Ông Siu Thin-thôn Thơ Ga, xã Chư Don chia sẻ

: “Năm nay mình và bà con được hỗ trợ cây giống và tập huấn các biện pháp khoa học kỹ thuật và trồng trọt cho năng suất cao, bán được giá. Mô hình này vừa giúp giảm chi phí, cho năng suất cao và tăng lợi nhuận. Hầu hết nông dân ở xã mình đều áp dụng mô hình này”.

Sau 3 năm triển khai, huyện Chư Pưh đã xây dựng và nhân rộng mô hình thâm canh lúa áp dụng đồng loạt các biện pháp khoa học kỹ thuật, thay đổi cơ cấu giống lúa kém hiệu quả, giúp bà con nông dân đưa giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, đưa năng suất lúa từ 4 - 4,5 tấn/ha lên 6 - 6,5 tấn/ha.

Đồng thời, thay đổi tập quán gieo sạ của bà con từ 200 đến 220 kg/ha xuống 150 kg/ha, giảm chi phí đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Theo ông Nguyễn Văn Khanh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh, mô hình cánh đồng mẫu lớn đã tạo điều kiện thuận lợi để đưa cơ giới vào sản xuất, thực hiện được đồng bộ các quy trình sản xuất tiên tiến trên một vùng sản xuất.

Tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và nông dân, từ đó tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, giá trị hạt gạo, nâng cao đời sống của nông dân trồng lúa, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nông dân trên toàn huyện.

Theo thống kê của UBND huyện Chư Pưh, trong 3 năm (từ năm 2013 đến 2015) UBND huyện đã xuất ngân sách huyện 675 triệu đồng để hỗ trợ nông dân thực hiện 350 ha cánh đồng mẫu lớn tại các xã: Ia Phang, Ia Rong, Ia Hrú, Chư Don và thị trấn Nhơn Hòa.

Kết quả thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn năng suất lúa tăng hơn so với diện tích nông dân sản xuất theo cách truyền thống là 30% (tương đương 1,3 tấn lúa/ha), nông dân lợi nhuận tăng thêm 8 triệu đồng/ha.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Dê Phù Hợp Với Người Ít Vốn Nuôi Dê Phù Hợp Với Người Ít Vốn

Chị Chuẩn lý giải rất hợp lý: Chăn nuôi trâu bò, đòi hỏi phải có nhiều vốn và điều kiện chăn thả cũng cần được tính toán kỹ lưỡng. Trong khi đó, chỉ cần tầm 7 triệu đồng là đã có một cặp dê giống. Hơn nữa, dê còn có khả năng kháng bệnh cao và không chiếm quá nhiều diện tích đất làm chuồng trại, nên mô hình này rất phù hợp với những ai ít vốn hoặc những người mới bắt đầu khởi nghiệp.

03/11/2014
Nuôi Đà Điểu Hướng Phát Triển Kinh Tế Triển Vọng Nuôi Đà Điểu Hướng Phát Triển Kinh Tế Triển Vọng

Vừa dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh trang trại, anh Võ Văn Lựu vừa hồ hởi cho biết: Lớn lên trên vùng đất Tú Loan (xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), chứng kiến cảnh người dân quanh năm vất vả với độc canh cây lúa, đất cằn nên cuộc sống cứ mãi chật vật. Trăn trở để tìm hướng đi mới, cuối cùng anh nhận thấy điều kiện đất đai ở đây với diện tích đất hoang hóa còn lại khá nhiều, cộng với nhiều trảng cát rộng, rất phù hợp cho chăn nuôi đà điểu.

03/11/2014
Bình Phước Nuôi Hươu Lấy Lộc Làm Giàu Bình Phước Nuôi Hươu Lấy Lộc Làm Giàu

Hiện nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang nuôi hươu lấy nhung để phát triển kinh tế. Nhiều hộ thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình này. Thu gần 200 triệu đồng/năm chỉ từ 12 con hươu của gia đình ông Nguyễn Viết Long ở ấp 54, xã Lộc An (Lộc Ninh) là minh chứng.

03/11/2014
Hội Chăn Nuôi Lợn Sạch Ở Tân Yên Hội Chăn Nuôi Lợn Sạch Ở Tân Yên

Xác định chăn nuôi lợn là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, huyện Tân Yên (Bắc Giang) vừa thành lập Hội Chăn nuôi lợn sạch nhằm liên kết người sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm, phát triển chăn nuôi bền vững.

03/11/2014
Cây Mắc Ca Bám Rễ Trên Cao Nguyên Cây Mắc Ca Bám Rễ Trên Cao Nguyên

Mắc ca, loài cây có nguồn gốc Úc châu đã bắt đầu thân thuộc với nông dân Lâm Đồng. Tại khắp nơi trong tỉnh, từ Di Linh, Bảo Lộc, Lâm Hà, Đơn Dương, diện tích mắc ca trồng xen với cây cà phê đã lên xanh và kết trái, mang lại thu nhập không nhỏ cho người nông dân.

04/11/2014