Nâng Cao Hiệu Quả Hoạt Động Công Ty Nông, Lâm Nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau gần 10 năm thực hiện Nghị định số170/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh; Nghị định số200/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh, tổng kết tình hình thực hiện 2 Nghị định trên vẫn còn một số tồn tại, bất cập.
Cụ thể, nhiều công ty nông, lâm nghiệp sau sắp xếp vẫn chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý, quản trị và hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Các công ty lâm nghiệp quản lý chủ yếu rừng sản xuất là rừng tự nhiên lúng túng về phương hướng, nhiệm vụ sản xuất, khó khăn chuyển sang hạch toán kinh doanh.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hầu hết các công ty tình hình tài chính còn nhiều khó khăn, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp; việc làm, thu nhập của người lao động tuy được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp.
Thêm vào đó, quy định việc rà soát thu hồi đất đai còn mang tính chung chung, có cách hiểu khác nhau trong quá trình triển khai, dẫn đến tình trạng áp dụng tuỳ tiện, né tránh và không đảm bảo mục tiêu thu hồi đất giao lại cho địa phương.
Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm quản lý rừng của công ty lâm nghiệp chưa được quy định rõ ràng, đặc biệt đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Thiếu cơ chế chính sách đặc thù đối với công ty nông, lâm nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với an ninh, quốc phòng...
Vì vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dự thảo Nghị định mới nhằm thay thế Nghị định số 170/2004/NĐ-CP và Nghị định số 200/2004/NĐ-CP.
4 nhóm công ty lâm nghiệp
Dự thảo Nghị định gồm 6 chương, 25 điều, có nhiều điểm mới so với Nghị định 170/2004/NĐ-CP và Nghị định 200/2004/NĐ-CP. Đặc biệt là quy định về sắp xếp, đổi mới công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp.
Cụ thể, về sắp xếp, đổi mới công ty nông nghiệp, dự thảo đã bổ sung, làm rõ về loại hình công ty được tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển là công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên nông nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; chuyển công ty nông nghiệp sang công ty cổ phần và quy định cơ cấu vốn điều lệ ban đầu; hình thành công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên.
Với công ty lâm nghiệp, dự thảo bổ sung quy định về phân loại công ty lâm nghiệp thành 4 nhóm: 1- Công ty lâm nghiệp quản lý chủ yếu rừng sản xuất là rừng tự nhiên; 2- Công ty lâm nghiệp quản lý rừng phòng hộ là chủ yếu; 3- Công ty lâm nghiệp quản lý chủ yếu rừng sản xuất là rừng trồng; 4- Công ty lâm nghiệp chủ yếu sản xuất giống cây lâm nghiệp và dịch vụ nông, lâm nghiệp trên địa bàn.
Bên cạnh đó, dự thảo quy định rõ loại hình công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh hoặc nhiệm vụ công ích; bổ sung quy định công ty lâm nghiệp chuyển thành công ty cổ phần và quy định cơ cấu vốn điều lệ ban đầu; quy định thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên.
Dự thảo cũng bổ sung quy định Nhà nước đảm bảo đủ vốn điều lệ đối với công ty nông, lâm nghiệp được tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trường hợp vốn điều lệ còn thiếu sẽ được cấp từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Nhà nước đảm bảo đủ vốn cho công ty cổ phần nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối hoặc công ty có vốn nhà nước.
Có thể bạn quan tâm

Hiện 1.700/8.700ha lúa Hè thu ở huyện Châu Thành A (Hậu Giang) bước sang giai đoạn trổ, chín, hai tuần nữa sẽ cho thu hoạch. Tại xã Trường Long Tây, thương lái đặt cọc mua lúa IR 50404 tươi cắt máy giá 4.350 đồng/kg.

Các huyện vùng Đông và Nam tỉnh Gia Lai đang vào đầu mùa mưa, bà con nông dân đang tập trung trồng mì. Các thương lái đưa xe ô tô đến vùng này để thu gom hom mì giống nhằm đầu cơ, kiếm lãi lớn. Do đó xảy ra tình trạng khan hiếm hom mì giống, giá hom mì vì thế cũng bị đẩy lên cao bất thường.

Thời gian gần đây, hàng chục hộ dân ở thôn 11, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin - Dak Lak) “đứng ngồi không yên” khi vườn tiêu 3-4 năm tuổi đang bước vào thời kỳ kinh doanh bị kẻ gian cắt trộm dây về làm giống, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Không chỉ giá bán tăng, người nuôi bắt đầu có lãi mà xuất khẩu cá tra cũng đang có dấu hiệu khởi sắc khi phục hồi tại thị trường Mỹ

Thời gian qua, một số nông dân huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã trồng thí điểm thành công cây mắc-ca, một loại cây trồng có giá trị kinh tế rất cao, xuất xứ từ nước Úc.