Nâng Cao Chất Lượng Đàn Trâu

Hàm Yên (Tuyên Quang) là huyện có nhiều điều kiện để phát triển chăn nuôi trâu bò, đặc biệt là phát triển chăn nuôi trâu ngố. Nhiều năm nay việc phát triển chăn nuôi trâu ở Hàm Yên không chỉ lấy sức kéo, mà còn tạo nên hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ gia đình.
Hiệu quả kinh tế từ nuôi trâu
Phù Lưu là một trong những xã có truyền thống về chăn nuôi trâu nhiều năm nay vẫn duy trì đàn trâu gần 900 con. Gia đình ông Phạm Lễ Hưng ở thôn Phù Yên nhiều đời nay gắn liền với nghề nông và là một hộ phát triển kinh tế nhờ chăn nuôi trâu. Gia đình ông nuôi trâu đã 4 - 5 năm nay, cùng với con trai là Phạm Lễ Tuấn duy trì số lượng đàn trên 30 con.
Ông Hưng cho biết: Trước đây, gia đình ông không dám chăn nuôi trâu theo số lượng lớn vì không biết cách chăm sóc đàn trâu trong mùa lạnh cũng như những đợt bùng phát dịch bệnh. Những năm gần đây, cách chăm sóc, nuôi dưỡng đàn trâu được phổ biến, tuyên truyền thường xuyên nên gia đình cũng yên tâm hơn.
Gia đình ông Hoàng Gia Thắng, thôn Thọ, xã Phù Lưu cũng là hộ có truyền thống về nuôi trâu trong xã Phù Lưu. Nhưng 3 năm nay, sau khi 5 người con lớn trưởng thành và thoát ly gia đình, lực lượng lao động không còn, gia đình ông chỉ duy trì 1 - 2 con để có sức kéo phục vụ gia đình và tận dụng thức ăn xanh, phụ phẩm nông nghiệp. Ông Thắng cho biết: Gia đình có nhiều lợi thế về chăn nuôi trâu như diện tích chăn thả ngay tại gia đình, lượng thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp dồi dào, kinh nghiệm chăm sóc đàn trâu...
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Yên, toàn huyện hiện có 16.075 con trâu được nuôi tập trung ở các xã như Phù Lưu, Minh Dân, Bạch Xa, Tân Thành, Yên Thuận, Thành Long, Hùng Đức. Những hộ làm nông nghiệp ở Hàm Yên có tới 80% số hộ có trâu, hộ ít 1 con, hộ nhiều hàng chục con.
Nâng cao chất lượng đàn trâu
Tuy nhiên, theo kết quả rà soát mới đây, đồng cỏ bị thu hẹp do giao đất, giao rừng cho các hộ dân quản lý và trồng rừng; thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, một số hộ dân đã bán trâu mua máy nông nghiệp. Các chính sách vay vốn ưu đãi, điều kiện kinh tế của nông dân còn hạn chế, đa số các hộ chăn nuôi mang tính chất tận dụng thức ăn, chưa mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.
Mạng lưới dịch vụ, các cơ sở vật chất phục vụ chăn nuôi chậm hình thành và chưa phát triển, chưa thực sự tạo ra động lực thúc đẩy cho chăn nuôi phát triển. Cùng với đó, số con bán lấy thịt cũng ngày càng nhiều do giá thịt cao, từ đầu năm đến nay, số lượng đàn trâu bán lấy thịt của toàn huyện trên 1.200 con...
Vài năm trở lại đây, Hội chọi trâu được tổ chức hàng năm vào dịp đầu năm mới của Hàm Yên đã được khôi phục cũng là cơ hội để khuyến khích người dân lựa chọn những giống trâu tốt về chăn nuôi. Tuy nhiên, do một phần hạn chế về chất lượng giống nên hầu hết số lượng trâu chọi đều được người dân chọn mua từ những nơi khác như Hải Phòng, Lào Cai, Hà Giang… Đây cũng là thách thức đối với các ngành chức năng Hàm Yên trong việc bình tuyển trâu đực giống.
Để đàn trâu của huyện phát triển tốt, UBND huyện Hàm Yên đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn trong huyện bình tuyển mua trâu đực giống tốt để nhân giống; tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi trâu sinh sản cho nhân dân ở các xã để bà con chú trọng vệ sinh chuồng trại, phòng trừ dịch bệnh tốt, tuân thủ nghiêm những quy định hướng dẫn của cán bộ khuyến nông.
Đồng thời, tận dụng đất đai để trồng thêm các loại cỏ, trồng ngô làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông, chế biến thêm các tinh bột từ sản phẩm công nghiệp để nuôi dưỡng cho đàn trâu. Huyện phấn đấu vụ đông mỗi năm trồng trên 700 ha ngô làm thức ăn gia súc trên ruộng 2 vụ lúa. Tuy nhiên, để đàn trâu thực sự phát triển cả về số lượng và chất lượng thì rất cần những biện pháp đồng bộ, từ chính sách đầu tư của Nhà nước đến ý thức chăn nuôi của mỗi gia đình về nguồn con giống, thức ăn, kiến thức chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho trâu...
Có thể bạn quan tâm

Ninh Thuận là vùng đất khô hạn, thừa nắng thiếu mưa, không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, nghề nuôi dê, cừu lại phát triển giúp cho hàng ngàn nông dân địa phương có thêm nguồn thu nhập cải thiện đời sống. Nhờ chăn nuôi dê cừu mà không ít nông dân nghèo đã vươn lên làm giàu trên vùng đất cằn cỗi của quê hương.

Trên địa bàn huyện Mỹ Lộc (Nam Định) hiện có trên 700 trang trại, gia trại, lượng chất thải từ chăn nuôi gia súc, gia cầm là rất lớn. Tình trạng chất thải trong chăn nuôi gia súc, gia cầm xả trực tiếp ra môi trường xung quanh đã làm ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Sau rằm tháng Chạp, không khí tại các làng biển như Hà Ra, Hòn Rớ, Cửa Bé (TP. Nha Trang) trở nên chộn rộn không khí Tết sớm. Nhiều gia đình quây quần bên mâm cơm tất niên để cánh đàn ông, những ngư phủ trong gia đình ra khơi cho kịp chuyến biển cuối năm.

Ông Chót kể: "Trước đây, thấy việc nuôi dê lâm cảnh bấp bênh, anh tôi là ông Vương Vĩnh Lợi sang Thái Lan, Malaysia tìm hiểu mô hình mới. Nông dân bên ấy nuôi ba ba thành công từ việc xây dựng hệ thống ao nuôi rất khoa học. Vì thế, mấy anh em tôi quyết định hợp sức để làm".

Ngày 29/01/2015, tại Đồng Tháp, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đồng Tháp tổ chức Hội nghị “Bàn giải pháp trong sản xuất và quản lý nhằm nâng cao chất lượng giống cá tra”. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền chủ trì Hội nghị.