Nam Xuân, Nông Dân Mạnh Dạn Thay Đổi Tư Duy Làm Ăn

Thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bằng những cách thức tuyên truyền sâu rộng, nhiều nông dân ở xã Nam Xuân (Krông Nô) đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đưa những giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao vào sản xuất, nuôi trồng.
Đơn cử như gia đình ông Hà Xuân Tình ở thôn Đắk Xuân, những năm trước đây thường sử dụng giống lúa cũ R64 để sản xuất trong các vụ mùa. Thế nhưng, vì nguồn giống đã sử dụng qua nhiều vụ, bị thoái hóa, không đảm bảo chất lượng nên dù chăm sóc rất nhiều, mà kết quả vẫn không đáng là bao.
Vì vậy, năm 2012, được sự giúp đỡ, tư vấn về kỹ thuật, giống cây trồng do Hội nông dân xã phối hợp tổ chức, ông đã mạnh dạn đưa giống lúa RBT vào sản xuất và mang lại hiệu quả rõ rệt. Trung bình, mỗi sào ruộng gieo bằng giống lúa RBT cho năng suất từ 7-8 tạ, trong khi đó, giống lúa cũ cao lắm cũng chỉ đạt 5 tạ/sào.
Chính từ sự thành công đó, liên tiếp các vụ mùa sau đó, gia đình ông đã chọn giống lúa RBT để sản xuất đại trà trên diện tích 7 sào. Thành công từ trồng lúa đã trở thành động lực để ông Tình chủ động hơn trong phát triển nông nghiệp, nhất là đưa những giống mới, hiệu quả cao vào sản xuất.
Hay gia đình ông Nguyễn Văn Lai ở thôn Thanh Sơn thì để khắc phục tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng vào mùa khô, ông đã áp dụng phương pháp tưới tiêu nhỏ giọt trên diện tích 2 ha hồ tiêu. Với việc áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt này, ông đã phần nào cải thiện được tình trạng thiếu nước, giảm chi phí, hạn chế sâu bệnh, cây tiêu phát triển tốt hơn, tăng năng suất, chất lượng.
Còn ông Vi Thanh Tuyển, Chủ tịch Hội Nông dân xã, với vai trò “đầu tàu”, đã tìm hiểu, mạnh dạn đưa giống tiêu Vĩnh Linh vào trồng thay thế cho vườn tiêu trồng bằng giống địa phương trước đây. Hiện nay, vườn tiêu giống Vĩnh Linh phát triển rất tốt, khả năng kháng bệnh cao, khi một cây bị bệnh, nếu được xử lý kịp thời thì không ảnh hưởng đến cây khác.
Theo ông Tuyển thì Nghị quyết 04 đã khuyến khích, động viên nông dân trong việc mạnh dạn thay đổi tư duy làm ăn một cách bài bản hơn, chứ không làm theo kiểu “cầu may” như trước đây nữa.
Hội viên, nông dân phần nào hiểu được rằng, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao không phải là vấn đề gì cao xa cả mà cũng chính là bắt đầu từ những công việc sản xuất hàng ngày, nhưng đòi hỏi phải có sự đầu tư về “chất xám” nhiều hơn, cả về vốn liếng và tiến bộ kỹ thuật thì mới đem lại hiệu quả kinh tế cao được.
Vì vậy, hiện nay, thông qua sự tuyên truyền sâu rộng của tổ chức hội, hội viên, nông dân xã Nam Xuân đã rất mạnh dạn trong việc đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Điển hình như năm 2013, toàn xã có 8 ha tiêu bị chết ồ ạt, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người trồng tiêu thì thông qua sự hỗ trợ, tư vấn của Hội, ngành chức năng, bà con đã đưa giống tiêu Vĩnh Linh vào trồng.
Nhiều hộ gia đình đã khắc phục tình trạng thiếu nước bằng cách đầu tư, áp dụng hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt cho vườn cây. Ngoài ra, chỉ tính từ đầu năm đến nay, các hộ dân trong xã đang trồng thử nghiệm 2000 cây bơ ghép, 8 ha ca cao, 4 ha cây mắc ca, nếu thích hợp và có đầu ra thuận lợi thì sẽ mở rộng. Riêng đối với giống lúa RBT đang đuợc bà con đưa vào gieo cấy đại trà, với diện tích vụ mùa năm nay lên đến 30 ha.
Đặc biệt, trên địa bàn xã còn có một số hộ nông dân mạnh dạn đầu tư vốn lớn để tổ chức trồng nấm mèo theo quy mô trang trại, mang lại thu nhập cao, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, đang mở ra một hướng đi đầy triển vọng cho người dân nơi đây.
Có thể bạn quan tâm

Hầu hết gia đình ở xã Việt Tiến (Bảo Yên - Lào Cai) nuôi trâu; 100% đàn trâu khi thả có người chăn dắt và khi đưa về được nhốt trong chuồng. Những đợt rét khốc liệt xảy ra vài năm gần đây khiến đàn gia súc của nhiều địa phương trong tỉnh bị thiệt hại nặng nề, nhưng Việt Tiến không có bất cứ con trâu nào bị chết rét…

Nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình ở Lâm Đồng đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng nuôi cá hồi và cá tầm nước lạnh. Hiệu quả bước đầu cho thấy mỗi ha nuôi cá có thể cho thu nhập hàng tỷ đồng. Năm 2007, sau thử nghiệm và nuôi thành công cá hồi vân (Phần Lan) và cá tầm Nga, tỉnh Lâm Ðồng đã phát triển mạnh nghề nuôi cá nước lạnh, với sản lượng khoảng 40 tấn cá hồi và 100 tấn cá tầm/năm

Sở NNPTNT Bình Định vừa có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về việc triển khai các giải pháp chỉ đạo sản xuất vụ mùa năm 2012.

Chưa bao giờ, ở huyện vùng cao biên giới Sông Mã (Sơn La) phong trào làm giàu, thúc đẩy kinh tế trang trại lại phát triển mạnh mẽ như những năm gần đây, khi mô hình "nuôi thả ba ba núi" xuất hiện.

Khúc sông Luỹ Thầy đoạn chảy qua trước nhà ông, không chỉ vợ con, mấy người trong làng mà cả mấy cán bộ của xã cũng hết sức can ngăn vì họ cho rằng ông hơi “liều” khi dám đem hàng chục triệu đồng bỏ xuống sông, xuống bể