Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nấm Sạch Ở Uông Bí...

Nấm Sạch Ở Uông Bí...
Ngày đăng: 29/07/2014

Cơ sở nấm thực phẩm và nấm dược liệu chất lượng cao Ba Vàng nằm khuất dưới chân núi Ba Vàng, phường Quang Trung, TP Uông Bí (Quảng Ninh) thế nhưng vẫn thu hút du khách vào mua và tham quan.

Hiện nay cơ sở đang sản xuất gần 1.000 bịch nấm sò tím và trên 1 vạn bịch nấm linh chi; thu hoạch mỗi ngày lên đến vài chục kg thế nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Chị Nguyễn Thị Hồng, phường Thanh Sơn (TP Uông Bí), một khách hàng cho biết: Uông Bí cũng có một số hộ làm nấm, trên thị trường cũng bày bán rất nhiều loại nấm khác nhau thế nhưng chúng tôi vẫn cất công đến tận trang trại này để mua bởi đơn giản nấm ở đây thật sự sạch.

Chúng tôi được tận mắt chứng kiến quy trình chăm sóc nấm, được lựa chọn sản phẩm ngay khi còn tươi trên bịch nấm, bởi vậy nên rất yên tâm khi sử dụng sản phẩm.

Thực tế hệ thống thiết bị và quy trình sản xuất ở Cơ sở nấm thực phẩm và nấm dược liệu chất lượng cao Ba Vàng rất đồng bộ, hiện đại và chặt chẽ. Hiện toàn bộ phần giống, phôi, bịch nấm đều do Viện Di truyền nông nghiệp thực hiện; các khâu còn lại như trồng, chăm sóc, thu hoạch nấm đều đúng quy trình.

Cụ thể nấm được cấy trồng trên các giá kiên cố đặt trong nhà lưới hạn chế ánh sáng mặt trời, ngăn cản côn trùng; được giữ ẩm bằng hệ thống phun sương và tuân thủ tuyệt đối về chu kỳ thu hoạch, thay thế bịch mới; sản phẩm sau thu hoạch được bảo quản ngay trong nhà lạnh… Riêng hệ thống nước tưới đều là nước sạch, đã qua lắng lọc, khử trùng có thể sử dụng để uống được.

Ông Nguyễn Văn Sửu, chủ Cơ sở nấm thực phẩm và nấm dược liệu chất lượng cao Ba Vàng cho biết: Trồng nấm sạch khó khăn gấp bội so với nấm thông thường, bởi phải đảm bảo tuyệt đối về 3 yếu tố căn bản là nhiệt độ, ánh sáng và độ ẩm. Mặc dù thời tiết ở khu vực Ba Vàng này luôn thấp hơn bên ngoài 2oC tuy nhiên chúng tôi vẫn phải đầu tư đến hơn 4 tỷ đồng vào nhà xưởng, thiết bị cho diện tích trên 1.200m2 sản xuất để đảm bảo một cách tốt nhất các yếu tố trồng, chăm sóc cây nấm.

Với khoản đầu tư trên, hạch toán thu chi thì trước mắt chưa lãi nhiều nhưng đây là hướng đi bền vững, giúp cơ sở sản xuất lâu dài và đảm bảo uy tín chất lượng sản phẩm…

Đáng mừng là hiện ngoài cơ sở nấm của ông Nguyễn Văn Sửu, tại khu vực vùng núi Yên Tử (xã Thượng Yên Công) cũng đã bắt đầu hình thành những mô hình nấm sạch, trong đó có đơn vị đang định hướng phát triển theo mô hình hợp tác xã để nhân rộng quy mô sản xuất cũng như số người tham gia.

Có thể thấy, TP Uông Bí có nhiều ưu thế để sản xuất nấm sạch, nhất là khu vực rừng núi Yên Tử. Khu vực này có khí hậu trong lành, nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, vốn là môi trường sống lý tưởng cho cây nấm. Riêng cây nấm linh chi Yên Tử đã là dược liệu nổi tiếng xưa nay, được đánh giá có chất lượng, tác dụng chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ con người tốt hơn hẳn các loại nấm linh chi tại các vùng đất khác.

Trong khi đó thị trường tiêu thụ sản phẩm nấm các loại trên địa bàn Uông Bí khá lớn do nhu cầu của người dân hướng tới sản phẩm sạch, tự nhiên, nhiều năng lượng nhưng ít béo như nấm ngày càng cao, cũng như nhu cầu mua đặc sản địa phương của khách du lịch khi đến Yên Tử. Đấy là chưa nói hiện nhu cầu tiêu dùng nấm để phục vụ các món ăn chay tại hệ thống chùa Yên Tử và các tỉnh lân cận rất cao.

Anh Nguyễn Văn Hưng, Phó Phòng Kinh tế TP Uông Bí khẳng định: Đây là cơ sở, thế mạnh của Uông Bí để phát triển cây nấm, biến nông sản này thành hàng hoá có giá trị cao cho người nông dân.

Được biết, để thúc đẩy phát triển nông sản nói chung, cây nấm nói riêng, TP Uông Bí đang từng bước xây dựng thương hiệu nấm Yên Tử, trong đó về lâu dài tập trung vào cây nấm linh chi.

Ngay trong quý III này, thành phố sẽ đưa sản phẩm nấm các loại vào giới thiệu sản phẩm và bán thương mại tại các cửa hàng thuộc chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) của tỉnh đặt ở các chợ lớn trên địa bàn.

Ngoài ra TP Uông Bí đang tích cực cùng với tỉnh đẩy nhanh lộ trình hình thành chợ OCOP của tỉnh tại xã Thượng Yên Công, chân núi Yên Tử để tập kết, buôn bán tập trung các nông sản tiêu biểu các địa phương trên toàn tỉnh. Đây sẽ là lực đẩy, thuận lợi lớn cho nông sản Uông Bí, trong đó có sản phẩm nấm thực phẩm, nấm dược liệu chất lượng cao.


Có thể bạn quan tâm

Bưởi Tết Tân Triều Giảm Sản Lượng Bưởi Tết Tân Triều Giảm Sản Lượng

Ông Lê Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu - Đồng Nai) cho biết, sản lượng bưởi Tân Triều trong dịp Tết Nguyên đán 2014 giảm chỉ bằng 2/3 sản lượng Tết năm ngoái.

18/12/2013
Dưa Hấu Vụ Tết 2014 Thu Hẹp Diện Tích Dưa Hấu Vụ Tết 2014 Thu Hẹp Diện Tích

Diện tích trồng dưa hấu tết năm nay tại huyện Lai Vung (Đồng Tháp) giảm hơn so với năm ngoái. Trong khi đó, giá dưa ngoài thị trường hiện đang giữ mức khá cao. Nhiều nông dân dự báo, giá dưa tết năm nay sẽ “không đến nỗi nào”, đặc biệt dưa chưng Tết có khả năng sẽ khan hàng.

18/12/2013
Hỗ Trợ Vốn Dự Án “Trồng Xoài Ra Hoa Trái Vụ” Hỗ Trợ Vốn Dự Án “Trồng Xoài Ra Hoa Trái Vụ”

Dự án “Trồng xoài ra hoa trái vụ” được thực hiện tại xã Vĩnh Xương với 25 hộ là hội viên, nông dân tham gia, tổng diện tích 6,4 héc- ta. Dự án được hỗ trợ về phương pháp canh tác, kỹ thuật xử lý ra hoa, thu hoạch trái vụ của Hội Nông dân TX. Tân Châu và Hội Nông dân tỉnh.

18/12/2013
Dưa Hấu Tết Vào Vụ Sản Xuất Dưa Hấu Tết Vào Vụ Sản Xuất

Như một thông lệ, cứ khoảng cuối tháng 10 - đầu tháng 11 âm lịch, trong khi người trồng lúa đang bận rộn việc xuống giống vụ Đông xuân thì người trồng dưa cũng rộn ràng bắt đầu vào vụ tết.

18/12/2013
Bỏ Phố Về Quê Trồng Ổi Bỏ Phố Về Quê Trồng Ổi

Người đưa giống ổi này về Thống Nhất, thu hút người dân đầu tư và bao tiêu sản phẩm là Chủ nhiệm HTX Lê Xuân Hoàng, sinh năm 1978.

18/12/2013