Nâm Nđir Nâng Cao Giá Trị Sản Xuất Nông Nghiệp

Nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, thời gian qua, xã Nâm N’đir (Krông Nô) đã tập trung xây dựng nhiều mô hình chuyên canh, xen canh các loại cây trồng mang lại hiệu quả cao.
Ông Đặng Thế Hùng, một người dân địa phương cho hay: “Hơn 10 năm trước, khi chưa có công trình thủy lợi và điện lưới, làm gì cũng khó khăn nên bà con không dám đầu tư mạnh vào sản xuất. Bây giờ, được Nhà nước quan tâm kéo điện ra tận đồng, ai cũng xây bể tích nước ngay trên ruộng để chủ động bơm nước tưới cho cây trồng, rồi ứng dụng rộng rãi quy trình kỹ thuật mới vào việc canh tác nên gần đây năng suất liên tục tăng lên”.
Được biết, gia đình ông Hùng có 5 sào đất màu luân canh và xen canh các loại cây như đậu phụng, ngô, rau xanh, bình quân mỗi năm đều cho thu nhập không dưới 30 triệu đồng.
Còn bà Lê Thị Hà, ở thôn Nam Phong cũng được hưởng lợi nhờ có các công trình thủy lợi được xây dựng dẫn qua những diện tích đất trồng cây hoa màu của gia đình.
Bà Hà nói: “Do diện tích đất của gia đình tương đối ít nên tôi thường xuyên gieo trồng gối vụ, không cho đất nghỉ. Cứ xong vụ rau xanh đông xuân thì tôi trồng các loại đậu đỗ, rồi chuyển sang trỉa ngô vụ hè thu. Sau khi trừ mọi khoản chi, mỗi năm tôi thu về gần 25 triệu đồng từ 4 sào đất đó. Nhờ nguồn thu nhập này cộng với việc chăn nuôi gia súc, gia cầm mà tôi có điều kiện trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học”.
Tương tự, ông Lương Văn Toàn, ở thôn Nam Phong cũng có 7 sào đất nằm ven sông Krông Nô, vụ hè thu này gia đình chuyển sang trồng khoai lang cho biết: “Những năm trước đây, vụ nào tôi cũng trồng ngô. Nhưng năm nay, tôi chuyển sang trồng khoai lang.
Vụ đông xuân vừa rồi, tôi chỉ xuống giống khoảng 2 sào khoai, nhờ năng suất cao, đầu ra của sản phẩm tương đối ổn định nên sau khi trừ chi phí làm đất, mua phân bón, thuốc trừ sâu... tôi cũng có thu nhập trên 20 triệu đồng. Riêng vụ hè thu này, tôi xuống giống toàn bộ 7 sào khoai lang. Nếu mưa thuận gió hòa, giá bán không biến động mạnh thì khả năng thu ruộng khoai của mang lại cho tôi 70-80 triệu đồng”.
Không riêng gì các hộ trông rau xanh, đậu đỗ, khoai lang mà các hộ trông các cây nông nghiệp chủ lực như lúa, ngô… trên địa bàn xã Nâm N’đir sau mỗi vụ sản xuất đều có thu nhập khá cao.
Để giúp nông dân phát triển sản xuất, thời gian qua, chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp với ngành nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho đại bộ phận nông dân nhằm giúp họ triển khai những mô hình chuyên canh, luân canh, xen canh cây trồng cạn mang lại giá trị kinh tế cao.
Hiện nay, toàn xã có 300 ha đất màu sản xuất theo phương thức luân canh, gối vụ, tập trung nhiều nhất ở thôn Nam Thanh, Nam Phong… bình quân mỗi năm 1 ha đất cho nhà nông mức thu nhập hơn 70-80 triệu đồng. Có nhiều hộ đầu tư, thâm canh tốt, thu nhập trên 100 triệu đồng.
Trước nhu cầu sản xuất của người dân và với chủ trương giúp nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập, những năm vừa qua, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, địa phương tiến hành kéo đầu tư các công trình điện lưới, xây dựng kiên cố hóa thủy lợi nội đồng, đường vào khu sản xuất… Nhờ đó, đến nay, diện tích đất màu được đảm bảo nước tưới đã được nâng lên đáng kể.
Trong thời gian tới, để đảm bảo việc cung ứng nước tưới cho những diện tích đất màu còn lại, xã sẽ huy động nguồn lực từ nhân dân để đầu tư thêm các công trình thủy lợi nhỏ, các kênh nhánh dẫn đến vùng sản xuất…
Như vậy, một khi chủ động nguồn nước, mạnh dạn áp dụng các kiến thức khoa học vào sản xuất thì chắc chắn năng suất các loại cây trồng cạn tăng mạnh, từ đó đời sống người dân sẽ được nâng cao và tạo tiền đề cho tiến trình Xây dựng nông thôn mới của địa phương đạt kết quả cao.
Có thể bạn quan tâm

Trong khi đó, giá mua tại vườn chỉ dao động ở mức 3.000-5.000 đồng một kg. Tuy nhiên, dù đang vào vụ thu hoạch rộ, nhưng tình hình thu mua của các thương lái khá chậm. Ông Hoàng, có vườn trồng hồng khoảng 1ha ở Đức Trọng cho biết dù đã kêu mấy ngày nay, người mua vẫn không đến lấy hàng.

Trong khi đó, các yếu tố con giống, thời tiết thay đổi thất thường dẫn đến môi trường nuôi luôn biến động; các công trình hạ tầng phục vụ NTCN hiện đang thiếu và yếu, nhất là điện… thì người NTCN nuôi ở mật độ dày (80 - 200 con/mét vuông) khó có thể đạt được hiệu quả như mong đợi.

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Đăk Nông xuất hiện nhiều gương nông dân đi đầu trong việc nuôi thâm canh cá thịt cung cấp cho thị trường nội địa và thị trường trong tỉnh, nhằm phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, họ chính là nhân tố tích cực góp phần thúc đẩy nghề nuôi thủy sản của tỉnh phát triển.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh do ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II (Bộ NN-PTNN) về tiến độ xây dựng Trung tâm quốc gia giống hải sản Nam bộ tại thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu).

Thiết bị câu sản xuất trong tỉnh có giá thành thấp hơn nhiều so với thiết bị nhập khẩu của Nhật Bản. Sản xuất thiết bị câu cá ngừ đại dương là nội dung bổ sung của đề tài nghiên cứu “Nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương bằng câu tay, kết hợp ánh sáng” do Chi cục thực hiện từ tháng 1/2013- 10/2014.