Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nấm Linh Chi Mở Hướng Đi Mới Cho Nông Dân Cát Tiên (Lâm Đồng)

Nấm Linh Chi Mở Hướng Đi Mới Cho Nông Dân Cát Tiên (Lâm Đồng)
Ngày đăng: 14/01/2015

Lâu nay, người dân xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng chủ yếu vẫn gắn liền với cây lúa nước, cây mía, cây điều… nhưng mới đây việc thí điểm thành công mô hình trồng nấm linh chi đang mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Dự án “Xây dựng mô hình nuôi trồng nấm linh chi” được Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ, Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Cát Tiên triển khai thí điểm tại xã Quảng Ngãi gần một năm nay. Hai hộ nông dân đầu tiên được chọn thí điểm mô hình trồng nấm linh chi là gia đình anh Nguyễn Hữu Cần và gia đình chị Lê Thị Hoài Nam (ở thôn 2, xã Quảng Ngãi).
Mỗi mô hình được triển khai trên diện tích 100m2nhà trồng nấm và được dự án hỗ trợ 2.000 bịch phôi nấm linh chi đỏ chủng Đà Lạt trọng lượng từ 1,0 - 1,2kg/bịch, đã cấy meo giống được 15 ngày. Hiện nay hai mô hình này đều đã thành công cho sản phẩm có thu nhập. Qua đó có thể nói nấm linh chi đang bén rễ trên vùng trũng Cát Tiên và bắt đầu được nhân rộng để tạo thêm ngành nghề mới nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.
Tuy mới trồng thí điểm nhưng hiệu quả mang lại từ cây nấm linh chi là rất rõ và nhiều hộ dân địa phương đang tìm hiểu, học hỏi để áp dụng. Chị Lê Thị Hoài Nam chia sẻ: “Trồng nấm linh chi không quá phức tạp, điều quan trọng là phải nắm được kỹ thuật nuôi trồng và thực hiện đúng quy trình phát triển của nấm.
Thời kỳ đầu là thời gian tơ nấm phát triển và hình thành quả thể, giai đoạn này cần chú ý tới nhiệt độ và độ ẩm phù hợp, thời gian nuôi sợi nhiệt độ không khí thích hợp nhất cho linh chi là 20 - 23°C, tạo quả thể ở 22 - 28°C.
Độ ẩm cơ chất 60 - 62%, độ ẩm không khí dao động từ 80 - 95%. Kể từ ngày cấy giống đến khi rạch túi khoảng 50 ngày, hệ sợi nấm lan gần kín bịch phôi. Tiến hành tháo nút bông, khi quả thể nấm bắt đầu mọc từ nút bông thì ngoài việc tạo ẩm không khí, có thể tưới phun sương nhẹ vào túi nấm mỗi ngày từ 1 - 3 lần, tùy theo điều kiện thời tiết. Chế độ chăm sóc như trên được duy trì liên tục cho đến khi viền trắng trên viền mũ quả thể không còn nữa là hái được”.
Chị Hoài Nam cho biết thêm, sau thời gian nuôi trồng, với 2.000 bịch phôi nấm linh chi thí điểm trên diện tích 100m2, đã cho thu hoạch 55kg, với mức giá 500.000đ/kg, trừ hết chi phí thu lãi được khoảng 15 triệu đồng. Hiệu quả này là tín hiệu vui của nghề trồng nấm. Nếu được nhân lên trên 1.000m2 thì mỗi vụ cho lãi 150 triệu đồng, mỗi năm trồng được 3 vụ, như vậy sẽ cho thu nhập 450 triệu đồng/năm”.
Để phát triển nhân rộng nghề trồng nấm linh chi cho người dân, chính quyền địa phương cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức được 4 lớp tập huấn về kỹ thuật cho gần 100 lượt hộ nông dân tham gia. Nhiều hộ dân nơi đây cũng đang bắt đầu chuẩn bị mặt bằng, tìm nguồn phôi nấm để phát triển nghề trồng nấm linh chi.
Ông Nguyễn Bá Nhân, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, huyện Cát Tiên chia sẻ: “Với việc trồng thí điểm thành công trên hai hộ gia đình chứng tỏ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây thích hợp với loài nấm này. Thông qua việc triển khai dự án cùng với việc mở các lớp tập huấn đã giúp bà con trong xã Quảng Ngãi tiếp cận và nắm bắt được kỹ thuật trồng nấm linh chi. Sắp tới, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để nhân rộng quy mô theo từng hộ gia đình trên xã Quảng Ngãi nói riêng và dần dần nhân rộng mô hình trên phạm vi của huyện.
Với sự thành công của hai hộ gia đình trồng thí điểm linh chi nói trên, có thể khẳng định nấm linh chi phát triển tốt ở địa phương. Tuy nhiên, băn khoăn của người dân là việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Trao đổi về vấn đề này ông Phan Quốc Chính, Chủ nhiệm dự án cũng cho biết: “Hiện nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh và cả ở TP Hồ Chí Minh thu mua nấm linh chi với số lượng ngày càng nhiều để bào chế dược liệu, chế biến thực phẩm chức năng. Nguồn cầu lớn hơn cung, sẽ tạo đầu ra ổn định và bền vững cho người trồng nấm. Đó là lí do Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ triển khai dự án ở nhiều địa phương trên tỉnh Lâm Đồng.
Như vậy với kết quả thí điểm thành công của mô hình trồng nấm linh chi tại xã Quảng Ngãi, Cát Tiên đang mở ra triển vọng cho người nông dân nơi đây để có thêm ngành nghề mới trong sản xuất nông nghiệp. Hi vọng các cấp, các ngành cũng như chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ để người dân nơi đây phát triển nghề trồng nấm linh chi một cách bền vững và nâng cao thu nhập đời sống.


Có thể bạn quan tâm

Trúng Đậm Vụ Cá Trích Trúng Đậm Vụ Cá Trích

Anh Trần Văn Nam, thôn Diêm Hà Hạ, xã Gio Hải cho biết, thời tiết thuận lợi nên thuyền của anh ra khơi từ ngày mùng 2 tết. Tưởng chừng mẻ lưới đầu tiên chỉ để “lấy ngày”, không ngờ khi kéo lên đã bắt được hơn 2 tạ cá. So với đầu xuân năm 2014, cá trích năm nay vừa được mùa vừa được giá – anh Nam cho biết thêm.

04/03/2015
Tìm Biện Pháp “Giải Cứu” 100.000 Ha Lúa Đông Xuân Tìm Biện Pháp “Giải Cứu” 100.000 Ha Lúa Đông Xuân

Vì vậy, những diện tích gieo cấy trước thời vụ, trước thời điểm Lập xuân, trà xuân sớm, trà xuân trung, các giống lúa ngắn ngày có nguy cơ trỗ sớm và có thể gặp rét vào cuối vụ, gây ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng lúa. Ngoài ra, nguy cơ thiếu nước và tình hình sâu bệnh có khả năng diễn biến hết sức phức tạp.

04/03/2015
Giá Tôm Nước Lợ Năm 2015 Thật Khó Đoán Giá Tôm Nước Lợ Năm 2015 Thật Khó Đoán

Từ năm 2013 đến nay, giá tôm thế giới liên tục nằm ở mức cao do sản lượng tôm giảm mạnh dưới ảnh hưởng của Hội chứng tôm chết sớm (EMS). Năm 2014, EMS trên tôm tại một số nước đã cơ bản được khống chế nhưng vẫn còn hoành hành tại một số nước sản xuất tôm lớn trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan. Thật khó có thể đưa ra dự báo về giá tôm khi mà ảnh hưởng của EMS và kết quả khắc phục sau đó vẫn rất khó dự đoán.

05/03/2015
Bám Biển Xa Khơi, Ngư Dân Hái Nhiều Lộc Biển Đầu Năm Bám Biển Xa Khơi, Ngư Dân Hái Nhiều Lộc Biển Đầu Năm

Tại vùng biển miền Trung như Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên đến các vùng biển Nam Bộ như Kiên Giang, Cà Mau… ngư dân phấn khởi khi trúng đậm mùa tôm, cá biển. Thêm vào đó, một số loại hải sản được giá như cá cơm, cá nục, cá thu, cá ngừ, tôm, nhuyên thể… giúp các tàu đánh bắt tăng thêm thu nhập.

05/03/2015
Đề Án “Gạo Thơm - Tôm Sạch” Ở Vùng Tôm Lúa Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) Đề Án “Gạo Thơm - Tôm Sạch” Ở Vùng Tôm Lúa Mỹ Xuyên (Sóc Trăng)

Người nuôi tôm ở Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) tự hào với quy trình luân canh tôm – lúa suốt thời gian dài từ năm 1998 đến năm 2008. Vừa thắng tôm, vừa canh tác được một vụ lúa, mức độ rủi ro thấp, hầu hết nông dân 6 xã vùng tôm lúa Mỹ Xuyên khá lên từ quy trình bền vững này.

05/03/2015