Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nam Hà Thắm Sắc Cẩm Tú Cầu

Nam Hà Thắm Sắc Cẩm Tú Cầu
Ngày đăng: 03/12/2014

Đan xen màu xanh bạt ngàn của cà phê, rau thương phẩm là đủ màu sắc của những vườn Cẩm tú cầu, đó là bức tranh trù phú của xã Nam Hà, huyện Lâm Hà. Nơi mà cây hoa Cẩm tú cầu đã bén rễ và khoe sắc thắm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây.

Từ hơn 2 năm nay, kinh tế hộ gia đình ông Lê Văn Thành (55 tuổi, thôn Hai Bà Trưng, xã Nam Hà, huyện Lâm Hà) ngày càng trở nên khấm khá từ khi gia đình ông mạnh dạn chuyển đổi sang trồng hoa Cẩm tú cầu. Với 3 sào đất, ông Thành đầu tư hơn 40 triệu trồng 6.000 cây Cẩm tú cầu, chỉ sau 1 năm vườn hoa đã cho thu hoạch với hiệu quả kinh tế cao.

Ông Lê Văn Thành cho biết: “Chúng tôi học tập cách trồng và mua giống từ Đà Lạt về trồng, thật không ngờ đất ở đây rất thích hợp với hoa Cẩm tú cầu nên sống khỏe và đạt năng suất rất cao”.

Trên 3 sào hoa, cứ đều đặn mỗi tuần cắt 2 lần, mỗi lần gần 600 bông đã cho gia đình ông Thành nguồn thu nhập đáng kể. Theo ông Thành, giá thị trường giao động từ 6.000-7.000 đồng/bông như hiện tại, trừ chi phí thì vườn Cẩm tú cầu nhà ông cho thu khoảng 5 triệu đồng tiền lời mỗi tuần.

Nhận thấy thành công từ một vài hộ đem giống Cẩm tú cầu về trồng, đến nay bà con nông dân ở xã Nam Hà đã nhân rộng loại hoa này trên vùng đất đỏ nơi đây. Theo đa số những người trồng Cẩm tú cầu ở Nam Hà, cây hoa này rất dễ trồng và dễ chăm sóc, chỉ cần trồng bằng cành hoặc hạt là cây nhanh chóng bén rễ; từ lúc cây bắt đầu cho thu hoạch đến lúc trồng cây mới thời gian kéo dài từ một đến hai năm, cho thu nhập đều mà vốn ban đầu cũng không cao.

Ông Tạ Quang Việt - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Hà cho biết: “Hiện toàn xã có khoảng 20ha hoa Cẩm tú cầu, giá giống cây khoảng 6.000 đồng/cây, loại hoa này mới trồng ở đây nhưng cho bà con lãi khá cao mà công chăm sóc ít lại dễ trồng”. Hoa Cẩm tú cầu dễ trồng, chỉ cần nước, gầy giống cũng rất dễ, điều đặc biệt là hoa đổi màu theo thành phần của đất nuôi cây cho nên chỉ cần điều chỉnh độ pH cho đất thì hoa cũng cho ra nhiều màu sắc khác nhau. Ông Việt cũng cho biết thêm, đây là giống cây mới đem lại hiệu quả kinh tế nên huyện và xã đang hỗ trợ thêm bà con về kỹ thuật và nguồn giống để nhân rộng hơn loài hoa này.

Hồ hởi chỉ về phía 4 sào đất trồng hoa Cẩm tú cầu của gia đình mình, bà Phạm Thị Phẩm (thôn Hai Bà Trưng, xã Nam Hà) chia sẻ: “Từ ngày mạnh dạn chuyển đổi sang trồng Cẩm tú cầu nhà tôi thu nhập ổn định hơn, có tiền cho con cái đi học và gây dựng thêm vườn tược, nhà cửa. Tuy nhiên, với thị trường chủ yếu hiện nay là bán cho nhà buôn xuất đi các thành phố lớn thì nhà nông chúng tôi vẫn còn nhiều lo lắng về đầu ra ổn định lâu dài”.

Không chỉ mình bà Phạm Thị Phẩm mà đó còn là trăn trở của nhiều nhà nông trồng Cẩm tú cầu ở Nam Hà nhưng những hiệu quả và thành công bước đầu mà loại hoa này đem lại là tín hiệu vui cho nhà nông nơi đây. Tin rằng với sự hỗ trợ và định hướng lâu dài của chính quyền các cấp ở Lâm Hà sắc Cẩm tú cầu sẽ thêm thắm ở vùng đất bazan này, mở thêm hướng đi mới cho nhà nông.

Nguồn bài viết: http://baolamdong.vn/kinhte/201411/nam-ha-tham-sac-cam-tu-cau-2377983/


Có thể bạn quan tâm

Vào Vụ Cá Nam Ở Quảng Nam Vào Vụ Cá Nam Ở Quảng Nam

Những ngày qua, ngư dân tại các vùng biển đồng loạt bước vào vụ sản xuất chính trong năm. Ngành chức năng Quảng Nam cũng đã đề ra nhiều giải pháp để đồng hành với các chuyến xa khơi của ngư dân.

06/04/2013
Nuôi Ong Lấy Mật - Cải Thiện Kinh Tế Hộ Gia Đình Nuôi Ong Lấy Mật - Cải Thiện Kinh Tế Hộ Gia Đình

Mấy năm nay, những lúc nông nhàn, ông Ngô Quang Thạo, ở xã Minh Tân (huyện Kiến Thụy - Hải Phòng) có thêm nghề quay mật cho những hộ nuôi ong trong vùng. Cứ đến mùa thu hoạch, ông Thạo lại đạp xe rong ruổi khắp làng trên xóm dưới quay mật giúp mọi người. Ông ít khi lấy tiền công quay mật nên mọi người thường cảm ơn bằng cách gửi biếu con gà, đôi vịt, lít mật ong...

29/10/2013
Mô Hình Nuôi Cút Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Khá Mô Hình Nuôi Cút Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Khá

Anh Phan Thanh Nhã, ấp 4, xã Trung An, TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) bắt đầu việc nuôi cút từ năm 2001, lúc đầu gia đình anh nuôi khoảng 4.000 con cút giống, sau 3 tuần đàn cút bắt đầu đẻ trứng. Thời gian đầu cút thường xuyên bị chết do mắc một số bệnh thông thường. Thế nhưng anh không nản chí mà tiếp tục học hỏi kinh nghiệm từ những hộ nuôi cút khác, từ đó anh có biện pháp phòng ngừa bệnh kịp thời nên về sau đàn cút luôn khỏe mạnh và cho trứng khá đều.

06/04/2013
Tôm Giống Ế Ẩm Đầu Ra Ở Cà Mau Tôm Giống Ế Ẩm Đầu Ra Ở Cà Mau

Sau thời gian dịch bệnh tôm nuôi kéo dài, người nuôi tôm lẫn các trại giống đều mòn mỏi đợi chờ một kết cục sáng sủa hơn. Bởi, hiện các trại sản xuất giống trong tỉnh Cà Mau ế, không bán được, một số đứng trước nguy cơ đóng cửa.

08/04/2013
Đồng Bằng Sông Cửu Long Không Mở Rộng Diện Tích Nuôi Tôm Sú Đồng Bằng Sông Cửu Long Không Mở Rộng Diện Tích Nuôi Tôm Sú

Năm 2013, các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được ngành thủy sản khuyến cáo không mở rộng diện tích nuôi tôm sú mà chỉ giữ diện tích nuôi tương đương với năm 2012 là 580.000 ha. Vùng nuôi tập trung tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang và Long An; trong đó, tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi lớn nhất với 265.650 ha.

08/04/2013