Nam Định đẩy mạnh tiêm phòng vụ xuân cho đàn gia súc, gia cầm

Để triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, UBND tỉnh cấp kinh phí mua vắc-xin dịch tả để tiêm phòng cho đàn lợn và một phần vắc-xin lở mồm, long móng cho đàn trâu, bò, dê. Chi cục Thú y tỉnh đã chủ động nhập 310 nghìn liều vắc-xin dịch tả lợn; 30 nghìn liều vắc-xin lở mồm, long móng gia súc; 40 nghìn liều vắc-xin dại chó, mèo và cung ứng kịp thời, đảm bảo số lượng, chất lượng cho các địa phương triển khai tiêm phòng. Bên cạnh đó, Chi cục tổ chức tập huấn kỹ thuật cho lực lượng tham gia tiêm phòng về quy trình sử dụng vắc-xin, bao gồm các khâu bảo quản, pha chế, liều lượng, kỹ thuật tiêm…
Tổ chức tiêm điểm để rút kinh nghiệm trước khi tiêm đại trà. UBND các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể đối với từng đối tượng phải tiêm phòng bắt buộc và chỉ đạo các xã, thị trấn chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tổ chức tiêm phòng nhằm đảm bảo nhanh gọn, đúng thời gian, đồng loạt để phát huy tối đa hiệu quả của vắc-xin. Vận động người chăn nuôi chủ động mua những loại vắc-xin không được tỉnh hỗ trợ để tiêm phòng cho gia súc, gia cầm theo quy định.
Các xã, thị trấn giao trưởng thôn, xóm chịu trách nhiệm thống kê tổng đàn, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các hộ chăn nuôi của thôn, xóm, báo cáo tình hình tại cuộc họp giao ban tuần, tháng của xã và báo cáo đột xuất khi dịch xảy ra. Công tác tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm vụ xuân năm nay tại Giao Thủy đã được huyện chỉ đạo đồng bộ và quyết liệt. Đồng chí Phan Văn Khoa, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Giao Thủy cho biết: Để công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm trong vụ xuân đạt kết quả cao, UBND, Ban nông nghiệp các xã, thị trấn, Ban quản trị các HTXDVNN trên địa bàn huyện thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin để người dân hiểu rõ tính chất, mức độ nguy hại của các loại dịch bệnh, không chỉ gây hại ở đàn vật nuôi mà còn lây lan và gây tử vong ở người, nhất là các bệnh: tai xanh, dịch tả lợn, tụ huyết trùng lợn, lở mồm, long móng gia súc, bệnh cúm gia cầm, bệnh chó dại.
Qua đó vận động người chăn nuôi tự giác tiêm phòng trên nguyên tắc “đã chăn nuôi phải tiêm phòng” và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Đến nay, huyện đã tiêm vắc-xin dịch tả, tụ huyết trùng lợn được 30 nghìn con chính vụ và bổ sung 5.200 con; tiêm vắc-xin lở mồm, long móng cho 1.950 con trâu, bò, dê. Từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra trường hợp 5 con chó cắn 12 người tại xã Giao Thanh, Giao Hải và Thị trấn Ngô Đồng.
Trước tình hình trên, UBND huyện Giao Thủy đã chỉ đạo Phòng Y tế huyện tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho những người bị chó cắn đúng quy trình và liều lượng quy định. Trạm Thú y huyện cùng chính quyền các xã, thị trấn theo dõi những con chó cắn người và triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại; tổ chức tiêm phòng toàn bộ 2.700 con chó tại xã Giao Thanh, Giao Hải và Thị trấn Ngô Đồng. Đồng thời Trạm Thú y huyện cấp cho 3 địa phương trên 240 lít hóa chất để phun khử trùng, tiêu độc kịp thời ngăn chặn sự phát sinh và lây lan của bệnh dại.
Trong đợt tiêm phòng vắc-xin vụ xuân năm nay, các xã, thị trấn trong huyện đã tiêm vắc-xin dại cho 8.040 con chó, đạt 52,5% kế hoạch, cao nhất toàn tỉnh. Hiện Trạm Thú y huyện đang tiếp tục hướng dẫn tiêm phòng cho đàn lợn ở các trang trại, gia trại phù hợp với quy trình chăn nuôi và chu chuyển đàn. Triển khai công tác tiêm phòng vụ xuân, huyện Trực Ninh đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát lại toàn bộ đàn gia súc, gia cầm để bảo đảm tiêm phòng 100% số gia súc, gia cầm trong diện tiêm nhằm tránh tư tưởng chủ quan, lơ là, nhất là tại các địa phương đã xảy ra dịch, các địa phương có mật độ đàn vật nuôi cao.
Đồng thời nâng cao trách nhiệm của thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; trưởng thôn, xóm; trưởng thú y trong công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Trạm Thú y huyện phối hợp với Đài phát thanh huyện, các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ vắc-xin của tỉnh đồng thời biểu dương những đơn vị tổ chức tiêm phòng nhanh, đạt kết quả cao. Bên cạnh đó, UBND huyện Trực Ninh thành lập 4 đoàn công tác thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh và tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm tại các xã, thị trấn.
Nhờ triển khai quyết liệt nên toàn huyện đã tiêm vắc-xin dịch tả, tụ huyết trùng lợn đạt 85% kế hoạch; lở mồm, long móng cho trâu, bò, dê đạt 62,7%; dại cho chó đạt 49%.
Tính đến ngày 1-4-2015, các huyện, thành phố đã cơ bản tiêm phòng xong vắc-xin cho đàn lợn, đàn trâu, bò, dê; các huyện: Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường cơ bản tiêm xong vắc-xin cho đàn chó. Cụ thể toàn tỉnh đã tiêm vắc-xin dịch tả, tụ huyết trùng cho lợn được 251.529 con, đạt 66,2% kế hoạch; tiêm vắc-xin lở mồm, long móng cho đàn trâu, bò, dê được 19.508 con, đạt 61%; tiêm vắc-xin dại cho đàn chó được 27.523 con, đạt 21,17%. Ngoài ra, nhiều trang trại, gia trại đã chủ động mua vắc-xin dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn, suyễn lợn; Niu-cát-sơn, tụ huyết trùng gia cầm, dịch tả vịt, Gumboro, đậu gà... về tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm.
Có thể nói, công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm trong vụ xuân năm nay được các địa phương thực hiện nhanh, gọn và đạt kết quả cao hơn hẳn so với các năm trước. Kết thúc đợt tiêm phòng chính vụ, các địa phương sẽ tiếp tục tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm mới phát sinh và những con chưa được tiêm phòng trong đợt chính vụ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh xảy ra, tạo điều kiện để phát triển chăn nuôi và bảo vệ cho sức khỏe nhân dân./.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 31-7, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai cho biết, mới phát hiện 15 cơ sở chăn nuôi, giết mổ có sử dụng chất cấm (Beta-agonist) trong chăn nuôi heo nằm trên địa bàn các huyện: Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Trảng Bom, Long Thành và TP. Biên Hòa. Trong đó, huyện Vĩnh Cửu có 5 trang trại dùng chất cấm, gồm các hộ: Trần Thanh Nghị, Bùi Thị Sáu, Nguyễn Thành An, Nguyễn Khoa Hồ, Trịnh Minh Tâm (đều ở thị trấn Vĩnh An); huyện Trảng Bom có 5 trang trại của các hộ: Phạm Trà, Phan Thanh Canh (xã Tây Hòa), Trần Thanh Phong, Phạm Mai Trang, Nguyễn Hữu Trung (xã Đông Hòa); huyện Xuân Lộc có 3 trang trại của các hộ: Phạm Đình Trúc, Huỳnh Thanh Sơn (xã Suối Cao), Nguyễn Đức Minh (xã Xuân Định); huyện Long Thành có 1 trang trại của hộ Trần Thanh Liêm (xã Bàu Cạn) và TP. Biên Hòa phát hiện 1 mẫu tại cơ sở giết mổ gia súc của hộ Nguyễn Viết Dũng (phường Long Bình).

Nhằm cải tạo môi trường trong chăn nuôi, giúp nông dân giảm bớt chi phí sản xuất, năm 2014 huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai xây dựng mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Đến nay, toàn huyện có hơn 200 hộ sử dụng đệm lót sinh học, tập trung ở các xã Thiệu Phú, Thiệu Viên, Thiệu Minh, Thiệu Vũ...

Giá gà nhập khẩu vào các siêu thị rẻ, lượng nhập lớn, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi cao, nhiều rủi ro trong dịch bệnh là nguyên nhân khiến người nuôi gà theo mô hình trang trại, gà công nghiệp trong tỉnh Nghệ An đang bị “lép vế”.

Những năm gần đây, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) đã có nhiều biện pháp nhằm giúp người dân nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi gà như: Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các ngành có liên quan của tỉnh, Trung ương mời chuyên gia chăn nuôi đầu ngành về tập huấn, hướng dẫn, xây dựng quy trình chăn nuôi gà, quản lý tốt đầu vào, như thức ăn, thuốc thú y, con giống.

Sau hơn một năm triển khai thực hiện, Dự án Phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2013 – 2020 đã bắt đầu bộc lộ những khó khăn nhất định. Sự kỳ vọng về giảm nghèo bền vững từ nghề nuôi bò sữa vì thế cũng khó đạt được như mong đợi.