Năm 2014 Phấn Đấu Tổng Sản Lượng Khai Thác Đạt 1,582 Triệu Tấn

“Để triển khai tốt vụ cá Nam năm 2014, Sở NN-PTNT và Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản các tỉnh, thành phố ven biển cần tổ chức tốt việc huy động lực lượng phương tiện nghề nghiệp đánh bắt, tổ chức có hiệu quả việc thực thi các chính sách của Trung ương và địa phương; tăng cường công tác quản lý tàu cá, phát huy vai trò của chính quyền cơ sở, các tổ chức xã hội – các hội nghề nghiệp tham gia quản lý và tổ chức sản xuất nghề cá”- Đây là một trong những nội dung Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam Nguyễn Huy Điền cho biết tại Hội nghị tổng kết khai thác vụ cá Bắc năm 2013-2014 và kế hoạch triển khai vụ cá Nam năm 2014 tại hội trường UBND TP Tuy Hòa (Phú Yên) do Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức vào chiều 30-3.
Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục Khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết: Vụ cá Bắc năm 2013 – 2014 gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến thất thường; giá xăng, dầu tiếp tục tăng ảnh hưởng đến hoạt động khai thác hải sản; giá bán các sản phẩm khai thác không tăng; tình hình an ninh trên biển vẫn còn diễn biến phức tạp.
Tổng sản lượng khai thác thủy sản vụ cá Bắc năm 2013-2014 đạt 1,261 triệu tấn, tăng 7,8% kế hoạch, tăng 1,2% so với vụ cá Bắc năm 2012-2013.
Trong đó, sản lượng khai thác biển đạt 1,197 triệu tấn, tăng 7,84% kế hoạch, sản lượng khai thác thủy sản nội địa đạt 64.000 tấn, tăng 6,67% kế hoạch. Đến nay, cả nước có trên 3.750 tổ, đội với khoảng 22.000 tàu cá và 145.000 lao động tham gia. Các địa phương đã thí điểm thành lập trên 50 nghiệp đoàn đánh cá với quy mô lớn và tổ chức điều hành bài bản.
Công tác quản lý tàu cá được tăng cường, đại bộ phận tàu cá được đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thủy sản; ngư dân đã khôi phục được sản xuất khi gặp rủi ro trên biển; thông tin liên lạc giữa các tàu cá với nhau và giữa tàu cá với cơ quan quản lý bước đầu được ổn định, thông suốt, góp phần vào việc phòng, tránh, giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai trên biển đối với ngư dân.
Bên cạnh những ưu điểm, trong vụ cá Bắc năm 2013-2014 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, sản lượng khai thác tuy tăng nhưng năng suất đánh bắt, chất lượng và giá sản phẩm giảm, hiệu quả của các nhóm khai thác không cao. Hệ thống dịch vụ hậu cần còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Số lượng tàu cá nhỏ đánh bắt ven bờ lớn, gây tổn hại nguồn lợi ven bờ. Công tác bảo quản sản phẩm sau thu hoạch vẫn chưa được quan tâm một cách đúng mức. Các vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thường xuyên xảy ra ở nhiều nơi…
Trong vụ cá Nam năm 2014, Tổng cục Thủy sản đặt mục tiêu khai thác 1,582 triệu tấn; trong đó, khai thác hải sản là 1,461 triệu tấn, khai thác nội địa là 121.000 tấn. Tổng cục Thủy sản kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi giá trị sản phẩm.
Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân tổ chức sản xuất theo mô hình tổ, đội liên kết; hỗ trợ tín dụng cho ngư dân khai thác xa bờ được vay vốn ngắn hạn, trung và dài hạn, đề xuất cụ thể điều kiện cho vay, mức vay, thời gian, cơ chế cho vay và xử lý rủi ro… UBND các tỉnh, thành phố ven biển đôn đốc triển khai thực hiện quyết định về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Tại hội nghị, đại diện Viện nghiên cứu Hải sản đã báo cáo dự báo ngư trường khai thác hải sản vụ cá Nam năm 2014; đồng thời báo cáo kết quả điều tra nguồn lợi thủy sản vùng biển Việt Nam giai đoạn 2011-2013 và một số kết quả nghiên cứu áp dụng trong khai thác thủy sản.
Đại diện Sở NN-PTNT các tỉnh Phú Yên, Nghệ An, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng báo cáo tổng kết khai thác vụ cá Bắc năm 2013-2014 và kế hoạch triển khai vụ cá Nam năm 2014 của các địa phương này.
Các đại biểu tập trung thảo luận về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dự báo ngư trường khai thác hải sản; đề án tái cơ cấu trong lĩnh vực khai thác thủy sản phù hợp với trữ lượng, khả năng khai thác cho phép của từng vùng miền; công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch trên tàu cá; hợp tác quốc tế trong khai thác thủy sản…
Có thể bạn quan tâm

Theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa được Chính phủ ban hành, hành vi sử dụng các biện pháp, phương tiện, công cụ có tính hủy diệt trong khai thác tài nguyên và nguồn lợi biển sẽ bị phạt tiền từ 80-150 triệu đồng.

Không chỉ là xã ven biển có diện tích mặt nước mặn, nước lợ chiếm gần 50% tổng diện tích tự nhiên, Tiền Phong (TX Quảng Yên, Quảng Ninh) còn có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng thuỷ hải sản. Chính vì thế, những năm qua, dựa vào lợi thế sẵn có của địa phương, người dân xã Tiền Phong đã mạnh dạn lựa chọn và đưa nhiều loại giống thuỷ sản mới vào nuôi thí điểm. Không ít mô hình nuôi trồng thuỷ sản cho hiệu quả kinh tế cao đã thành công và được nhân ra trên diện rộng. Nuôi cá vược theo hình thức quảng canh là một trong những mô hình như thế...

Để việc triển khai quy chế quản lý cá tra bố mẹ hiệu quả, Chi cục Nuôi trồng thủy sản đã phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Đại, Châu Thành (Bến Tre) tiến hành khảo sát tình hình khai thác đàn cá tra bố mẹ chọn giống tại các cơ sở sản xuất giống.

Chưa bao giờ phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát rộ lên mạnh mẽ như thời gian gần đây. Trong khi việc kiểm soát của địa phương, ngành chức năng còn nhiều khó khăn, sông Trường Giang tiếp tục gồng mình với tình trạng rút ruột và xả thải.

Ít nơi nào trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hoạt động chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững như thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang). Sau khi nuôi heo, gà hiệu quả kinh tế không cao, năm 2005, hàng chục hộ ở đây chuyển sang nuôi chim cút. Mấy năm gần đây, loài chim này đem lại cơ hội làm giàu cho hơn 60 gia đình.