Năm 2014, Đồng Tháp Xóa Điểm Nóng Về Cúm Gia Cầm

Nhờ thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi nên trong năm 2014 tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh Đồng Tháp giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý, năm qua ngành thú y đã kiểm soát tốt các dịch bệnh nguy hiểm như: cúm gia cầm; lở mồm long móng (LMLM), tai xanh trên gia súc.
Năm 2014 được xem là một năm khá thành công đối với ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh nhà. Nếu như những năm trước đây, Đồng Tháp bị xem là một trong những điểm nóng về dịch cúm trên gia cầm thì trong năm nay, tình hình dịch cúm ở đàn gia cầm của tỉnh lắng dịu và được kiểm soát tốt.
Để đạt được kết quả khả quan như vậy, thời gian qua, ngành thú y đã chủ động thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể như: tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện dịch bệnh kịp thời từ hộ chăn nuôi, đặc biệt là nơi có ổ dịch cũ; mạng lưới thú y xã, phường được đào tạo chuyên nghiệp, bám sát địa bàn, cơ sở.
Song song đó, trong năm qua, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền mà nhận thức của người tiêu dùng và người chăn nuôi được nâng lên rõ rệt. Người dân ý thức hơn trong việc tiêm phòng vắc-xin cúm cho đàn gia cầm cũng như xử lý gia cầm bị nhiễm bệnh.
Năm 2014, toàn tỉnh thực hiện tiêm phòng trên 13 triệu liều vắc xin cúm gia cầm, trên 170 ngàn liều vắc xin dịch tả heo và hơn 20 ngàn liều vắc xin LMLM cho đàn trâu bò. Ngành cũng triển khai nhiều đợt tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi trên toàn tỉnh với hơn 35 ngàn lít Benkocid.
Chính nhờ công tác quản lý dịch bệnh được thực hiện thường xuyên nên tình hình dịch bệnh trong năm 2014 giảm đáng kể. Vì vậy, trong năm qua, chăn nuôi gia súc, gia cầm có xu hướng phát triển tốt do dịch bệnh được khống chế, giá bán các sản phẩm gia súc, gia cầm có chiều hướng tăng đã kích thích nhiều hộ chăn nuôi tập trung mở rộng quy mô, tái đàn trở lại.
Tính đến tháng 11/2014, số lượng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh tăng so với cùng kỳ, cụ thể: tổng đàn vịt của tỉnh trong năm qua trên 2,6 triệu con, tăng 20,33% so với cùng kỳ; tổng đàn gà trên 500 ngàn con, tăng 29,58%.
Đặc biệt, trong năm qua tổng đàn bò của tỉnh không những chất lượng đàn bò thịt được cải thiện đáng kể mà ngay cả số lượng cũng tăng nhanh với 33.500 con, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước.
Những tháng cuối năm là thời điểm thuận lợi cho các loại dịch bệnh nguy hiểm trên động vật phát sinh và lây lan. Nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm tăng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán; thời tiết chuyển lạnh làm giảm sức đề kháng của gia súc, gia cầm, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát tán và gây bệnh...
Do vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đảm bảo an toàn thực phẩm tươi sống đang được ngành thú y khẩn trương thực hiện.
Ông Võ Trọng Phước - Phó Chi Cục Trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, giết mổ, mua bán gia súc, gia cầm được ngành thú y tiến hành thường xuyên. Tuy nhiên, vào thời điểm Tết Nguyên đán, lượng gia súc, gia cầm được vận chuyển, giết mổ, mua bán sẽ tăng cao.
Vì vậy, ngành sẽ tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, giết mổ, mua bán gia súc, gia cầm để đảm bảo nguồn thực phẩm tươi sống an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Chi cục Thú y sẽ cử cán bộ thú y túc trực, tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y tại các chợ trên địa bàn, đảm bảo thực phẩm tươi sống bày bán phải qua kiểm dịch.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai tiêm phòng bổ sung cho gia súc, gia cầm mới nhập đàn; tăng cường giám sát dịch bệnh đến từng hộ gia đình nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi có dịch xảy ra. Ngành sẽ tập trung toàn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi từ nay đến Tết Nguyên đán, chúng tôi cố gắng hết sức và cam kết dứt khoát không để dịch cúm gia cầm bùng phát vào Tết Nguyên đán năm nay”.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 13/7, tại Bạc Liêu, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chủ trì hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Tái cơ cấu ngành thủy sản, do Bộ NN-PTNT phối hợp BCĐ Tây Nam bộ và UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức.

Những ngày này, đi dọc các vùng nuôi tôm công nghiệp nằm ở ven biển thuộc các xã Bạch Long, Giao Phong, Quất Lâm (Giao Thủy); Hải Đông, Hải Lý, Hải Chính, Hải Triều (Hải Hậu); Nghĩa Phúc, Nam Điền (Nghĩa Hưng)… chúng tôi bắt gặp các hộ nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi, đổ ra các ao đầm miệt mài kéo tôm để kịp xuất bán cho thương lái.

Vụ chiêm xuân năm nay, lần đầu tiên đưa vào áp dụng sản xuất đại trà song nông dân xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao đã bội thu từ mô hình lúa tái sinh.

Hơn một năm kể từ khi Nghị định 36/2014/NĐ-CP về về nuôi, chế biến và XK sản phẩm cá tra chính thức có hiệu lực thi hành, đến nay các DN XK cá tra vẫn cho rằng nhiều quy định trong Nghị định chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, cần phải sửa đổi kịp thời để không gây cản trở, khó khăn cho DN.

Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho biết, trong tháng 6, công ty này đã nhập 1.330 tấn đường từ Lào tương đương 803.320 USD. Lượng đường này được nhập khẩu theo quy định tại Thông tư 08/2015/TT-BCT và đều được nhập khẩu qua cửa khẩu Bờ Y.