Năm 2014, Đồng Tháp Xóa Điểm Nóng Về Cúm Gia Cầm

Nhờ thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi nên trong năm 2014 tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh Đồng Tháp giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý, năm qua ngành thú y đã kiểm soát tốt các dịch bệnh nguy hiểm như: cúm gia cầm; lở mồm long móng (LMLM), tai xanh trên gia súc.
Năm 2014 được xem là một năm khá thành công đối với ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh nhà. Nếu như những năm trước đây, Đồng Tháp bị xem là một trong những điểm nóng về dịch cúm trên gia cầm thì trong năm nay, tình hình dịch cúm ở đàn gia cầm của tỉnh lắng dịu và được kiểm soát tốt.
Để đạt được kết quả khả quan như vậy, thời gian qua, ngành thú y đã chủ động thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể như: tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện dịch bệnh kịp thời từ hộ chăn nuôi, đặc biệt là nơi có ổ dịch cũ; mạng lưới thú y xã, phường được đào tạo chuyên nghiệp, bám sát địa bàn, cơ sở.
Song song đó, trong năm qua, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền mà nhận thức của người tiêu dùng và người chăn nuôi được nâng lên rõ rệt. Người dân ý thức hơn trong việc tiêm phòng vắc-xin cúm cho đàn gia cầm cũng như xử lý gia cầm bị nhiễm bệnh.
Năm 2014, toàn tỉnh thực hiện tiêm phòng trên 13 triệu liều vắc xin cúm gia cầm, trên 170 ngàn liều vắc xin dịch tả heo và hơn 20 ngàn liều vắc xin LMLM cho đàn trâu bò. Ngành cũng triển khai nhiều đợt tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi trên toàn tỉnh với hơn 35 ngàn lít Benkocid.
Chính nhờ công tác quản lý dịch bệnh được thực hiện thường xuyên nên tình hình dịch bệnh trong năm 2014 giảm đáng kể. Vì vậy, trong năm qua, chăn nuôi gia súc, gia cầm có xu hướng phát triển tốt do dịch bệnh được khống chế, giá bán các sản phẩm gia súc, gia cầm có chiều hướng tăng đã kích thích nhiều hộ chăn nuôi tập trung mở rộng quy mô, tái đàn trở lại.
Tính đến tháng 11/2014, số lượng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh tăng so với cùng kỳ, cụ thể: tổng đàn vịt của tỉnh trong năm qua trên 2,6 triệu con, tăng 20,33% so với cùng kỳ; tổng đàn gà trên 500 ngàn con, tăng 29,58%.
Đặc biệt, trong năm qua tổng đàn bò của tỉnh không những chất lượng đàn bò thịt được cải thiện đáng kể mà ngay cả số lượng cũng tăng nhanh với 33.500 con, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước.
Những tháng cuối năm là thời điểm thuận lợi cho các loại dịch bệnh nguy hiểm trên động vật phát sinh và lây lan. Nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm tăng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán; thời tiết chuyển lạnh làm giảm sức đề kháng của gia súc, gia cầm, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát tán và gây bệnh...
Do vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đảm bảo an toàn thực phẩm tươi sống đang được ngành thú y khẩn trương thực hiện.
Ông Võ Trọng Phước - Phó Chi Cục Trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, giết mổ, mua bán gia súc, gia cầm được ngành thú y tiến hành thường xuyên. Tuy nhiên, vào thời điểm Tết Nguyên đán, lượng gia súc, gia cầm được vận chuyển, giết mổ, mua bán sẽ tăng cao.
Vì vậy, ngành sẽ tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, giết mổ, mua bán gia súc, gia cầm để đảm bảo nguồn thực phẩm tươi sống an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Chi cục Thú y sẽ cử cán bộ thú y túc trực, tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y tại các chợ trên địa bàn, đảm bảo thực phẩm tươi sống bày bán phải qua kiểm dịch.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai tiêm phòng bổ sung cho gia súc, gia cầm mới nhập đàn; tăng cường giám sát dịch bệnh đến từng hộ gia đình nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi có dịch xảy ra. Ngành sẽ tập trung toàn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi từ nay đến Tết Nguyên đán, chúng tôi cố gắng hết sức và cam kết dứt khoát không để dịch cúm gia cầm bùng phát vào Tết Nguyên đán năm nay”.
Có thể bạn quan tâm

Ấu là loài cây thủy sinh rất thích hợp trồng trong mùa nước nổi, vì vậy loại cây này được khá nhiều bà con nông dân huyện Lấp Vò chọn trồng nhằm cải thiện thu nhập. Nếu biết cách trồng và chăm sóc hợp lý thì đây là một trong những loại cây màu thích hợp sống chung với lũ ở những vùng trồng lúa kém hiệu quả.

Vợ chồng anh Võ Hoàng Nam ở ấp Tân Hưng, xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông đã có hơn 2 năm làm nghề cào và luộc hến cho biết: hơn nửa tháng nay, ngày nào vợ chồng anh cũng sử dụng ghe cào được trên dưới 100kg hến; đưa vào lò luộc đãi vỏ lấy được 15 - 20kg thịt hến.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười, tổng diện tích do bị đổ ngã là 4.827ha, tập trung ở các xã Mỹ An, Mỹ Quí, Mỹ Đông, thị trấn Mỹ An... lúa bị thiệt hại chủ yếu trong giai đoạn trổ chín; ước tính tổng thiệt hại là gần 4,4 tỷ đồng.

Nhà vườn Bùi Văn Sữa ở xã Định Yên cho biết, hiện vườn nhà ông có khoảng 2.600m2 đất trồng quýt đường, với trên 280 gốc, đang cho thu hoạch rộ. So với trồng quýt hồng thì quýt đường cho năng suất cao hơn, với khoảng 20kg/cây, ít sâu bệnh, khi cây đã lớn chủ yếu bón phân hữu cơ, cây cho trái luân phiên.

Thời gian qua, huyện Cao Lãnh đẩy mạnh đầu tư khai thác các sản phẩm chủ lực của địa phương như: lúa, xoài, thủy sản, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học... Điểm nổi bật trong sản xuất nông nghiệp của huyện thời gian qua là thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.