Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) Ra Mắt Trang Trại Nuôi Bò Sữa Hiện Đại

Sáng ngày 27/02, Doanh nghiệp tư nhân Tân Tài Lộc tổ chức buổi ra mắt trang trại chăn nuôi bò sữa theo hướng hiện đại chuyên nghiệp. Đến tham quan trang trại có ông Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Sóc Trăng, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh và lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Xuyên.
Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Tân Tài Lộc Diệp Kỉnh Tân cho biết, trang trại dành nuôi bò sữa được đầu tư các trang thiết bị hiện đại nhập khẩu từ nước ngoài theo tiêu chuẩn của Hà Lan và bò cũng nhập trực tiếp từ Hà Lan về. Quy mô trang trại là 200 con bò sữa, trước mắt đơn vị sẽ nhập khẩu bò trong giai đoạn 1 là 100 con, dự kiến ngày 01 tháng 3, bò sẽ đưa về tới trang trại.
Riêng về thiết bị phục vụ trong việc chăn nuôi bò tất cả đều được tự động hóa như máy cào phân, máy lọc không khí, máy vắt sữa và ống chuyền sữa sẽ tự động chuyển sữa trực tiếp vào bình chứa sữa bảo quản lạnh. Còn nguồn thức ăn cho bò, đơn vị dành hẳn diện tích 8ha đất để trồng các loại cỏ trong và ngoài nước, kể cả bắp để cho bò ăn.
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo nguồn thức ăn tươi mới, chất lượng, đơn vị đã gắn các thiết bị phun tưới tự động theo công nghệ phun tưới rau màu của Đà Lạt. Hướng chăn nuôi của đơn vị là vừa thu sữa bán cho các công ty sữa đã được ký kết. Qua đó, sẽ mở dịch vụ gieo tinh cho khu vực lân cận, kể cả dịch vụ thú y toàn tỉnh và thu gom sữa, tạo việc làm cho lao động nông thôn, ký kết chuyển giao công nghệ cũng như thu mua cỏ của bà con nông dân tại địa phương.
Phấn khởi khi huyện có trang trại chăn nuôi bò sữa, tạo bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên Lương Minh Quyết chia sẻ, con bò sữa cũng là một trong những vật nuôi huyện rất quan tâm phát triển và huyện cũng là đơn vị nằm trong vùng đề án bò sữa của tỉnh.
Do vậy, đàn bò sữa được nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại sẽ tạo khâu đột phá mới cho người chăn nuôi bò, nhất là người dân nuôi nhỏ lẻ học hỏi được kinh nghiệm nuôi bò, nhằm đảm bảo chất lượng sữa và khâu chăm sóc bò toàn diện hơn.
Có thể bạn quan tâm

Phòng NN - PTNT Lục Ngạn (Bắc Giang) đang hỗ trợ 38 hộ nông dân ở thôn Thượng, xã Hồng Giang thực hiện mô hình trồng 4 ha giống cà chua Hồng Châu của Cty Sygenta Việt Nam. Đây là giống cà chua lai F1, có đặc điểm: kháng bệnh vàng xoăn lá tốt; sinh trưởng và phát triển khoẻ, chiều cao của cây đạt từ 1,2 – 1,4 m; tỷ lệ cây ra hoa và đậu quả sai (từ 80 – 120 quả/cây)

Hiện nay nhiều vùng nuôi tôm ở tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra tôm chết hàng loạt, khiến nông dân loay hoay chưa có biện pháp khắc phục. Đặc biệt 5 xã phía đông của huyện Tư Nghĩa đã xuống giống khoảng 150 ha diện tích ao, hồ, nhưng đã có hơn 100 ha tôm chết, khiến bà con rơi vào cảnh điêu đứng.

Tấm giấy chứng nhận GlobalGAP đã và đang nâng dần giá trị trái ngon ở ĐBSCL. Tuy vậy, bên cạnh cái được thì vẫn còn tồn tại cái chưa được GlobalGAP.

Hến biển có tên khoa học là Scirpus littoralis Schrab (theo sách phân loại của Phạm Hoàng Hộ, quyển III, tập 2, trang 633, NXB Mekong, 1993) nông dân huyện Đông Hải, Giá Rai (Bạc Liêu) gọi là Cỏ Năng Tượng

Theo Trạm Thủy sản số 2 (thuộc Chi cục Thủy sản), hiện trên địa bàn huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) có 70 hộ ương nghêu giống với tổng diện tích ao ương khoảng 110 ngàn m2, tăng gần 30 ngàn m2 so với năm 2011. Trong đó, có 30 hộ với 45 ngàn m2 ương giống từ nguồn nghêu có nguồn gốc Cà Mau, diện tích còn lại khoảng 65 ngàn m2 các hộ chuẩn bị dùng để ương giống tự nhiên tại chỗ.