Mường Ảng Tập Trung Sản Xuất Vụ Mùa

Với mục tiêu năng suất, sản lượng trong sản xuất lúa mùa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của địa phương, huyện Mường Ảng tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng phương án sản xuất, chuẩn bị tốt các điều kiện về giống, vật tư phân bón và kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm khuyến khích người dân tích cực sản xuất vụ mùa…
Theo kế hoạch, vụ mùa năm nay huyện Mường Ảng sẽ gieo cấy gần 1.400ha lúa, tập trung tại các xã: Ẳng Cang, Mường Lạn, Mường Đăng, Búng Lao, Xuân Lao, Ẳng Tở… Huyện chỉ đạo các địa phương ổn định cơ cấu giống lúa lai không vượt quá 30%, các giống lúa cấp I, lúa thuần chiếm 70% diện tích. Đối với các vùng có điều kiện sản xuất thuận lợi, như: Búng Lao, Ẳng Cang, Xuân Lao bà con sử dụng các giống lúa chất lượng (chiếm từ 40 - 45% cơ cấu giống).
Thực hiện chính sách hỗ trợ giống cho người dân sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống lúa, huyện tiến hành cung ứng đầy đủ 25% lượng giống vụ mùa trên toàn bộ diện tích gieo cấy, không để xảy ra tình trạng bà con gieo cấy các giống lúa cũ, như: Bao thai, CR203… hay các giống lúa không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. Các giống lúa trước khi đưa vào sản xuất được kiểm dịch chặt chẽ, xử lý sâu bệnh ngay từ khâu ngâm, ủ. Đối với diện tích sản xuất áp dụng biện pháp gieo thẳng khi chủ động được nguồn nước tưới tiêu thực hiện phun thuốc trừ cỏ theo đúng kỹ thuật.
Ngay từ đầu vụ, nông dân các xã, thị trấn đều được cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh đầu vụ. Ưu tiên hướng dẫn các biện pháp phòng trừ ốc bươu vàng; sâu năn đầu vụ, tập đoàn rầy nhằm ngăn ngừa bệnh lùn sọc đen, sâu cuốn lá. Đồng thời khuyến khích người dân tăng cường sử dụng nguồn phân bón hữu cơ kết hợp với phân vô cơ cân đối đảm bảo lượng NPK; đặc biệt là sử dụng phân chuồng vừa cải tạo đất, nâng cao năng suất cây trồng vừa đảm bảo vệ sinh môi trường khu dân cư.
Nhằm tránh tình trạng sâu năn xuất hiện và gây hại thường xảy ra trên trà lúa muộn, các phòng, đơn vị chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con tuân thủ đúng kỹ thuật sản xuất, từ khâu làm đất, ngâm ủ giống, làm mạ đến kỹ thuật gieo cấy đảm bảo tiến độ mùa vụ. Nghiêm cấm diện tích sản xuất lúa trà muộn gieo thẳng, vì sẽ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng.
Dự báo sản xuất vụ mùa thường có mưa lớn và xuất hiện lũ quét, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, huyện đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cử cán bộ trực tiếp phụ trách các địa phương để chỉ đạo, kiểm tra sản xuất ngay từ đầu vụ, có kế hoạch dự phòng giống để kịp thời khắc phục thiên tai; chỉ đạo các xã vùng thấp xây dựng phương án phòng chống úng lụt cho lúa; khuyến cáo bà con chủ động kiểm tra đồng ruộng, phối hợp cùng cán bộ kỹ thuật các phòng chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời sâu bệnh hại…
Sản xuất vụ mùa cũng là vụ sản xuất chính trong năm trên địa bàn huyện Mường Ảng. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, việc chủ động trong sản xuất ngay từ đầu vụ sẽ góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, nâng cao năng suất cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Anh Nguyễn Hữu Thành 47 tuổi là nông dân đầu tiên ở thôn Tân Hiệp (Hòa Sơn, Ninh Sơn) ứng dụng máy làm cỏ mía niên vụ 2013- 2014. Máy làm cỏ mía trị giá 28 triệu đồng do Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ theo chương trình cơ giới hóa đồng ruộng. Trong đó, gia đình anh Thành đóng góp 8 triệu đồng.

Phải khẳng định rằng Thủy sản là một trong những nhóm ngành xuất khẩu chủ lực và là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay, ngành Thủy sản gặp khó không chỉ ở yếu tố thị trường tiêu thụ bên ngoài mà còn chính ở những yếu tố nội tại trong nước. Vì vậy, việc tái cấu trúc quy trình sản xuất, xuất khẩu đang được đặt ra một cách cấp thiết.

Vụ hè thu năm nay, anh Trần Liền trồng 7 sào dưa lê trên vùng đất cát xã Nhơn Hải. Anh đầu tư chăm sóc chu đáo, đúng kỹ thuật nên cây dưa phát triển tốt, Anh thu hoạch đạt năng suất 2 tấn/sào, bán tại rẫy 5000 đồng/kg, trừ chi phí sản xuất anh còn lãi hơn 8 triệu đồng/sào, cao hơn nhiều loại cây trồng khác. Mỗi năm, anh trồng 2 vụ dưa lê đem lại nguồn thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống gia đình.

Vụ tôm năm nay, anh Phạm Văn Phú, thôn Sơn Hải (Phước Dinh, Thuận Nam) đầu tư 600 triệu đồng nuôi 3 sào tôm thẻ chân trắng theo mô hình trải bạt nổi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thực hiện Dự án Hỗ trợ Tam nông, huyện Bác Ái được chọn triển khai tại 9/9 xã trên toàn địa bàn huyện cho 5.423 hộ dân, trong đó có 3.618 hộ nghèo và 570 hộ cận nghèo. Gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững, Bác Ái xác định tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị trong chăn nuôi và nông sản hàng hóa từ lợi thế sẵn có của địa phương.