Muốn có bạc tỷ chỉ nuôi cá sấu

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của từng địa phương. Thời gian qua, nông dân tỉnh Bạc Liêu đã triển khai thực hiện nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao và đang được tiếp tục nhân rộng, trong đó mô hình nuôi cá sấu thương phẩm là một trong những mô hình tiêu biểu, giúp nhiều hộ nông dân vươn lên khá giàu.
Là một trong những hộ nuôi cá sấu đầu tiên ở huyện Phước Long, ông Đào Công Tâm cho biết, mỗi đợt gia đình ông thả nuôi với số lượng từ 200 - 500 con cá sấu. Hơn 10 năm qua, trung bình mỗi năm ông thu về lợi nhuận hơn 300 triệu đồng từ bán cá sấu thương phẩm, sau khi đã trừ các khoản chi phí.
“Muốn có bạc tỷ hoặc nửa tỷ trên vùng đất này chỉ có nuôi cá sấu. Nếu nuôi các thứ khác nếu có lãi chỉ khoảng vài chục triệu, muốn kiếm vài trăm triệu như cá sấu là khó lắm”, ông Tâm bộc bạch.
Ông Tâm cùng nhiều hộ dân ở đây nhận thấy, nuôi cá sấu có nhiều ưu điểm và giá thành đầu ra ổn định hơn so với các loài vật nuôi khác. Hiện nay, cá sấu nuôi chủ yếu để lấy da. Cá sấu thương phẩm có 2 hình thức bán: Bán nguyên con để xuất đi nước ngoài và bán cho các thương lái trong nước xẻ thịt, lấy da. Theo kinh nghiệm, khi cá sấu nuôi được 17 - 18 tháng, đạt trọng lượng 25 - 30kg là có thể bán.
Bà Trần Kim Nhứt ở xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long cũng cho biết, nuôi cá sấu dễ hơn nuôi các con khác như heo, gà, vịt. Bà Nhứt mong rằng giá cá sấu luôn ổn định để người dân tiếp nghề này.
Hiện tai, huyện Phước Long có hơn 600 hộ nuôi với tổng đàn cá sấu hơn 150.000 con. Theo ngành nông nghiệp huyện, vì cá sấu là động vật hung dữ nên việc đảm bảo an toàn cho người nuôi và cả những hộ dân xung quanh luôn được ngành quan tâm, nhắc nhở để các hộ chăn nuôi có sự đầu tư trang trại kỹ lưỡng với tường rào, lưới bảo vệ vững chắc.
Bên cạnh đó, để phát huy tính hiệu quả, hạn chế rủi ro khi thực hiện mô hình này, trong thời gian qua địa phương cũng đã phối hợp với các ngành hữu quan của tỉnh tăng cường công tập huấn, hướng dẫn những hộ nuôi cách chăm sóc, cách phòng bệnh cho cá sấu.
Ông Trần Quốc Hùng-Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu cho biết, Phòng Nông nghiệp, Chi cục kiểm lâm và Trạm thú y huyện luôn mở những lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân nuôi cá sấu đảm bảo hiệu quả, nâng cao năng suất, nhất là khi bà con nuôi cá sấu với số lượng lớn.
Từ những hiệu quả bước đầu mang lại, mô hình nuôi cá sấu thương phẩm được xem là một hướng đi mới của nông dân huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Mô hình này đã giúp cho bà con nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng huyện nông thôn mới Phước Long.
Có thể bạn quan tâm

Trong những năm qua, nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước đã hỗ trợ giúp ngư dân ven biển có cuộc sống ổn định hơn. Tuy nhiên, hoạt động khai thác thủy sản hiện nay đang gặp khó khăn, nuôi trồng thủy sản bất ổn do tình hình dịch bệnh nên kinh tế ở các địa phương ven biển phát triển không bền vững. Để tạo điều kiện phát triển kinh tế biển, ngư dân rất cần được hỗ trợ.

Chưa kịp nguôi nỗi đau mất hơn 28.200 con gia súc gia cầm (GSGC) do trận lũ hồi giữa tháng 11 gây ra, thì hiện giờ, người chăn nuôi lại phập phồng lo sợ dịch bệnh tấn công khi đang gắng gượng tái đàn.

Chúng tôi trở lại Lý Sơn (Quảng Ngãi) trong những ngày bà con nông dân ở đây làm đất xuống giống vụ hành, tỏi đông xuân. Đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp những lo toan của người dân nơi đây, nào là mưa bão, chuẩn bị cho mùa biển mới, nguồn đất, cát cho vụ hành, tỏi đông xuân…

Chiếm gần 20% diện tích cây ăn quả của cả nước, cây có múi đang góp phần không nhỏ vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Tỉnh Hưng Yên có gần 5 nghìn ha ao, hồ, đầm, hơn 4,4 nghìn ha đất nằm tại vị trí có địa hình thấp trũng, phù hợp với việc trồng lúa và nuôi trồng thủy sản. Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản.