Muối Ninh Thuận không có lãi

Từ đầu năm đến nay, thời tiết nắng nóng, những cánh đồng muối ở huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) đạt sản lượng khá cao. Tuy nhiên, giá muối đang liên tục giảm mạnh khiến diêm dân điêu đứng…
Thời điểm này, diêm dân Ninh Thuận đang vào mùa cao điểm thu hoạch vụ muối chính. Nhờ nắng nhiều nên thời gian muối kết tinh được rút ngắn. Tuy nhiên, với giá bán thấp như hiện nay, người làm muối không có lãi.
Ông Nguyễn Văn Bình (xã Vĩnh Hải), là hộ làm muối lâu năm cho biết: “Gia đình có hơn 3 sào muối, trung bình một tháng gia đình thu hoạch 60 tấn/ha. Từ đầu năm đến nay do nắng nhiều nên sản lượng và chất lượng muối làm ra khá tốt. Song, giá muối chỉ còn 350.000đ/tấn, trừ chi phí thuê nhân công 200.000đ/ngày, tương đương số tiền bán hơn nửa tấn muối, tính ra chẳng lời lãi gì”.
Nghề làm muối khá vất vả, để làm ra hạt muối, người dân phải tốn công sức trong thời gian dài. Chính vì vậy, theo tính toán của bà con, nếu làm muối đất truyền thống, giá bán phải từ 750đ/kg, muối trải bạt từ 1.200đ/kg trở lên mới đủ chi phí và có lãi, còn năng suất có cao nhưng giá lại thấp thì cũng không kéo lại được bao nhiêu.
Nhiều diêm dân thuộc các xã Nhơn Hải, Tri Hải cùng chung nỗi lo muối ế. Anh Đỗ Minh Tấn (xã Nhơn Hải) thở dài: “Nhà có 2 sào muối, mọi năm thời tiết thuận lợi thu hoạch đạt năng suất cao đều thuê nhân công.
Năm nay, tình hình giá muối đi xuống thế này phải huy động mọi thành viên trong gia đình ra ruộng phụ giúp, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó chứ biết làm sao. Bình thường muối cao giá, thương lái tìm đến tận nhà thu mua rồi cho xe chở đi.
Giờ gia đình thu hoạch được mấy chục tấn muối, chất lượng tốt nhưng không thấy thương lái đến hỏi. Dịp này thời tiết nắng, gia đình còn phủ bạt để giữ muối chứ tới tháng mưa vẫn không có thương lái thu mua thì chỉ còn cách nhắm mắt bán tháo cho người ta ướp tôm, cá”.
Hiện, giá muối trải bạt được các thương lái thu mua cao hơn muối đất truyền thống (giá 800.000đ/tấn) do tính chất sạch, dễ sử dụng, dễ chế biến. Tuy nhiên, chi phí để đầu tư 1 sào muối trải bạt phải mất gần 100 triệu đồng. Với giá muối bấp bênh như hiện nay, diêm dân không dám đầu tư làm muối sạch theo phương pháp này.
Hiện đầu ra của muối đất truyền thống đang gặp khó khăn. Có hộ thu hoạch từ 2- 3 ngày nhưng vẫn chưa có thương lái đến mua, phải chất muối thành đống và phủ bạt để chờ muối lên giá.
Theo một số thương lái thu mua trong tỉnh Ninh Thuận, từ đầu năm đến nay thời tiết thuận lợi nên những cánh đồng ruộng muối ở Ninh Thuận cho sản lượng khá cao, nhất là muối đất truyền thống.
Trong khi đó, muối trải bạt ít được người dân quan tâm đầu tư đúng mức. Điều này khiến một số cơ sở chế biến hạn chế thu mua, gây nên tình trạng cung lớn hơn cầu. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến giá cả thu mua muối không ổn định và việc tiêu thụ gặp khó khăn.
Chính vì vậy, một số cơ sở chế biến, thu mua muối khuyến cáo, trong thời gian tới, diêm dân Ninh Thuận nên hạn chế sản xuất muối đất truyền thống vì muối đất chủ yếu làm phụ liệu ướp thủy sản, chế biến thức ăn gia súc.
Nên, chú trọng trong việc áp dụng mô hình sản xuất muối sạch, chất lượng, đảm bảo vệ sinh (muối trải bạt). Đồng thời, cần lựa chọn thời điểm, cân nhắc kỹ khi tiến hành sản xuất những vụ muối tiếp theo.
Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn cây trồng, vật nuôi bản địa là một trong những nhiệm vụ cần thiết để giữ gìn các nguồn gen đặc trưng này trước nguy cơ suy giảm, thoái hóa. Tuy nhiên, để công tác bảo tồn phát huy hiệu quả, thì câu chuyện “hậu” bảo tồn cũng cần được chú trọng để không lãng phí nguồn gen quý.

Theo thông tin từ Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Gia Lai, thời gian qua, các vùng trồng cà phê trong tỉnh đã xuất hiện bệnh rụng quả cà phê làm ảnh hưởng đến sản lượng của vụ thu hoạch tới.

Thời gian gần đây, tình trạng nông dân tự phát chặt bỏ cây cao su đã diễn ra trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, với diện tích lên đến hàng ngàn ha thật sự là vấn đề đặt ra đối với các nhà quản lý, đặc biệt là ngành Nông nghiệp.

Trước áp lực gia tăng dân số, diện tích đất sản xuất nông nghiệp thu hẹp, biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia trên thế giới đưa cây trồng biến đổi gien (CTBĐG) vào sản xuất. Thực tế cho thấy, các nước đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng CTBĐG đã thu lợi rất lớn so với các nước khác.

Do nắng nóng kéo dài nên nguồn nước tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Bình Định bị thiếu hụt nghiêm trọng. Trong vụ Hè Thu (HT) năm nay, nông dân nhiều địa phương đã chuyển diện tích lúa thiếu nước sang canh tác các loại cây trồng cạn, lợi nhuận tăng lên đáng kể.