Muối Khánh Hòa Bớt Chát

Giá muối SX thủ công tại Khánh Hoà hiện đang ở mức từ 650-800 ngàn đồng/tấn, tăng từ 50-100 ngàn đồng/tấn so với tháng trước.
Do giá muối tăng, diêm dân hối hả ra đồng SX với hy vọng tới đây giá muối tiếp tục khởi sắc.
Ông Trương Công Hiến, Chủ nhiệm HTX Muối 1/5, phường Ninh Diêm, TX Ninh Hòa cho biết: Hiện giá muối SX thủ công đang ở mức từ 650-800 ngàn đ/tấn (tuỳ loại), tăng 50-100 ngàn đ/tấn so với tháng trước.
Tuy nhiên, mặc dù giá muối tăng nhẹ, nhưng do các chi phí tăng cao, nhất là công lao động tăng từ 20-30% nên diêm dân SX muối vẫn không có lãi. Vì vậy, để SX muối có lãi thì giá muối phải ở mức từ 800-1.000 đ/kg họ mới yên tâm SX.
“Năm nay do thời tiết thuận lợi, trời nắng tốt nên sản lượng muối thu được tại đơn vị đạt cao hơn mọi năm. Tính từ đầu vụ đến nay, chúng tôi đã SX 3.693 tấn, tăng 2.600 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Khi giá muối nhích lên, chúng tôi bán sạch số muối tồn đọng”, ông Hiến nói.
Có mặt tại cánh đồng muối 2 thuộc HTX Muối 1/5 với diện tích hàng chục ha, điều dễ nhận thấy là diêm dân đang hối hả SX. Gặp chúng tôi, diêm dân Lê Văn Chớ, tổ dân phố Thành Danh, phường Ninh Diêm cho biết: “Tổ chúng tôi gồm 7 người (3 người cào, 4 người gánh) sau khi tạm dừng SX vài tuần do trời mưa, giờ đây ngày nào chúng tôi cũng ra đồng để đẩy mạnh SX. Vụ này tổ chúng tôi nhận khoán 2ha, đến nay SX được khoảng 50 tấn, tăng nhiều so với năm ngoái. Muối thu hoạch xong đều bán tại ruộng, cứ 4 ngày thì cào 1 lứa được 7-8 tấn”.
Còn bà Nguyễn Thị Hoa, một tư thương thu mua muối ở Ninh Hoà cho hay, do giá cước vận chuyển muối vào TP.HCM tăng khoảng 600.000 đ/tấn, gấp 2 lần so với năm ngoái nên thời gian qua buộc phải điều tiết giảm giá thu mua để bù chi phí. Song hiện giá muối tăng nhẹ trở lại là do thương lái thu mua bán cho thị trường phía Bắc, vận chuyển bằng đường thủy tại cảng Hòn Khói (Phường Ninh Hải, Ninh Hòa), chứ không phải đường bộ nên giá cước vận tải giảm hơn.
“Với giá thu mua mỗi tấn muối 800.000 đ, nếu vận chuyển bán tại thị trường TP HCM hoặc lên Đắk Lắk, chi phí tính ra xấp xỉ 1,3 triệu đ, trong khi giá bán chỉ 1,3-1,4 triệu đ, như vậy chúng tôi thu mua không có lãi”, bà Hoa bộc bạch.
Để chia sẻ với diêm dân, mới đây, tại TP Nha Trang, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị “Bàn giải pháp đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ muối cho niên vụ 2014”. Và, một trong những giải pháp hữu hiệu nhất mà các đại biểu đưa ra là phải thay đổi tập quán SX của người làm muối. Trong đó có áp dụng phương pháp SX mới như kết tinh muối trên bạt thay cho nền đất để nâng cao chất lượng muối.
Ông Nguyễn Thành Công, Chủ nhiệm HTX Muối Ninh Thuỷ, phường Ninh Thuỷ đang áp dụng SX muối trải bạt nhận xét: “Năng suất muối tăng gấp đôi, chất lượng muối trắng hơn, bán cao hơn và được dùng cho SX công nghiệp, đó là điểm khác biệt cơ bản với muối SX thủ công. Với diện tích 12 ha SX muối trải bạt, từ đầu mùa đến nay, chúng tôi SX trên 800 tấn, bán giá trung bình ở mức khoảng 1 triệu đ/tấn cao hơn muối thủ công”.
Theo các diêm dân trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, tuy lợi nhuận, chất lượng muối kết tinh trên bạt cao hơn, nhưng do chi phí đầu tư ban đầu cao nên diêm dân khó mà tiếp cận. “Chi phí đầu tư ban đầu SX muối trải bạt khoảng 200 triệu đ/ha, nên có muốn chuyển đổi cũng rất khó nếu không có sự hỗ trợ từ Nhà nước”, ông Hiến cho biết.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2013, huyện Vạn Ninh thả nuôi trên 180 ha tôm chân trắng, trong đó nuôi thâm canh theo công nghệ cao chiếm 25%, còn lại nuôi trong ao đất. Đối với tôm nuôi trong ao đất, tình hình vẫn không khả quan do tôm bị dịch. Tuy nhiên, các hộ nuôi tôm theo công nghệ cao lại được mùa do đảm bảo được các yếu tố như thức ăn, nguồn nước, môi trường.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử cho biết, sau thời gian thí điểm thành công chương trình bảo hiểm nông nghiệp, tỉnh Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh chương trình theo hướng mở rộng quy mô cả hộ tham gia và diện tích đất sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi cho rằng, việc tiêu thụ sản phẩm ngô, đậu tương tại ĐBSCL, theo đề án chuyển đổi đất trồng lúa, hiện còn nhiều khó khăn do thiếu hệ thống sấy, chế biến, giá cả không cạnh tranh…

Thời gian gần đây, ở các xã Đắk Sin, Hưng Bình, Đạo Nghĩa và thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp - Đăk Nông), việc thu mua chanh dây như đang lên cơn “sốt”. Chị Đỗ Thị Thu ở xã Đắk Sin cho biết: “Gia đình tôi hiện còn 2 sào chanh dây, thu hoạch tới đâu, tư thương vào mua hết tới đó, kể cả những quả chất lượng xấu. Gia đình tôi đang tính đầu tư trồng chanh dây tiếp trên 3 sào đất trống còn lại”.

Thời gian gần đây ở Bình Dương giá cao su xuống thấp, có thời điểm xuống dưới 450 đồng/độ đã làm cho nhiều chủ vườn bắt đầu thấy bất an. Nhiều chủ vườn đang tìm các phương án tốt nhất để bảo đảm duy trì nguồn thu nhập, trong đó có việc giao khoán vườn cây.