Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mùa vịt chạy đồng

Mùa vịt chạy đồng
Ngày đăng: 05/10/2015

Nghề “ăn bờ, ngủ bụi”

Đứng trên bờ kênh nắng chang chang, anh Phan Văn Bê, ở xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) có kinh nghiệm gần 20 năm nuôi vịt chạy đồng tỏ ra ái ngại khi biết phóng viên có nhã ý viết bài đăng báo.

“Nghề chăn vịt, ăn bờ ngủ bụi mà lên báo làm gì thiên hạ người ta cười cho?”- anh Bê e dè.

Cầm điếu thuốc đưa lên miệng rít một hơi, mắt dõi xa xăm, anh Bê kể cơ duyên vào nghề.

Trong lời kể của anh, người đối diện không khó để nhận ra những lời tủi phận. Anh Bê chua chát: “Tôi nói ra cô đừng cười, nghề chăn vịt là nghề “bét” nhất trong tất cả các nghề”.

Sống ở nông thôn mà chỉ có 2 sào ruộng lại không có nghề nghiệp nên ai kêu việc gì làm việc nấy.

Không có tiền, cuộc sống túng quẫn, vợ chồng anh đâm ra lục đục suốt ngày.

Thể rồi một hôm khi đi ngoài đường thấy một người đàn ông chăn cả đàn vịt khổng lồ, chợt anh lóe lên suy nghĩ sao mình không thử nuôi vịt

Nghĩ là làm, anh Bê chạy vay chạy mượn được năm mươi nghìn đồng khởi nghiệp với đàn vịt 100 con từ năm hơn hai mươi tuổi.

Từ đó đến nay đã gần hai mươi năm, anh gắn bó với cái nghề này như là định mệnh.

 

Những ngày này, trên khắp các cánh đồng, hình ảnh dễ thấy là người nuôi vịt chạy đồng rong ruổi theo đàn vịt.


Anh Bê bảo, nghề chăn vịt chạy đồng là nghề “ăn bờ ngủ bụi”, suốt ngày phải chạy theo vịt ngoài đồng.

Cái vất vả của nghề này kể ra cả ngày không hết. Dầm mưa dãi nắng, mặt mũi, chân tay lúc nào cũng lấm lem bùn đất, sình lầy.

Vịt đi tới đâu, người chăn đi tới đó. Mặc cho gió mưa, dông sét cũng đành trùm áo mưa chôn chân giữa đồng không hiu quạnh.

Trời nắng “cháy da, cháy thịt” cũng không dám vô bụi cây trốn nắng. Mối lo nhất của người chăn vịt chạy đồng là những thiên địch như chồn, chó… bởi chỉ cần lơ là chúng có thể gây hại đến đàn vịt bất cứ lúc nào.

“Mười ông chăn vịt hết chín ông bị ghẻ lở, nứt nẻ tay chân do suốt ngày lội dưới bùn, ngâm dưới nước bẩn.

Cực lắm cô à, tại không có nghề gì làm! Giờ muốn chuyền nghề cũng không biết nghề gì?”- Đưa tay sờ lên những mảng da đỏ mận chi chít, anh Bê cười gượng.

Nuôi vịt như đánh số đề

Những người nuôi vịt như anh thường nuôi quanh năm, nhưng mỗi năm có 3 lứa vịt cho chạy đồng bắt đầu từ tháng 7 đến tháng Chạp âm lịch.

Anh Nguyễn Văn Nộ, ngụ ở thôn Hà Nhai Bắc, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh), người có thâm niêm hơn 30 năm nuôi vịt cho biết, năm nào anh cũng nuôi 3 lứa vịt chạy đồng đến cả 1.000 con/lứa.

Để có đàn vịt chạy đồng, ngay từ cuối tháng 6 âm lịch, anh mua vịt con về ươm đến 25-30 ngày tuổi, đợi khi lúa hè thu thu hoạch xong, chọn cánh đồng nào có kênh hoặc ao nước để lùa đàn vịt ra “đóng đô” để tận dụng lúa rơi rụng sót lại, ăn cá, tôm, cua,…

Cứ mươi bữa nửa tháng lại di chuyển đến cánh đồng khác để đến khi vịt được 3 tháng tuổi xuất bán rồi lại tiếp tục chạy đồng lứa khác.

Khi nào ruộng đồng bắt tay vào vụ mới họ lại chuyển vịt lên sát các chân núi khoanh lại. Mỗi lần di chuyển, người nuôi vịt phải thuê xe tải chở cả bầy đến cánh đồng mới.

Người nuôi vịt cũng kiêm luôn cả “bác sĩ thú y”.

Bệnh vịt thường gặp là tụ huyết trùng, dịch tả và hầu như ai đã bước vào nghề này cũng biết cách cách phòng trị là tiêm ngừa vaccin và bổ sung vitamin để tăng sức đề kháng cho đàn vịt.

Mắt dõi theo đàn vịt đang bơi lội tung tăng dưới ao, anh Nộ nhẩm tính:

“Vịt giống mua với giá 10.000 đồng/con, nuôi đến khi trưởng thành thì phải tốn chi phí đến 60.000 đồng/con và tỷ lệ hao hụt khoảng 10%. Nếu không gặp rủi ro dịch bệnh, trừ chi phí, đàn vịt 1.000 con kiếm được hơn chục triệu đồng”.

Tuy đã gắn bó nửa đời người với nghề, nhưng những gia đình nuôi vịt như anh Bê, anh Nộ cũng chỉ đủ ăn. Anh Nộ đúc kết:

“Nuôi vịt như đánh số đề. May mắn trời thương thì kiếm chút ít, còn dịch cúm mà bùng phát thì bó tay”.

Những năm qua, dịch cúm gia cầm lây lan, đã có hàng chục nghìn con vịt bị tiêu hủy khiến người nuôi vịt lao đao.

Những đàn vịt khác khỏe mạnh thì lại bị thương lái ép giá, người tiêu dùng quay lưng.

Chưa hết, nhiều người dân có thói quen vứt súc vật chết, vỏ thuốc bảo vệ thực vật lòng dưới kênh, mương nên nguồn nước bây giờ ô nhiễm nghiêm trọng.

Có khi vịt uống nước sau một đêm ngã lăn chết như rạ, bao nhiêu vốn liếng, công sức dồn vào đàn vịt bỗng chốc trắng tay.

Vất vả, nhọc nhằn, rủi ro là vậy, nhưng vẫn có không ít người gắn bó với nghề này như cái nghiệp. Trên khắp các cánh đồng, xa xa thấp thoáng những người đàn ông cầm gậy rong ruổi theo đàn vịt.


Có thể bạn quan tâm

Khảo Sát Tình Trạng Nghêu Chết Và Kiến Nghị Hỗ Trợ Người Nuôi Ở Tiền Giang Khảo Sát Tình Trạng Nghêu Chết Và Kiến Nghị Hỗ Trợ Người Nuôi Ở Tiền Giang

Ngày 27-3, ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang cùng đại diện các sở, ngành có liên quan của tỉnh và lãnh đạo Huyện ủy Gò Công Đông đã đến khảo sát vùng nuôi nghêu cồn Ông Mão, cồn Vạn Liễu thuộc khu vực nuôi 350 ha của Ban Quản lý cồn bãi của huyện.

02/04/2013
Quảng Ngãi: Triển Vọng Từ Nuôi Hàu Thái Bình Dương Quảng Ngãi: Triển Vọng Từ Nuôi Hàu Thái Bình Dương

Hàu có giá trị dinh dưỡng cao, có giá trị trong y học, góp phần lọc mùn bã hữu cơ trong nước, giúp làm sạch môi trường và ổn định hệ sinh thái. Nuôi hàu đang là mô hình có nhiều triển vọng cho nông dân vùng ven biển trong tỉnh Quảng Ngãi.

25/10/2013
Hiệu Quả Kinh Tế Từ Mô Hình Trồng Nấm Hồng Chi Hiệu Quả Kinh Tế Từ Mô Hình Trồng Nấm Hồng Chi

Trạm Khuyến nông huyện Châu Phú (An Giang) vừa trình diễn thành công mô hình trồng nấm hồng chi. Qua đợt trồng nấm đầu tiên cho thấy, hiệu quả kinh tế khá cao nên đã tạo nhiều niềm tin cho người dân trồng nấm tại địa phương.

02/04/2013
Giá Trái Cây Tăng Mạnh Ở Phú Yên Giá Trái Cây Tăng Mạnh Ở Phú Yên

Hơn tuần nay, một số loại trái cây được bán trên thị trường Phú Yên với mức giá khá cao. Đây là lần tăng giá đầu tiên kể từ sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 của mặt hàng này.

02/04/2013
Trồng Chuối Tây Bằng Phương Pháp Cấy Mô Thâm Canh Trên Đất Dốc Ở Hà Giang Trồng Chuối Tây Bằng Phương Pháp Cấy Mô Thâm Canh Trên Đất Dốc Ở Hà Giang

Cuối năm 2012, HTX Vân Nam (Quang Bình - Hà Giang) triển khai Dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng chuối tây bằng phương pháp cấy mô thâm canh trên đất dốc tại huyện Quang Bình”. Mô hình được thực hiện với mục tiêu chung đó là góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tạo sản phẩm hàng hóa; giúp người dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật và nâng cao thu nhập...

02/04/2013