Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mua nhầm giống cải, nông dân thiệt hại nặng

Mua nhầm giống cải, nông dân thiệt hại nặng
Ngày đăng: 24/07/2015

Bán nhầm giống

“Thông thường cải bẹ trắng sau khi trồng trên 1 tháng thì có thân cao, lá xanh mướt; còn cải bẹ trắng được trồng trong các liếp của nhà tôi lại có lá xanh đậm, thân lùn” - anh Huỳnh Văn Đi, ấp Thân Bình bức xúc. Anh Đi cũng cho biết, giống cải bẹ trắng trồng trong các liếp của nhà anh được mua từ Cửa hàng Vật tư nông nghiệp (VTNN) Hai Còm ở cùng ấp.

Sau khi xuống giống, cải vẫn phát triển bình thường. Đến khoảng 20 ngày tuổi, cải có một số dấu hiệu, hình dạng không giống so với giống cải bẹ trắng mà bà con vẫn thường mua về trồng ở khu vực này. Đã vậy, lá cải cũng không thẳng mướt, rễ không phát triển.

Đến nay, 7 công cải của anh Đi đã 50 ngày tuổi (đã đến thời điểm thu hoạch) nhưng cải vẫn thấp, lá quắn lại như bị bệnh nên không thể thu hoạch bán được. “Cải bẹ trắng của người ta đến thời điểm này đã thu hoạch xong từ lâu, bán với giá từ 5.000 - 7.000 đồng/kg, thu nhập cả chục triệu đồng/công, còn cải của nhà tôi phải nhổ bỏ đi. Bỏ mấy chục triệu đồng chăm sóc, bón phân, phun thuốc với hơn cả tháng trời, giờ phải đổ bỏ đi, hỏi sao không xót?” - anh Đi bày tỏ.

1,5 công trồng cải bẹ trắng của anh Dương Văn Bình mua giống tại Cửa hàng VTNN Hai Còm và xuống giống cùng thời điểm với anh Đi cũng có hiện tượng bất thường trên. Anh Bình cho biết: “Sau khi xuống giống 1 thời gian tôi đã phát hiện cải có thân, lá không giống với các giống cải bẹ trắng thường được trồng ở khu vực này trước đây; lá cải bị quắn lại.

Nghĩ rằng cải bị bệnh mới có biểu hiện như thế nên tôi phun thuốc, bón phân, nhưng cải cũng không phát triển. Hỏi thăm những nông dân cùng mua giống cải bẹ trắng ở Cửa hàng VTNN Hai Còm và xuống giống cùng thời điểm với mình cũng đều có biểu hiện tương tự, tôi mới vỡ lẽ giống cải mà tôi và nhiều nông dân khác đang trồng, được mua từ cửa hàng VTNN trên có vấn đề”.

Sau khi phát hiện đồng loạt ở nhiều nơi cải đang trồng không giống với cải bẹ trắng, nhiều nông dân đã đến báo cho cửa hàng bán giống. Sau đó, đại diện Cửa hàng VTNN Hai Còm (bên bán giống) và Cửa hàng cung cấp giống cải cho Cửa hàng VTNN Hai Còm ở TP. Hồ Chí Minh (gọi tắt là Cửa hàng cung cấp giống) đã đến gặp những nông dân bị thiệt hại và khảo sát những diện tích cải bẹ trắng có biểu hiện khác thường.

Ông Nguyễn Văn Giao, Trưởng ấp Thân Bình, Khuyến nông viên của xã Thân Cửu Nghĩa, tham dự buổi gặp này cho biết, tại đây, đại diện Cửa hàng cung cấp giống ở TP. Hồ Chí Minh thừa nhận đã bán nhầm giống và hứa sẽ hỗ trợ cho những nông dân bị thiệt hại. Qua thống kê đến ngày 15-7, ấp Thân Bình có 21 hộ đã bị trồng “nhầm” giống cải bẹ trắng mua từ Cửa hàng VTNN Hai Còm với diện tích trồng trên 4 ha.

“Thiếu thiện chí và trách nhiệm”

Sau khi sự việc xảy ra, Cửa hàng cung cấp giống ở TP. Hồ Chí Minh đã đồng ý hỗ trợ 1 triệu đồng/công đất trồng cải bẹ trắng bị thiệt hại. Đến nay, có 18 hộ đã nhận tiền hỗ trợ trên. Tuy nhiên, còn 3 hộ vẫn không chấp nhận mức hỗ trợ, đền bù này. Tìm hiểu thêm vấn đề này, chúng tôi đã đến Cửa hàng VTNN Hai Còm.

Tại đây, bà Nguyễn Thị Anh, chủ cửa hàng cho biết, sau khi phát hiện sự việc, bà đã đến liên hệ Cửa hàng cung cấp giống ở TP. Hồ Chí Minh; sau đó cửa hàng của bà cùng với Cửa hàng cung cấp giống cử người đến khảo sát những hộ bị thiệt hại, rồi cùng với lãnh đạo ấp xác định số hộ và diện tích bị thiệt hại.

Ngay sau buổi khảo sát, bà Anh cũng đã đến Cửa hàng cung cấp giống để bàn về mức hỗ trợ, đền bù. Lúc đầu, cửa hàng chỉ đồng ý mức hỗ trợ gấp 5 lần giá trị hàng hóa mua ban đầu, nhưng sau thời gian thuyết phục, Cửa hàng cung cấp giống đồng ý nâng mức hỗ trợ lên 1 triệu đồng/công.

Và chủ Cửa hàng cung cấp giống này cũng nói thêm, những hộ nào còn thắc mắc thì đến trực tiếp cửa hàng để giải quyết. Tuy nhiên, còn 3 hộ vẫn không đồng ý mức hỗ trợ này. Trong đó, xét thấy diện tích bị thiệt hại của hộ Huỳnh Văn Đi quá lớn nên vừa qua Cửa hàng VTNN Hai Còm đã quyết định hỗ trợ thêm cho hộ này 5 bao phân Hero 32 và 20 chai thuốc trừ sâu xanh, nhưng anh Đi vẫn không đồng ý.

Trao đổi về nguyên nhân không đồng ý mức hỗ trợ trên, anh Đi cho rằng, phía cung cấp, bán giống phải có trách nhiệm bồi thường tổn thất cho người bị thiệt hại. “Chi phí cho trồng 1 công cải bẹ trắng từ 3 - 4 triệu đồng. Vậy mà 7 công cải bị thiệt hại trắng của tôi chỉ được hỗ trợ hơn 7 triệu đồng thì làm sao có thể chấp nhận; lấy gì để sản xuất vụ mới” - anh Đi lý giải.

Còn anh Dương Văn Bình bức xúc: Sau khi phát hiện thiệt hại, đại diện phía cung cấp giống ở TP. Hồ Chí Minh chỉ đến gặp bà con 1 lần và xác nhận cung cấp nhầm giống, rồi không thấy họ xuống nữa. Họ tự ấn định mức hỗ trợ, đền bù mà không qua thỏa thuận với nông dân thiệt hại.

“Mọi việc từ thông báo mức hỗ trợ, đền bù đến chi hỗ trợ, đền bù chỉ thông qua Cửa hàng VTNN Hai Còm. Họ không cần biết nông dân có chấp nhận hay không; không làm việc với nông dân để thỏa thuận về mức đền bù hay hỗ trợ hợp lý, thể hiện thiện chí, trách nhiệm của phía cung cấp giống sai gây thiệt hại cho nông dân” - anh Bình bày tỏ.


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Trồng Cây Trên Đất Dốc Mô Hình Trồng Cây Trên Đất Dốc

Thuận Bắc là huyện miền núi có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, do địa hình nhiều đồi núi nên loại đất thích hợp cho sản xuất nông nghiệp không nhiều. Nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng khai thác lợi thế, phát huy hiệu quả điều kiện tự nhiên ở các xã có nhiều đồi núi, Thuận Bắc xác định phải hướng dẫn nông dân biết cách ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong canh tác nông nghiệp.

31/07/2013
Chăn Nuôi Heo Theo Hướng Bền Vững, Đảm Bảo Môi Trường Chăn Nuôi Heo Theo Hướng Bền Vững, Đảm Bảo Môi Trường

Không ai ngờ rằng đằng sau ngôi nhà kho của anh Út Tấn, xã Định Thủy (Mỏ Cày Nam - Bến Tre) là một trang trại chăn nuôi heo nếu chưa được biết trước đó. Bởi vì đứng ngay trang trại với khoảng 500 con heo thịt, chúng tôi vẫn không cảm nhận mùi hôi từ chất thải của heo.

03/06/2013
Làm Giàu Trên Cát Trắng Làm Giàu Trên Cát Trắng

Nguyễn Văn Nổi, 50 tuổi là nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu ở thôn Hòa Thạnh. Anh dày công đầu tư cải tạo vùng đất cát trắng phau ven biển trở thành trù mật cho những mùa cây trái bội thu. Trồng củ cải kết hợp chăn nuôi bò lai sind cung cấp sức kéo là con đường vươn lên làm giàu của anh Nổi trên vùng đất cát ven biển thuộc xã An Hải, huyện Ninh Phước.

31/07/2013
Nơi Đầu Tiên Làm Lúa Sạch Nơi Đầu Tiên Làm Lúa Sạch

Một số nông dân ở xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đang tự mình xây dựng thương hiệu gạo sạch. Là những nông dân nhiều năm gắn bó với nghề trồng lúa, họ mong mỏi sẽ xây dựng được thương hiệu gạo sạch cho sản phẩm của mình.

03/06/2013
Tìm Giải Pháp Cho Cây Mía Phát Triển Bền Vững Tìm Giải Pháp Cho Cây Mía Phát Triển Bền Vững

Theo các chuyên gia ngành mía đường, tuy diện tích trồng mía mỗi năm một tăng, năng suất, chất lượng cây mía Việt Nam có được cải tiến nhưng còn chậm, dẫn đến năng lực cạnh tranh của ngành mía đường không cao.

31/07/2013