Mưa, Lũ Làm Tăng Chi Phí, Giảm Năng Suất Lúa Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long

Mưa lớn trên diện rộng kết hợp với nước lũ từ thượng nguồn đổ về trong những ngày qua không chỉ khiến tỷ lệ hao hụt trong thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng cao, mà còn làm chi phí sản xuất bị đội lên khá nhiều.
Theo ghi nhận của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, mưa xuất hiện trên diện rộng trong khoảng một tuần qua đã làm hàng ngàn héc ta lúa đang trong giai đoạn thu hoạch tại các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, An Giang…bị đổ ngã, ngập úng.
Ông Nguyễn Văn Cần, hộ nông dân tại xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, Long An, cho biết mưa đã làm 2 héc ta lúa của ông bị đổ ngã, ngập úng hoàn toàn. “Chỉ riêng chi phí bơm rút nước để thu hoạch hai héc ta này đã “ngốn” của tôi hết 700.000 đồng tiền dầu rồi đó”, ông Cần cho biết.
Không chỉ vậy, theo ông Cần, do đất sình lầy nên chi phí thuê máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa cũng bị đội lên đến 50% so với bình thường. “Nếu đất khô ráo, thuê máy thu hoạch chỉ 2 triệu đồng/héc ta thôi (bao gồm cả chi phí cộ lúa - vận chuyển lúa từ ruộng về tới nhà - PV) nhưng với điều kiện đất sình lầy như hiện nay, chi phí đã tăng lên 3 triệu đồng/héc ta rồi”, ông Cần cho biết.
Trong khi đó, theo tính toán của ông Trần Văn Hải, nông dân xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, Tiền Giang, với những ruộng lúa bị đổ ngã, đất sình lầy, ngập nước…, tỷ lệ hao hụt có thể chiếm đến 10-15% năng suất so với thu hoạch trong điều kiện khô ráo bình thường.
Theo ước tính của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, những cơn mưa vừa qua làm ảnh hưởng khoảng 3.000-4.000 héc ta lúa trong giai đoạn thu hoạch của địa phương.
Tuy nhiên, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, cho biết tính đến nay vẫn chưa có địa phương nào trong tỉnh có lúa bị thiệt hại hoàn toàn do lũ lụt gây ra. “Riêng đối với một phần diện tích lúa vụ 3 (lúa thu đông) ở huyện Tân Thạnh - địa phương chiếm một phần lớn diện tích lúa có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt - đang trong giai đoạn trổ chín, chúng tôi đã cử người xuống khảo sát tình hình và cho gia cố, đắp đê bao ở những đoạn xung yếu, đảm bảo 100% diện tích không bị thiệt hại do lũ lụt”, ông cho biết.
Tại An Giang, Đồng Tháp, công tác gia cố đê bao bảo vệ lúa thu đông cũng đã khẩn trương được triển khai. Tính đến nay, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, các trạm bơm, hệ thống đê bao chống lũ tại địa phương đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Tuy nhiên, trước đó, đợt triều cường xảy ra hồi đầu tháng 8-2014 đã làm vỡ một số đê bao bảo vệ lúa thu đông ở Đồng Tháp, gây thiệt hại hoàn toàn gần 100 héc ta lúa và hơn 300 héc ta khác bị thiệt hại một phần do thu hoạch “non” chạy lũ.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương, trong ngày 2-9 khu vực các tỉnh phía Nam vẫn tiếp tục có mưa giông trên diện rộng, có nơi mưa vừa, mưa to. Đến ngày 3-9, mưa rào và giông vẫn xảy ra nhưng chủ yếu tập trung vào chiều và tối, sau đó, sẽ giảm dần nhưng vẫn xuất hiện rải rác vào chiều muộn với thời gian mưa không kéo dài.
Trong khi đó, dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, trong 5 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long ít biến đổi và sẽ lên lại. Khu vực nội đồng vùng Tứ giác Long Xuyên - Đồng Tháp Mười nước ít biến đổi. Vùng hạ lưu các sông Nam bộ nước xuống trong 2-3 ngày tới rồi sẽ lên lại theo triều nhưng nhìn chung vẫn con thấp hơn mức báo động 1.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2011, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Khương (Lào Cai) được Viện Nghiên cứu môi trường sinh thái thuộc Đại học Lâm nghiệp cung cấp 3 kg hạt giống cây quang bì. Sau đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện đã tổ chức gieo ươm, sản xuất được 1.650 cây giống, trồng trên diện tích 1,5 ha tại thôn Nhân Giống, thị trấn Mường Khương.

Cây ca cao chịu bóng râm nên trồng xen được với nhiều loại cây có giá trị kinh tế khác để tăng thêm thu nhập cho người dân trên cùng diện tích đất canh tác đã được người dân áp dụng. Trong 3 năm (từ 2009 - 2012), Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển vùng ca cao trồng xen trong vườn cây lâu năm góp phần phát triển nông nghiệp bền vững ở Hậu Giang” với quy mô 150ha.

Đây là đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn giống sắn ngắn ngày và kỹ thuật thâm canh trồng rải vụ nhằm phục vụ cho phát triển cây sắn bền vững ở tỉnh Phú Yên”, do Sở NN-PTNT phối hợp với Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh và Trường đại học Nông lâm Huế thực hiện. Trong thời gian tới, Sở NN-PTNT sẽ nhân rộng đưa các giống mới trên vào sản xuất.

Hiện nay, nhiều cây lấy hạt ở Việt Nam đã đạt đỉnh cao về kinh tế (như cà phê, hồ tiêu...) lại đang phải đối diện với thách thức do sự già cỗi của các vườn cây. Trong bối cảnh ấy, cây macca nổi lên như một loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao với ưu thế vòng đời lên đến hơn 60 năm.

Lý giải về hiện tượng này, ông Lê Văn Việt, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Vân Canh, cho biết: Năm 2014 thời tiết diễn biến phức tạp, nắng hạn kéo dài, sâu đục thân hại chuối, cộng với áp thấp nhiệt đới xảy ra vào trung tuần tháng 11 vừa qua, đã gây thiệt hại gần 50% diện tích chuối tết của người dân địa phương.