Mưa lớn làm ngập hàng ngàn ha hoa màu

Tình trạng mưa lớn kéo dài khiến cho hàng ngàn ha diện tích rau màu ở các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu... bị ảnh hưởng khá nặng nề.
Kế hoạch sản xuất vụ đông năm nay, toàn huyện Nghi Lộc dự kiến triển khai gieo trồng trên diện tích gần 6.500 ha, trong đó ngô vẫn là cây trồng chủ đạo với 4.000 ha, lạc 500 ha và hơn 1.800 ha các loại rau màu khác.
Mưa suốt nhiều ngày đã gây ra ngập úng tại một số xã nên tiến độ triển khai đến lúc này tương đối chậm, hiện chỉ mới đáp ứng được trên dưới 50% chỉ tiêu.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Lân, Phó phòng NN-PTNT huyện Diễn Châu khẳng định: “Mưa liên tục đã kìm hãm đà sinh trưởng của rau màu, dù đến ngày 5/10 mới khép vụ nhưng nếu tình trạng này kéo dài thì chắc chắn tiến độ sản xuất sẽ bị ảnh hưởng. Hiện diện tích cây trồng bị ngập nước vào khoảng 800 ha (tập trung chủ yếu ở các xã Diễn Hoàng, Diễn Yên, Diễn Trung, Diễn Thành và Diễn Thịnh).
Tại một số xã tiến hành trồng ngô trên đất lúa như Diễn Mỹ, Diễn Cát hay Diễn Phú thì tình hình càng đáng lo hơn, phần lớn diện tích ngô ở đây mới chỉ gieo từ 7-10 ngày, cây con mới nhú mầm, sức đề kháng còn yếu nên nguy cơ bị ngập úng, thối rữa là khó tránh khỏi”.
Hướng ánh mắt thẫn thờ về phía cánh đồng ngập nước, bà Cao Thị Như, trú tại xóm 9, xã Diễn Thành buồn rầu cho biết: "Nhà tôi có tổng cộng 5 sào ruộng trồng lạc và ngô. Dù đã chủ động ứng phó với mưa bão bằng cách khơi thông dòng chảy, rút nước chống tiêu úng nhưng không ăn thua vì hệ thống kênh mương ở đây đã quá cũ kỹ. Đấy chú xem, nước ngập trắng đồng thế kia thì cây nào sống cho nổi".
Được biết, trước đó huyện Diễn Châu đã phát động chiến dịch ra quân làm thủy lợi, tiến hành nạo vét hơn 100km kênh tiêu, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật đắp luống cao cho bà con để giảm thiểu nguy cơ. Song song với đó, huyện cũng tích cực khuyến khích các hộ đưa các loại giống ngô có khả năng chịu úng tốt như DK6919, PAC999, P4199, 30Y87... vào tham gia sản xuất.
Vụ này, huyện Nghi Lộc gieo trồng 250 ha lạc, do chủ động khung thời gian, vào vụ sớm (từ cuối tháng 7) nên hầu hết diện tích vẫn phát triển bình thường. Thế nhưng đối với các hộ trồng ngô thì lại khác: “Địa hình trồng màu của xã Nghi Long thấp trũng, đã thế hệ thống kênh tiêu lại chưa được bê tông hóa nên thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ ngập úng.
Lường trước khó khăn nên gia đình tôi đã vun luống cao cho ngô, thế nhưng do lượng mưa quá lớn nên chẳng mấy chốc đã ngập tràn hết cả, 3 sào ngô xem như mất trắng rồi”, chị Nguyễn Thị Huệ (xóm 6, Nghi Long) thất thần.
Mưa lớn khiến nhiều héc-ta ngô đổ rạp
Ông Đồng Thanh Bình, Phó phòng NN-PTNT huyện Nghi Lộc thừa nhận, nếu trong 3 ngày tới đây thời tiết không có chuyển biến thì 50% diện tích ngô vừa gieo cấy của bà con sẽ gần như mất trắng.
Mưa lớn kéo dài cũng khiến cho người dân vùng cao ở miền tây xứ Nghệ thấp thỏm, đứng ngồi không yên. Do đặc thù về địa lý, địa hình nên cứ đến mùa bão lũ là tình trạng sạt lở đất lại trở thành mối lo thường trực với bà con nơi đây.
Báo cáo từ UBND huyện Tương Dương cho biết, sau nhiều ngày trời mưa như trút nước, hàng loạt tuyến đường trên địa bàn (Lưu Kiền - Na Ngoi, Yên Na - Yên Tĩnh - Hữu Khuông) đã xuất hiện chi chít các điểm sạt lở nguy hiểm.
“Đợt mưa lần này chưa gây ra thiệt hại về hoa màu nhưng lại đẩy nhanh quá trình sạt lở trên các tuyến đường, điều này khiến cho người tham gia giao thông vô cùng bất an.
Trong số các điểm sạt lở, nghiêm trọng nhất là tuyến Lưu Kiền - Nậm Càn khi có những đoạn bị dòng chảy của sông lấn sâu hơn nửa mặt đường, nếu không sớm có biện pháp cải tạo, khắc phục thì sẽ vô cùng nguy hiểm”, ông Lô Khăm Kha, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tương Dương.
Sáng 17/9, ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cùng lãnh đạo Sở NN-PTNT đã đi kiểm tra công tác PCTT - TKCN tại hệ thống thủy lợi Nam.
Sau buổi kiểm tra thực tế, ông Hồng yêu cầu các đơn vị chức năng ưu tiên vận hành hợp lý các cống tiêu thoát nước nhằm chống ngập úng cho vùng nội đồng trong đợt mưa lớn này. Vận động người dân thu hoạch nhanh lúa hè thu còn sót với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”...
Có thể bạn quan tâm

Vùng sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP được thành phố quy hoạch đến năm 2017 có quy mô tối thiểu 50 ha trên địa bàn 4 xã Nghi Ân, Nghi Liên, Nghi Kim và Hưng Đông; mang lại thu nhập tối thiểu 150 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, người dân đang lúng túng với mô hình sản xuất này.

Chiều qua 12.6, ông Lê Hữu Châu - Phó phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, do nắng nóng trên diện rộng, hàng loạt hồ chứa và đập dâng cạn kiệt nước nên hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 300ha lúa hè thu đang trong giai đoạn mạ non bị khô hạn nghiêm trọng.

Theo Bộ NN-PTNT, với quy định này, ngư dân có thể đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần. Khi vay vốn, ngư dân có thể thế chấp bằng tàu đóng mới, tàu cải hoán, tàu nâng cấp để đảm bảo vốn vay.

Năm 2013, tỉnh Cà Mau bắt tay triển khai Đề án nâng cao chất lượng tôm giống, Đề án được kỳ vọng sẽ tạo được nguồn giống đủ lớn nhắm đáp ứng nhu cầu nuôi tôm trong tỉnh.

Đến hết tháng 5-2014, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thả nuôi 2.954 ha, diện tích thu hoạch 1.478 ha, sản lượng thu hoạch hơn 335 nghìn tấn cá tra. Giá cá tra nguyên liệu trong tháng 4-2014 đạt đỉnh điểm với mức 27 nghìn đồng/kg, với mức giá này người nuôi có lãi để tái sản xuất.