Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mùa Khô, Căng Thẳng Nguồn Nước Phục Vụ Nông Nghiệp

Mùa Khô, Căng Thẳng Nguồn Nước Phục Vụ Nông Nghiệp
Ngày đăng: 05/03/2015

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, mùa khô năm nay có khả năng bị ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên nguy cơ xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn trên cả nước. Vì vậy, dự báo vụ đông - xuân 2014 - 2015 sẽ rất căng thẳng về nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Vụ Đông Xuân 2014-2015, BR-VT lập kế hoạch tưới cho 7.600ha, trong đó có 1.400ha hoa màu.

Nguy cơ thiếu nước rất cao

Những năm gần đây, tình trạng hạn hán đã xảy ra ở nhiều địa phương. Tại BR-VT, trong mùa khô đã xuất hiện tình trạng ao hồ, nước giếng khô cạn, dẫn đến thiếu nước sản xuất nông nghiệp ở các huyện Xuyên Mộc, Tân Thành, Châu Đức. “Những năm gần đây, vào mùa khô thường xảy ra hiện tượng thiếu nước tưới. Năm 2014 vừa qua, do khô hạn nên năng suất nhãn thấp hơn mọi năm” - bà Nguyễn Thị Lướt, chủ vườn nhãn tại ấp Nhơn Hòa, xã Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc) cho biết.

Theo thống kê của Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc, nhiều năm qua, cứ vào mùa khô, người sản xuất cây ăn trái, cây công nghiệp trên địa bàn huyện lại gặp khó khăn vì hạn hán, thiếu nước tưới. Tại các khu vực như Sông Hỏa, Suối Bang, sông Đu Đủ đều trơ đáy vào mùa khô, không có nước cho sản xuất nông nghiệp.

“Diện tích cây ăn trái ngày càng tăng kéo theo nhu cầu tưới tăng, do đó, nguồn nước tưới vào mùa khô rất căng thẳng. Tại các khu vực canh tác cây ăn trái, cây công nghiệp, nông dân đều khoan giếng để khai thác nguồn nước ngầm” - ông Trần Văn Cung, một nông dân tại xã Bình Châu cho biết. Cũng theo những hộ canh tác cây ăn trái tại xã Bình Châu, trong mùa khô năm 2013-2014, nhiều hộ dân không có nước tưới đã tự ý đào mương dẫn nước và gây áp lực để lấy nước tưới với trạm cấp nước xã Bình Châu, UBND xã đã phải cử lực lượng canh giữ công trình chứa nước tại đây…

Tăng cường nhiều giải pháp chống hạn

Theo Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi, căn cứ vào trữ lượng nước tại 15 hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh, Trung tâm bố trí và xây dựng diện tích tưới vụ đông - xuân 2014-2015 gần 7.600ha, trong đó, tưới cho cây lúa trên 5.000ha, cây lâu năm 1.100ha và 1.400ha hoa màu. Để bảo đảm nguồn nước tưới, Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi đã lập lịch tưới cụ thể cho từng công trình và khu vực sản xuất.

Ông Nguyễn Đình Lưu, Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi cho biết, trường hợp xảy ra nắng nóng kéo dài, Trung tâm sẽ điều phối nước từ các hồ chứa Sông Ray, Đá Đen, Sông Hỏa hỗ trợ cho các khu vực thiếu nước và đưa máy bơm vào hoạt động chống hạn cục bộ khi cần thiết. Tuy nhiên, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, diễn biến thời tiết ngày càng bất thường và tình trạng thiếu nước trong mùa khô sẽ gây hậu quả lớn cho ngành nông nghiệp.

Vì vậy, cùng với việc điều hành sử dụng nguồn nước, việc quy hoạch vùng chuyên canh cây công nghiệp và cây ăn trái cần nước tưới của các địa phương là rất cần thiết để phát triển nông nghiệp ổn định. BR-VT được xác định là địa phương nghèo về tài nguyên nước và nơi có lượng mưa trung bình thấp hơn so với khu vực miền Đông Nam bộ và cả nước nên việc phát triển nông nghiệp không theo quy hoạch sẽ chịu nhiều rủi ro do thiếu nước tưới.

Để bảo đảm cấp nước cho vụ đông xuân 2014-2015, Sở NN-PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết và thường xuyên kiểm tra nguồn nước trữ tại các hồ chứa. Đồng thời tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sản xuất sinh hoạt, tăng cường các giải pháp tưới tiết kiệm cho cây lúa và hoa màu một cách có hiệu quả…

UBND các huyện, thành phố tổ chức nạo vét kênh mương nội đồng, tạo thông thoáng cho dòng chảy, bố trí cây trồng hợp lý. Còn các vùng thường xuyên thiếu nước xem xét chuyển đổi cây trồng hoặc không canh tác để tránh thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra, kiểm soát chặt chẽ tình hình hạn hán và xâm nhập mặn để báo cáo về Sở NN-PTNT có biện pháp khắc phục kịp thời…

Sở NN-PTNT cũng giao cho Chi cục Thủy lợi theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, tổng hợp những kiến nghị của các địa phương về tình hình hạn hán để có giải pháp xử lý hiệu quả, thành lập Đoàn kiểm tra việc điều tiết nước tưới, tình hình sản xuất, dịch bệnh, cây trồng vụ đông - xuân, kiểm tra các khu vực tưới trên địa bàn tỉnh vào ngày thứ Tư hàng tuần.


Có thể bạn quan tâm

Xuất Khẩu Nông, Lâm, Thủy Sản 11 Tháng Đạt Trên 28 Tỷ USD Xuất Khẩu Nông, Lâm, Thủy Sản 11 Tháng Đạt Trên 28 Tỷ USD

Bên cạnh đó, với những đóng góp lớn trong kim ngạch xuất khẩu của ngành, ngành thủy sản vẫn được xem là ngành xuất khẩu mũi nhọn với giá trị xuất khẩu thủy sản tháng Mười Một ước đạt 666 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 11 tháng đầu năm đạt 7,22 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2013.

27/11/2014
Hành Trái Vụ Lý Sơn Mất Giá Hành Trái Vụ Lý Sơn Mất Giá

Hành đang là cây trồng mũi nhọn của huyện đảo Lý Sơn, chỉ đứng sau cây tỏi. Mỗi năm riêng cây hành và cây tỏi đóng góp đến 20% GDP của huyện. Thế nhưng, với hiệu quả kinh tế như hiện nay, người dân đảo đang phân vân không biết có nên chọn cây trồng khác thay thế hay không.

24/06/2014
Úc Cấm Nhập Khẩu Tôm Nấu Chín Và Mì Tôm Của Việt Nam Úc Cấm Nhập Khẩu Tôm Nấu Chín Và Mì Tôm Của Việt Nam

Ngày 24-11, Thương vụ Việt Nam tại Úc (Bộ Công Thương) cho biết trong tháng 10-2014, Việt Nam có hai mặt hàng vi phạm khi nhập khẩu hàng thực phẩm vào Úc.

27/11/2014
Người Trồng Cỏ Nhung Đang Lỗ Nặng Người Trồng Cỏ Nhung Đang Lỗ Nặng

Với giá này thì người trồng cỏ chịu lỗ từ 3.000 đến 5.000 đồng/m2. Mặt khác, người trồng cỏ nhung chưa có đầu ra ổn định, dù sản phẩm cỏ được bán ra nhiều tỉnh, thành hay xuất khẩu nước ngoài nhưng phải thông qua nhiều trung gian nên nông dân bị ép giá.

24/06/2014
Loạn Phân Bón Giả Loạn Phân Bón Giả

Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương, trung bình hàng năm lực lượng QLTT phát hiện, xử lý khoảng 300 vụ vi phạm, xử phạt hành chính hàng tỷ đồng. Nhưng đến nay, buôn lậu phân bón giả vẫn tràn lan và ngày càng phức tạp. Các vụ vi phạm chủ yếu vẫn là sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, nhái nhãn mác… tập trung nhiều các tỉnh như An Giang, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre, Đồng Nai, Lâm Đồng.

27/11/2014