Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mùa Dâu An Phước (Đồng Nai)

Mùa Dâu An Phước (Đồng Nai)
Ngày đăng: 08/04/2014

Xã An Phước (huyện Long Thành, Đồng Nai) ngoài nổi danh với trái mận, còn có thêm một loại trái cây đặc sản khác là trái dâu. Dâu An Phước trái to, mẩy, khi chín màu vàng nhạt và có vị chua dôn dốt khó quên.

Buổi trưa ngày đầu tháng 4, nắng hừng hực như đổ lửa, nhưng bước vào vườn dâu cái nóng như dịu hẳn lại. Những cây dâu cao to, lá đan vào nhau nên ít có tia nắng lọt qua. Nhưng hấp dẫn nhất vẫn là những chùm dâu trái lúc lỉu dài chừng 35-40cm, đã bắt đầu ngả vàng.

* Cho lợi nhuận cao

Theo lời kể của các lão nông, cây dâu có mặt ở đất An Phước khoảng 15 năm nay. Trước đây, mỗi hộ chỉ trồng một vài cây ở bờ rào, nhưng sau thấy trái dâu cho năng suất cao, đầu ra thuận lợi nên mọi người đã chiết cành đem trồng đại trà. Và thế là các vườn dâu dần dần được hình thành.

Dâu An Phước được ví như “cô gái đẹp kỹ tính”, bởi chỉ có vùng đất trũng ở các ấp 1, 2, 3 là trồng được dâu, còn những vùng đất cao khi trồng cho trái rất nhỏ và có vị chua gắt. Nhiều nhà vườn trong tỉnh khi nghe tiếng dâu An Phước đã tìm đến mua giống về trồng, song không nơi nào trồng được, kể cả vùng đất Long Khánh - nơi đất đai khá ưu đãi với các loại cây ăn trái.

Cũng chính vì khó trồng, dâu An Phước luôn có giá bán cao. Đầu mùa giá khoảng 25 ngàn đồng/kg, đến chính vụ giá thấp nhất cũng 10-12 ngàn đồng/kg. Mùa dâu An Phước bắt đầu từ cuối tháng 2 cho đến hết tháng 5, nhưng chính vụ vào tháng 4.

Ông Huỳnh Văn Sơn, ấp 2, xã An Phước, cho hay: “Gia đình tôi có hơn 8 sào dâu trồng xen với măng cụt, năm nào dâu được mùa, trừ chi phí tôi lãi trên 100 triệu đồng”. Dâu vùng này có tiếng nên đến vụ thương lái từ các nơi đổ về đặt hàng, các nhà vườn ít phải lo đến đầu ra.

Dâu ở đây được đưa về TP.Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu để tiêu thụ. “Hơn 3 sào đất của tôi trồng được khoảng 60 gốc dâu.

Năm trước thu được 6 tấn quả, trừ chi phí còn lời hơn 50 triệu đồng. Năm nay năng suất dâu tuy kém năm trước, nhưng bù lại giá thời điểm chính vụ vẫn còn khoảng 16-18 ngàn đồng/kg nên lợi nhuận không thua kém năm trước” - ông Trần Hoàng Tùng, ấp 2, xã An Phước nói.

* Khó mở rộng diện tích

Theo các nhà vườn, dâu là cây cho lợi nhuận cao nhất trong các cây trồng ở vùng này, song ít hộ dám trồng toàn dâu trong vườn vì loại cây này rất khó tính, lệ thuộc nhiều vào thời tiết. Ngoài ra, dù thời tiết thuận lợi, nhưng thời điểm các cây dâu cái trổ bông mà dâu đực không trổ bông, năng suất cũng giảm 20-30%.

Ông Huỳnh Văn Lang ở ấp 2, xã An Phước, kể: “Phải sau 5-6 năm trồng dâu, theo dõi, so sánh tôi mới phát hiện ra trong bán kính 30m phải trồng 1 cây dâu đực và chăm sóc cho bông nở cùng dịp với cây dâu cái để thụ phấn thì năng suất mới cao”. Dâu đực có đặc điểm là cây nhỏ chỉ ra hoa và không đậu trái. Hoa dâu đực thường nở thành chùm dài màu vàng nhạt có mùi thơm hăng hắc.

Trồng dâu chỉ hơn 2 năm bắt đầu có trái, nhưng đất trồng dâu phải là đất đen vùng bưng, gần sông. Giữa các vườn dâu phải đào những con mương nhỏ dẫn nước ra vào thường xuyên.

Có lẽ những đòi hỏi gắt gao này đã tạo cho cây dâu An Phước có trái to tròn hơn dâu miền Tây và mùi vị cũng đậm đà hơn. “Dâu An Phước phải ăn khi trái chín vàng mới cảm nhận hết vị thanh ngọt pha lẫn với chua dôn dốt. Nếu ăn khi trái chưa chín, sẽ rất chua” - bà Đổng Thị Kim Liên, chủ vườn dâu ấp 2, xã An Phước, chia sẻ.

Theo ông Võ Văn Lợi, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Phước, do trồng dâu lợi nhuận cao nhiều nhà vườn trong xã đã chuyển sang trồng với diện tích lên đến gần 300 hécta. Nhưng những khu vực đất đồi cao, trái thường không có múi, nông dân đành phải chặt bỏ. Bên cạnh đó, mùa mưa trước nước dâng ngập nhiều ngày, dâu không chịu nổi chết úng khá nhiều nên diện tích hiện còn khoảng 200 hécta và đa phần trồng xen canh với măng cụt.

Thu hoạch dâu cũng là một nghệ thuật, phải dùng kéo cắt từng chùm và đặt nhẹ nhàng vào sọt. Nếu người thu hoạch không biết cách chỉ cần mạnh tay một chút, trái dâu sẽ rụng khỏi chùm và vỏ thâm lại rất khó bán.


Có thể bạn quan tâm

Hà Tĩnh là nhân tố xây dựng nông thôn mới cần được nhân rộng Hà Tĩnh là nhân tố xây dựng nông thôn mới cần được nhân rộng

Thủ tướng đánh giá 10 năm qua, Hà Tĩnh đã có bước phát triển nhảy vọt, vượt bậc mà nổi bật là thành tích về kinh tế với mức tăng trưởng bình quân 5 năm qua là 20% GDP.

18/09/2015
Ấn tượng nông thôn mới Hà Tĩnh Ấn tượng nông thôn mới Hà Tĩnh

hực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Hà Tĩnh là tỉnh xuất phát điểm thấp với số tiêu chí bình quân chỉ đạt 4,1 tiêu chí/xã (năm 2011).

18/09/2015
Phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới Phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới

Phụ nữ Thái Bình hiện tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, thời gian qua, phụ nữ Thái Bình ra sức thi đua, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.

18/09/2015
Dễ mà khó tiêu chí chợ nông thôn mới Dễ mà khó tiêu chí chợ nông thôn mới

Trong 19 tiêu chí nông thôn mới (NTM), chợ nông thôn được coi là một tiêu chí “đặc cách” vì nhiều xã không phải xây dựng chợ.

18/09/2015
Lạng Sơn phát triển vùng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP Lạng Sơn phát triển vùng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP

Nhờ được thiên nhiên ưu đãi nên Lạng Sơn có nhiều thế mạnh để phát triển các loại rau xanh như: cải làn, tàu soi, cải xanh... được người tiêu dùng ưa thích.

18/09/2015