Mùa Bưởi Ngọt

Hơn 10 năm xuất hiện trên đất Đông Sơn (xã Việt Đoàn, Tiên Du, Bắc Ninh), cây bưởi Diễn khẳng định được hiệu quả kinh tế cao và mở ra hướng làm giàu cho người dân nơi đây. Nếu giá bán trung bình từ 25 - 30 nghìn đồng/quả như mọi năm, thì năm nay nhiều hộ dân Đông Sơn sẽ có thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng từ vườn bưởi Diễn.
Những ngày này, đến các vườn bưởi của thôn Đông Sơn, chúng tôi được chứng kiến một không khí tấp nập của các thương lái đến đặt mua bưởi về bán Tết. Tại những nhà vườn có tiếng trồng được nhiều cây bưởi ngon như gia đình anh Nguyễn Anh Tiệp, Nguyễn Trọng Hỷ... thì phần lớn số bưởi trong vườn đã được đặt hết.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn bưởi Diễn xanh mướt, anh Tiệp cho biết, trước đây, cây trồng chủ lực của gia đình anh là vải thiều, nhưng loại cây này cho hiệu quả không cao, liên tục bị rớt giá, cần phải có một giống cây ăn quả khác thay thế cây vải để cải thiện đời sống gia đình. Anh đã tự tìm tòi, học hỏi các mô hình ở nhiều địa phương cả trong và ngoài tỉnh và nhận thấy cây bưởi Diễn có giá trị cao, nhiều ưu điểm, phù hợp với vùng đất đồi quê hương.
Năm 2007, anh đã chặt bỏ 7 sào vải thiều, đưa hơn 1.000 cây bưởi Diễn lấy giống từ Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao (trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội) vào trồng. Gia đình anh thuê nhân công đào hơn 1.000 hố với kích thước 3 chiều dài, rộng, sâu là 1m, sau đó rắc mùn và phân bón vào hố để giữ độ ẩm, bổ sung chất dinh dưỡng cho đất, rồi mới đặt cây giống vào. Anh còn nuôi thêm lợn, bò, gà... vừa lấy phân để làm hệ thống biogas và bón cho cây. Do biết cách chăm sóc, phòng bệnh nên vườn bưởi của gia đình anh Tiệp luôn cho năng suất cao. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 300-400 triệu đồng mỗi năm.
Được đi tham quan mô hình và được giới thiệu về cây bưởi Diễn dễ trồng, dễ chăm sóc, được nhiều người ưa chuộng, bán được giá cao, năm 2010 ông Nguyễn Trọng Hỷ mạnh dạn chuyển đổi, đưa hơn 200 cây bưởi Diễn xuống ruộng của gia đình. Cây bưởi trồng sau 1 năm bắt đầu cho quả, tuy nhiên khi cây bưởi còn ít năm thì chất lượng quả chưa ngon nên những năm đầu ông không tập trung lấy quả mà chủ yếu nuôi cây.
Ông Hỷ cho biết, cây bưởi rất cần nước nhưng không chịu được úng nên khi làm vườn phải chú ý việc tiêu thoát nước nhanh khi có mưa to kéo dài. Phải tưới nước giữ ẩm không để cây bị khô hạn vào mùa hè, nhất là khi cây vào giai đoạn bật mầm, phân hóa mầm hoa, lúc ra quả và quả phát triển. Để tăng khả năng đậu quả, khi cây ra nụ thì cung cấp dinh dưỡng cho cây bằng cách bón phân qua lá, phun 2 lần cách nhau 15 ngày.
Để phòng sâu bệnh, cần thường xuyên kiểm tra và dùng các loại thuốc đặc hiệu để phun (hạn chế dùng thuốc hóa học nên dùng các chế phẩm sinh học). Riêng với sâu đục thân, dùng biện pháp thủ công là cắt cành loại bỏ sâu. Quá trình cắt tỉa cành tạo dáng hình bán cầu làm thoáng tán cho cây quang hợp tốt, kết hợp kiểm tra, xử lý sâu đục thân. Chính vì không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên chất lượng quả khi thu hoạch của gia đình luôn cao và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Không chỉ thành công với mô hình trồng bưởi Diễn, ông Hỷ còn trở thành nhà cung cấp giống cho nông dân trong vùng từ việc chiết cành nhân giống. Ông cũng là người nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây bưởi Diễn cho bà con nông dân.
Về Đông Sơn hôm nay, mọi người không chỉ được thả mình trong không gian xanh mát, trong lành mà còn được ngắm nhìn những ngôi nhà khang trang, rộng rãi, được thưởng thức những trái bưởi Diễn - đặc sản Hà Thành ngay trên quê hương Quan họ.
Nguồn bài viết: http://baobacninh.com.vn/news_detail/84882/dong-son-mua-buoi-ngot.html
Có thể bạn quan tâm

Trong nhiều tháng liên tiếp, giá heo hơi liên tục rớt giá khiến người chăn nuôi không mặn mà với chuyện tái đàn. Bằng chứng là heo giống đang sụt giá và tiêu thụ chậm.

Bộ TN-MT cho biết, các hộ gia đình trực tiếp SX nông nghiệp có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất sẽ được điều chỉnh thời hạn sử dụng đến năm 2033.

Nhiều năm gần đây, tình trạng sóc cắn phá trái cacao gây thiệt hại nặng nề cho hàng ngàn hộ nông dân trồng loại cây này trên khắp các địa phương trong tỉnh Bến Tre, đặc biệt là huyện Châu Thành. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, hạn chế sự phá hoại của loại gặm nhấm này vẫn còn không ít khó khăn. Nguyên nhân chính là không có phương thức nào thật sự hữu hiệu, trong khi những cách truyền thống như đặt bẫy, đánh bã, xua đuổi rất kém hiệu quả.

UBND TP.HCM vừa chấp thuận cho Công ty cổ phần Cửu Long Phi đầu tư xây dựng thí điểm trang trại nuôi chim yến tại xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ trong thời gian 3 năm.

Từ cuối giờ chiều 31-5, trên hầu hết các địa bàn miền Trung (từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi) đã xảy ra mưa rải rác. Tại các vùng núi Quảng Nam đến Quảng Trị đã xảy ra mưa vừa đến mưa to. Mưa xảy ra trên diện rộng góp phần giải hạn miền Trung, nhất là bổ sung nguồn nước cho sản xuất vụ hè - thu.